Khi nông dân Đồng Tháp mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp

Cập nhật ngày: 17/05/2019 15:47:41

ĐTO - Nhận thấy việc sản xuất theo lối truyền thống sẽ đi vào vết xe đổ “được mùa mất giá”, nhiều nông dân Đồng Tháp đã tự tìm cho mình hướng đi riêng bằng cách xây dựng các mô hình “Cây xoài nhà tôi”, “Cây cam vườn tôi”.


Ông Nguyễn Văn Mách chăm sóc vườn xoài của gia đình

Những mô hình này không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho nông dân trực tiếp sản xuất mà còn mang lại sản phẩm an toàn, chất lượng cho người tiêu dùng.

“Cây xoài nhà tôi” - hướng đi hiệu quả của nông dân

Không chấp nhận trồng xoài chịu cảnh bấp bênh, nhiều năm qua, ông Nguyễn Văn Mách ngụ xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh đã chuyển đổi trồng xoài theo hướng an toàn và bán xoài qua mạng với tên gọi “Cây xoài nhà tôi”. Cách làm này đã đem lại thu nhập đáng kể cho gia đình ông.

Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn xoài cát chu rộng 8.000m2, ông Mách kể, năm 1995 sau khi thôi việc ở một trường Tiểu học, ông về canh tác trên đất vườn của gia đình. Ông chọn giống xoài cát chu làm cây trồng chuyên canh, tuy nhiên thời điểm đó giá xoài bấp bênh cùng với việc không có thương hiệu nên giá trị của trái xoài không cao.

Nhận thấy không thể cứ canh tác theo kiểu cũ mà phải tìm hướng đi mới cho trái xoài, tháng 9/2016, trong một lần tham gia cuộc họp tại Hợp tác xã (HTX) xoài Mỹ Xương, được HTX triển khai mô hình “Cây xoài nhà tôi” với quy trình canh tác an toàn, sản phẩm làm ra được kiểm chứng rõ ràng. Thấy đây là mô hình mới, phù hợp với định hướng thị trường nên ông mạnh dạn tham gia.

Nhờ canh tác theo quy trình an toàn, sản phẩm làm ra được text mẫu rõ ràng nên trái xoài của ông Mách luôn nhận được sự tin tưởng của khách hàng trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, cùng với HTX, “Cây xoài nhà tôi” của ông Mách cũng được bán qua mạng thông qua website xoaicaolanh.com.vn. Giá bán niêm yết 3 - 3,5 triệu đồng/cây, sản lượng cung ứng cho khách hàng khoảng 100kg/cây/năm. Đến nay, HTX xoài Mỹ Xương đã bán được 290 cây xoài, trong đó, riêng ông Mách bán được 25 cây. Từ đó đem lại thu nhập ổn định cho gia đình ông cũng như các thành viên HTX.

Chia sẻ về mô hình, ông Mách cho biết, cái gì ban đầu cũng đều có khó khăn riêng, với mô hình này cũng vậy, để thay đổi thói quen sản xuất truyền thống từ bón nhiều phân thuốc, chú trọng sản lượng sang sản xuất sạch, đảm bảo chất lượng là cả một quá trình dài. Tuy nhiên, trong xu thế thị trường, người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn với các loại nông sản, thì việc thay đổi thói quen sản xuất là vô cùng cần thiết.

“Cây cam vườn tôi” - bước chuyển đổi tư duy sản xuất mới của nông dân

Cũng như ông Mách, sau 8 năm trồng cam với giá cả bấp bênh, anh Võ Văn Nang ở xã Tân Thuận Đông, TP.Cao Lãnh nhận ra việc người sản xuất chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ các sản phẩm của mình là hết sức quan trọng. Anh đã mạnh dạn chuyển đổi 4.000m2 cam theo mô hình của HTX xoài Mỹ Xương, đồng thời xây dựng tên riêng đó là “Cây cam vườn tôi”.


Hiện mỗi cây cam của anh Nang đều có mã số ghi đầy đủ thông tin về chiều cao, đường kính tán, năm tuổi, năng suất bình quân của cây

Anh Nang chia sẻ, đối với nhà vườn thì việc chuyển đổi từ cách sản xuất cũ sang dùng các chế phẩm sinh học, bón phân vi sinh, không sử dụng phân hóa học hay thuốc trừ sâu trên vườn... là những điều không phải quá khó khăn. Tuy nhiên, để làm được, nông dân phải thật sự kiên trì, cẩn thận, bởi nếu lơ là, sản phẩm không đạt chất lượng, sẽ dẫn đến thất bại bất cứ lúc nào.

Cũng như mô hình “Cây xoài nhà tôi”, với mô hình của anh Nang, việc mua bán được diễn ra thông qua mạng trực tuyến. Theo đó, khách hàng có thể đặt tiền qua mạng hoặc gửi trực tiếp để được sở hữu một cây cam; khách hàng có thể theo dõi thông tin liên quan tới cây cam, quá trình sản xuất trên website nongsancaolanh.com.vn do anh Nang cập nhật trên web, riêng những khách hàng ở gần có thể đến trực tiếp để thăm cây cam, đồng thời trải nghiệm du lịch sinh thái với vùng cù lao Tân Thuận Đông.

Hiện với giá niêm yết công khai 4 triệu đồng/cây/năm, sản lượng trái khoảng 100kg/năm, anh Nang đã bán được khoảng 50 cây cam xoàn cho hơn 20 cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Anh Nang cho biết, ngoài những cây cam đã được khách hàng đặt mua, hiện hơn 150 cây cam xoàn còn lại của anh đều có mã số, thông tin, hình ảnh liên quan đến chiều cao, đường kính tán, năm tuổi, năng suất bình quân và được sản xuất theo đúng quy trình an toàn, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm.

Theo anh Nang, so với quy trình canh tác truyền thống, việc trồng cam theo cách này tuy có tốn công hơn, nhưng bù lại giá trị sản phẩm làm ra cao hơn, giá bán ổn định hơn. Cụ thể giá cam vẫn ở mức ổn định 40.000 đồng/kg cho dù thị trường có lên xuống thế nào. Điều này, vừa khuyến khích, vừa nâng cao trách nhiệm của người sản xuất đối với sản phẩm mình làm ra cũng như tạo được niềm tin của khách hàng từ sản phẩm an toàn, chất lượng.

Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp, hướng đi của nông dân Võ Văn Nang, Nguyễn Văn Mách cũng như HTX xoài Mỹ Xương trong việc xây dựng các mô hình mới được xem là hướng đi hiệu quả của các nhà vườn trên địa bàn tỉnh. Đây được xem là một trong những bước đệm quan trọng cho việc tạo dựng thương hiệu cho nông sản Đồng Tháp từ các mô hình sản xuất sạch, an toàn. Bên cạnh đó, đây cũng là giải pháp gỡ được nút thắt quan trọng từ thực trạng “mua mù, bán mù” tồn tại từ bấy lâu nay của nông sản cả nước nói chung và của Đồng Tháp nói riêng.

Mỹ Nhân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn