Khánh thành cầu Vàm Cống, cầu dây văng thứ 2 vượt sông Hậu

Cập nhật ngày: 19/05/2019 17:15:09

ĐTO - Sáng  19/5, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) long trọng tổ chức lễ khánh thành cầu Vàm Cống. Tham dự buổi lễ có ông Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Bộ GTVT, ông Shin Deong Yong - Phó Chủ tịch cấp cao Hội đồng quản trị Ngân hàng Eximbank Hàn Quốc, ông Kim Hon Rak - Tham tán Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, cùng đại diện lãnh đạo Bộ, ngành Trung ương, địa phương.


Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành cầu Vàm Cống

Cầu Vàm Cống là cầu dây văng thứ hai vượt sông Hậu và là cây cầu dây văng thứ năm ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đây cũng là cây cầu lớn nghìn tỉ thứ chín được khánh thành thông xe tại vùng ĐBSCL từ năm 2000 đến nay.

Theo đó, cầu Vàm Cống và đường dẫn hai đầu cầu là dự án thành phần 3 thuộc Dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê Kông được đầu tư bằng nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ Hàn Quốc (EDCF) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Dự án gồm cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu dài 2,97km và đường dẫn dài 5,88km nằm trên địa phận huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) và quận Thốt Nốt (TP.Cần Thơ), cách bến phà Vàm Cống 3km về phía hạ lưu.


Sau lễ khánh thành và thông xe, đông đảo người dân đến tham quan cầu Vàm Cống

Cầu Vàm Cống được thiết kế với quy mô cầu dây văng hai mặt phẳng dây, nhịp chính dài 450m, tĩnh không thông thuyền 37,5m. Trụ tháp hình chữ H cao 143,9m. Mặt cắt ngang cầu rộng 24,5m bao gồm 4 làn xe ô tô (4x3,5m) và hai làn xe thô sơ (2x3m); đường dẫn vào cầu được thiết kế với quy mô mặt cắt ngang 20,6m gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, tốc độ thiết kế 80km/h. Đại diện chủ đầu tư là Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long; nhà thầu thi công là Liên doanh GS E&C - Hanshin E&C (Hàn Quốc).

Như vậy, cùng với trục Quốc lộ 1A, tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương (đang thi công đoạn nối tiếp Trung Lương - Mỹ Thuận), việc thông xe cầu Vàm Cống thông suốt tuyến N2 tạo thêm trục dọc góp phần thông suốt tuyến vận tải. Việc hoàn thành để đưa công trình cầu Vàm Cống và đường dẫn hai đầu cầu vào sử dụng, kết hợp với dự án thành phần 1 - cầu Cao Lãnh và dự án thành phần hai tuyến nối cầu Cao Lãnh - cầu Vàm Cống đã khai thác sử dụng từ tháng 5/2018 sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông khu vực ĐBSCL, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường đảm bảo an ninh - quốc phòng trong khu vực.


Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam, lãnh đạo địa phương chụp ảnh lưu niệm với chủ đầu tư Hàn Quốc

Ông Shin Deong Yong - Phó Chủ tịch cấp cao Hội đồng quản trị Ngân hàng Eximbank Hàn Quốc cho rằng, lễ khánh thành cầu Vàm Cống sẽ là một bước tiến lớn cho sự phát triển bền vững của vùng ĐBSCL và hơn nữa sẽ dẫn đến sự phát triển thần kỳ bên bờ sông Hậu, cũng giống như sự phát triển thần kỳ bên bờ sông Hàn của Hàn Quốc. Cầu Vàm Cống là cây cầu dây văng đầu tiên được tài trợ bởi EDCF với khối lượng tài trợ lớn nhất trong tất cả dự án của EDCF tại Việt Nam. Ông Shin Deong Yong hy vọng, cầu Vàm Cống sẽ trở thành biểu tượng quan trọng thắt chặt tình hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc.

Được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tuyên bố khánh thành cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu nối TP.Cần Thơ và tỉnh Đồng Tháp.

Tại lễ khánh thành, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể phát biểu: “Hôm nay, cả nước vui mừng nhân kỷ niệm Ngày sinh nhật Bác (19/5), nhân dịp này, tại TP.Cần Thơ, sự kiện công bố khánh thành cầu Vàm Cống có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với khu vực ĐBSCL. Sinh thời Bác Hồ đã nói, giao thông là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt thì mọi việc dễ dàng, giao thông xấu thì mọi việc sẽ đình trệ, có nghĩa rằng, Đảng và Bác Hồ xem phát triển GTVT là nhiệm vụ quan trọng nhằm phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện lời dạy của Bác, trong nhiều nhiệm kỳ qua, Đảng và Nhà nước tập trung nhiều nguồn vốn (ngân sách, vốn vay) phát triển GTVT.


Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể phát biểu tại buổi lễ

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, mặc dù Đảng và Nhà nước đã tập trung nhiều nguồn vốn triển khai trong nhiều nhiệm kỳ nhưng phải khẳng định GTVT hiện vẫn là điểm nghẽn đối với ĐBSCL. Do đó, việc khánh thành, đưa vào sử dụng công trình cầu Vàm Cống có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với khu vực.

Đây là cây cầu có vị trí chiến lược nằm trong trục giao thông mới xuyên Đồng Tháp Mười, xuyên ĐBSCL. Cụ thể, đó là đường Hồ Chí Minh kết nối từ TP.Hồ Chí Minh qua Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang xuống Cà Mau. Sự kiện khánh thành cầu Vàm Cống có nghĩa rằng, một mắc xích trên tuyến đường Hồ Chí Minh được kết nối cùng với cầu Cao Lãnh và đoạn đường cao tốc nối từ cầu Cao Lãnh đến cầu Vàm Cống thì tỉnh Đồng Tháp hiện nay không còn khuất nẻo. Đồng Tháp cũng là địa phương thụ hưởng nhiều nhất từ hai công trình này. Có thể nói, cầu Vàm Cống mang lại động lực rất lớn để các nhà đầu tư đến với các tỉnh ĐBSCL nhanh nhất, thuận lợi nhất. Và, với người dân bên bờ sông Hậu, đây là niềm vui vô cùng to lớn khi mong ước ngàn đời kết nối đôi bờ sông Hậu đã trở thành sự thật.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng bày tỏ hy vọng, cầu Vàm Cống sẽ là biểu tượng tốt đẹp tình hữu nghị giữa Việt Nam và Hàn Quốc, để hai quốc gia cùng xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược giúp nhân dân hai nước ngày càng phát triển tốt hơn.

KHÁNH PHAN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn