Khánh thành cầu Vàm Cống
Cơ hội giúp Đồng Tháp chuyển mình
Cập nhật ngày: 21/05/2019 06:04:55
ĐTO - Những ngày qua, thông tin cầu Vàm Cống chuẩn bị khánh thành khiến người dân vô cùng háo hức, đặc biệt là những người dân sống quanh khu vực cầu Vàm Cống. Cầu Vàm Cống khánh thành đưa vào sử dụng là sự kiện quan trọng của khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đây cũng là niềm vui của người dân hai bờ sông Hậu về một giấc mơ có thật, mở ra triển vọng mới cho tỉnh Đồng Tháp và các tỉnh trong khu vực...
Cầu Vàm Cống chính thức đi vào sử dụng giúp rút ngắn khoảng cách hai bờ sông Hậu
Cầu Vàm Cống - mong mỏi bao đời của người dân thành hiện thực
Ngày 10/9/2013, tại huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát lệnh khởi công xây dựng cầu Vàm Cống. Sau gần 6 năm thi công, đến nay, Dự án cầu Vàm Cống và đường dẫn hai đầu (thuộc dự án thành phần 3 của dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê Kông) từ nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ Hàn Quốc (EDCF) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam được khánh thành, đưa vào sử dụng trong niềm vui hân hoan của người dân Đồng Tháp nói riêng và bà con ĐBSCL nói chung.
Là người sống tại khu vực gần cầu Vàm Cống hơn 60 năm, bà Lê Kim Lộc ngụ ấp An Hòa, xã Định An, huyện Lấp Vò luôn trông ngóng ngày cầu chính thức đi vào hoạt động. Bà Lộc phấn khởi cho biết: “Những năm trước, xung quanh khu vực này rất hoang sơ, người dân muốn đi An Giang hay TP.Cần Thơ phải đi qua phà, chờ đò mất nhiều thời gian. Bà con nơi đây không nghĩ có một ngày cầu Vàm Cống lại nối đôi bờ, đường sá rộng mở, kết nối thông thương. Giờ cầu Vàm Cống được khánh thành, nông dân chúng tôi rất mừng, là niềm mong ước lớn của bà con bao năm nay”.
Cũng là hộ dân sống gần khu vực đường dẫn vào cầu Vàm Cống, bà Cao Thị Côi ngụ ấp An Hòa, xã Định An cho biết: “Mấy ngày trước, đọc báo, xem đài nghe tin cầu Vàm Cống gần khánh thành cả nhà tôi ai nấy cũng đều háo hức. Cả tháng nay, chiều nào cũng có hàng trăm người già, trẻ ra ngắm cây cầu hoàn thiện và đợi đến ngày khánh thành để sải bước trên chiếc cầu mơ ước. Cầu Vàm Cống khánh thành còn giúp việc vận chuyển hàng hóa, mua bán của gia đình tôi sẽ thuận lợi hơn”.
Dự án cầu Vàm Cống hoàn thành không chỉ mang đến niềm vui cho người dân 2 bên bờ mà nhiều doanh nghiệp vận tải cũng thỏa lòng mong ước. Ông Lê Minh Thành - Giám đốc Hợp tác xã Vận tải thủy bộ TP.Cao Lãnh cho biết: “Dự án cầu Vàm Cống khi hoàn thành sẽ kết nối với cầu Cao Lãnh tạo thành hệ thống giao thông thông suốt cho khu vực ĐBSCL. Qua đó, các doanh nghiệp vận tải sẽ rút ngắn được thời gian vận chuyển hàng hóa, hành khách đi các tỉnh trong khu vực”.
Ông Lê Tấn Phong - Phó Chủ tịch UBND xã Định An, huyện Lấp Vò cho biết: “Cầu Vàm Cống hoàn thành sẽ tạo điều kiện đi lại thuận lợi, đẩy mạnh phát triển kinh tế khu vực xã Định An nói riêng và huyện Lấp Vò nói chung. Những ngày qua, người dân thuộc khu vực xã rất phấn khởi khi dự án hoàn thành. Bà con còn tham gia vệ sinh đường giao thông, bảo vệ môi trường, tự nguyện cùng bảo vệ công trình cầu...”.
Khi Đồng Tháp không còn “khuất nẻo”
Tại lễ khởi công cầu Vàm Cống, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan đã bày tỏ niềm vui, kỳ vọng vào công trình. Bí thư cho rằng, khi cầu Vàm Cống hoàn thành và đưa vào sử dụng cùng với công trình khác sẽ xóa bỏ hình ảnh địa phương khuất nẻo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của miền đất ẩn chứa nhiều tiềm năng.
Người dân phấn khởi vì sẽ được lưu thông trên cây cầu hiện đại
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể, GTVT là huyết mạch của nền kinh tế. Tuy nhiên, tại khu vực ĐBSCL nói riêng cả nước nói chung hạ tầng giao thông đang là điểm nghẽn. Vì vậy, việc khánh thành đưa vào sử dụng công trình cầu Vàm Cống có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với khu vực.
Phát biểu tại lễ khánh thánh cầu Vàm Cống, ông Nguyễn Văn Thể bày tỏ sự vui mừng: “Kể từ ngày hôm nay, khi chúng ta đi qua sông Hậu trên địa bàn TP.Cần Thơ, TP.Long Xuyên (An Giang) kết nối với tỉnh Đồng Tháp không còn phải lụy phà nữa. Nếu như trước đây, khi sử dụng phà để di chuyển người dân phải mất từ 30-45 phút, thì bây giờ qua cầu chỉ mất 3-5 phút. Đây là sự tiết kiệm thời gian, ngân sách rất lớn cho khu vực ĐBSCL nói chung và 3 tỉnh thụ hưởng công trình nói riêng”.
Cùng với đoạn đường từ cầu Vàm Cống đến Rạch Sỏi được Bộ GTVT triển khai hơn 2 năm nay, dự kiến sẽ hoàn thành vào quý I/2020, tuyến đường Hồ Chí Minh nối TP.Hồ Chí Minh với Rạch Giá sẽ được thông tuyến cơ bản, tạo trục đường mới giảm tải cho Quốc lộ 1, giúp các tỉnh trong khu vực có động lực để phát triển. Về kinh tế, đây là trục đường mang tính chiến lược, tạo điều kiện cho việc phát huy tiềm năng, thế mạnh các tỉnh vùng Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên, đảm bảo an ninh chính trị.
Để phát huy hiệu quả đường Hồ Chí Minh nói chung, cầu Vàm Cống nói riêng thời gian tới, Bộ GTVT sẽ triển khai một số công trình dự án để kết nối khai thác tốt tuyến đường này. Từ nguồn vốn tiết kiệm thực hiện cầu Vàm Cống (hơn 1000 tỷ), Bộ GTVT cùng tỉnh An Giang triển khai công tác giải phóng mặt bằng và sớm khởi công tuyến tránh TP.Long Xuyên để kết nối vào cầu Vàm Cống.
Đông đảo người dân hai bên bờ háo hức chờ thông xe cầu Vàm Cống trong ngày khánh thành
Ngoài ra, Bộ GTVT còn xây dựng đề án, kế hoạch hình thành trục cao tốc ngang nối Châu Đốc - Campuchia, đồng thời đi qua Long Xuyên, Cần Thơ và đến Sóc Trăng. Đây là trục đường ngang kết nối với đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Cần Thơ tạo thành trục liên hoàn để phát triển kinh tế - xã hội.
Và đặc biệt hơn, Bộ cũng đang trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch và xúc tiến đầu tư hình thành cảng nước sâu tại Trần Đề (Sóc Trăng). Với hệ thống giao thông trong thời gian tới, có thể tạo đột phá phát triển bền vững cho ĐBSCL, giúp người dân không chỉ làm nông nghiệp mà còn tập trung làm công nghiệp, dịch vụ, thương mại.
Với vai trò là địa phương trực tiếp thụ hưởng công trình cầu Vàm Cống, ông Võ Thành Thống - Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ chia sẻ: “Thời gian tới, TP.Cần Thơ, tỉnh Đồng Tháp sẽ tiếp tục giữ gìn, quản lý, khai thác hiệu quả công trình, đảm bảo an toàn bền vững. Đồng thời tận dụng lợi thế sau khi cầu Vàm Cống đưa vào sử dụng sẽ thực hiện xây dựng, phát triển khu vực đồng hành với sự phát triển chung cả nước”.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương, cầu Vàm Cống đã hoàn thành và chính thức thông xe không chỉ là niềm vui của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Tháp mà còn là niềm vui chung của các tỉnh ĐBSCL. Cầu Vàm Cống là cây cầu thứ 2 bắc qua sông Hậu, nối liền huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp) và quận Thốt Nốt (TP.Cần Thơ). Công trình này được khánh thành, hòa vào mạng lưới giao thông của Dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê Kông, Đồng Tháp sẽ có cơ hội chuyển mình vươn lên cùng với các địa phương khác trong vùng.
Theo Chủ tịch Nguyễn Văn Dương, cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, thúc đẩy giao thương khu vực nội tỉnh mà còn rút ngắn đáng kể khoảng cách giữa các tỉnh Tây Nam bộ với TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông, góp phần thu hút đầu tư, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp, về du lịch... của tỉnh nhà. Không chỉ vậy, Dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê Kông còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh của cả khu vực.
Khánh Phan