Lai Vung triển khai nhiều giải pháp vực dậy diện tích cây có múi
Cập nhật ngày: 14/05/2019 05:29:05
ĐTO - Từ lâu, cây có múi đã trở thành “miếng cơm, manh áo” của nhiều nông dân trên địa bàn huyện Lai Vung. Song, thời gian qua, nông dân nơi đây “đứng ngồi không yên”, thu nhập bị ảnh hưởng nặng nề bởi hiện tượng vàng lá thối rễ, chết xanh trên cây có múi. Hiện các ngành chức năng và địa phương đang triển khai nhiều biện pháp cứu vãn loại cây trồng thế mạnh của Lai Vung.
Việc thiết kế vườn hợp lý giúp cây trồng của ông Lưu Văn Tín chống chọi tốt với hiện tượng vàng lá thối rễ, chết xanh
Hệ lụy từ việc hiểu nhầm lượng phân bón
Qua kết quả nghiên cứu của Viện Cây ăn quả Miền Nam và Trường Đại học Cần Thơ cho thấy, nguyên nhân trực tiếp gây ra hiện tượng vàng lá thối rễ, chết xanh trên cây có múi là do nhện rễ và tuyến trùng tấn công gây hại tạo vết thương, từ đó tạo điều kiện cho nấm Fusarium solani, Phytopthora spp tấn công cây hại. Còn nguyên nhân gián tiếp do các điều kiện canh tác, đất, thời tiết... làm cho hệ miễn dịch của bộ rễ suy yếu, rễ bị tổn thương hoặc hư thối tạo tiền đề cho nhện rễ, tuyến trùng và nấm bệnh có hại trong đất phát sinh gây hại.
Tuy nhiên, trong canh tác, việc lạm dụng phân bón quá mức cũng được xem là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến cây trồng. Bàn về điều này, ông Huỳnh Văn Tồn - Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Lai Vung chia sẻ: “Những năm qua, phần lớn nông dân trồng cây có múi vẫn còn nhầm lẫn khi sử dụng các loại phân bón. Thực tế, trong các sản phẩm phân bón hữu cơ công nghiệp vẫn có chứa hàm lượng hóa học. Trong khi đa số nông dân vẫn chưa hiểu trong sản phẩm hữu cơ công nghiệp có chứa một lượng chất hóa học nên vẫn bón phân theo tập quán”.
Theo ông Tồn, ngành chuyên môn đã có khảo sát, tính toán, trong các loại phân hữu cơ công nghiệp nhận thấy hàm lượng đạm rất cao. Cụ thể, nông dân sau khi bón phân hữu cơ công nghiệp, thường bổ sung thêm lượng hóa học, tương đương 50 - 100kg/công/vụ. Hậu quả của việc lượng phân hóa học, nhất là phân đạm quá dư sẽ làm phần trên của cây xanh tốt nhưng tế bào rễ non yếu, sức chống chịu kém nên sâu bệnh dễ tấn công. Nguy hiểm nhất là tuyến trùng, nhện rễ, nấm Phytophthora nicotianae, Fusarium solani tấn công gây nên tình trạng bội nhiễm trên rễ.
Tìm hiểu thực tế, hộ ông Trịnh Kỳ Nam ngụ ấp Tân Mỹ, xã Tân Phước, huyện Lai Vung canh tác theo tập quán nên ông thường sử dụng lượng phân hóa học khoảng 80kg/1.000m2/vụ. Trước tình trạng cây chết hàng loạt, sau khi kiểm tra phổ diện đất, đất bị nén chặt, không còn độ tơi xốp và phát hiện trong đất có chứa tuyến trùng ảnh hưởng lớn đến bộ rễ. Vì vậy, với hơn 700 gốc quýt hồng và quýt đường, trong đợt bùng phát dịch bệnh vàng lá thối rễ, gia đình ông Nam hao hụt gần như hoàn toàn.
Bên cạnh những hộ bị ảnh hưởng, vẫn có nhiều nhà vườn có cái nhìn mới về việc canh tác, họ chú trọng áp dụng các giải pháp theo tiêu chuẩn VietGAP hay GlobalGAP. Những cách làm này vừa giúp họ ứng phó tốt với hiện tượng vàng lá thối rễ, chết xanh, vừa mang đến giá trị xanh cho nền nông nghiệp.
Chỉ sau hơn 15 ngày thực hiện theo mô hình thí điểm, các cây bị ảnh hưởng đã có dấu hiệu khởi sắc
Là người canh tác cây có múi lâu năm, ông Lưu Văn Tín - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) quýt hồng Lai Vung hiểu rất rõ về tác dụng “thần kỳ” của phân hữu cơ truyền thống cho cây trồng. Vì vậy, trước hiện tượng vàng lá thối rễ, chết xanh trên cây có múi hoành hành nhưng vườn nhà ông Tín chỉ bị ảnh hưởng khoảng 5%. Ông Tín cho biết, từ năm 2012, ông cùng các thành viên trong HTX ứng dụng khoa học của chương trình sản xuất theo hướng VietGAP. Theo đó, các thành viên có sử dụng phân hóa học gốc sinh học nhưng theo tiêu chí “đúng thuốc, đúng bệnh, đúng thời điểm”, điều này có thể rút ngắn được số lần phun và giảm chi phí đầu tư. Trong quá trình canh tác, do đất lâu năm nên ông chú trọng sử dụng phân bón hợp lý kết hợp sử dụng phân hữu cơ và bổ sung vi sinh cần thiết. Đồng thời áp dụng nhật ký ghi chép, sổ sách đầy đủ, nhất là chi phí đầu tư, thời gian phun xịt, bón phân, thuốc đã sử dụng, mua từ đại lý nào, thời điểm phun xịt đến khi thu hoạch...
“Phân tích những hạn chế cũng như ưu điểm của cây quýt hồng, tôi chủ động từ việc thiết kế vườn hợp lý, trồng giống sạch bệnh, chăm sóc chu đáo. Ngoài ra, tôi còn gắn kết với Phòng NN&PTNT huyện và các chuyên gia để thường xuyên cập nhật phương pháp phòng trừ bệnh; học cách sử dụng phân hữu cơ, xử lý ra hoa, đậu trái” - ông Tín chia sẻ.
Ông Trần Bá Chuốt - Thành viên HTX nông sản sạch Vĩnh Thới, huyện Lai Vung chia sẻ: “Trong quá trình canh tác, tôi phải nắm vững kỹ thuật, từ cách chọn giống đến các khâu chăm sóc, bón phân... phải làm sao để cây cho trái đều, ít bị sâu bệnh. Điều quan trọng là tôi luôn chú trọng sử dụng dòng thuốc hữu cơ cho cây, 1 vài loại vi lượng nhất định và các dòng phân hóa học phù hợp từ giai đoạn đầu đến thu hoạch. Tỷ lệ sử dụng trên vườn phải hơn 60% thành phần hữu cơ và hạn chế đến thấp nhất phân hóa học. Bên cạnh đó, để phòng bệnh cho cây có hiệu quả, ngoài việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chuyên dụng cho cây theo định kỳ, nhà vườn cần tưới nước thường xuyên để rửa các loại nấm bệnh, côn trùng bám đậu trên lá”.
Ông Huỳnh Văn Tồn cho biết thêm, hiện nay, huyện đang vận động, hướng dẫn nông dân quy hoạch lại vườn trồng cây có múi chủ lực, trồng tập trung theo từng loại phù hợp với thổ nhưỡng đã được xác định và sản xuất theo các quy trình an toàn (VietGAP, GlobalGAP). Trong định hướng, sẽ phát triển sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ nông sản cho nhà vườn. Đây cũng là tiền đề để nhà vườn học tập kinh nghiệm tổ chức lại sản xuất bền vững.
Vực dậy đặc sản thế mạnh của địa phương
Để triển khai nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả phòng, chống hiện tượng vàng lá thối rễ, chết xanh trên cây có múi, Sở NN&PTNT Đồng Tháp giao Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) Đồng Tháp phối hợp với Trung tâm Khuyến nông, Khoa Nông nghiệp - Trường Đại học Cần Thơ và UBND huyện Lai Vung tiến hành chọn 5 vườn đang bị bệnh nhằm xây dựng mô hình ứng dụng quy trình khắc phục hiện tượng vàng lá thối rễ, chết xanh trên cây có múi. Theo đó, tiến hành thực hiện tại các vườn cây đang nhiễm bệnh, xử lý cây đã chết, quản lý chăm sóc cây chưa nhiễm bệnh tại các vườn cây có múi (diện tích 1.000 - 2.000m2/điểm).
Sử dụng phân hữu cơ truyền thống là giải pháp căn cơ giúp vực dậy vườn cây có múi
Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT còn phối hợp với UBND huyện Lai Vung triển khai tập huấn thông tin tuyên truyền về các giải pháp quản lý bệnh vàng lá thối rễ, chết xanh trên cây có múi tại các HTX, Hội Làm vườn, các Hội quán nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các nhà vườn. Tại các điểm này, các chuyên gia sẽ hướng dẫn nông dân cách khắc phục theo qui trình và so sánh với tập quán sản xuất cũ giữa các vườn trồng cây có múi.
Là 1 trong 5 vườn được chọn, ông Nguyễn Văn Đầy ngụ ấp Long Hưng, xã Long Hậu, huyện Lai Vung đang thực hiện theo mô hình thí điểm khắc phục hiện tượng vàng lá thối rễ, chết xanh trên cây có múi của ngành chuyên môn. Tại vườn nhà ông Đầy, ngành chuyên môn chọn 1.000m2 trồng quýt hồng có tỷ lệ hao hụt 30 - 40% để tổ chức thí điểm sử dụng bón phân ủ hoai, phủ rơm, tưới chế phẩm sinh học tricodecma chống thối rễ và quét vôi kết hợp trồng cỏ trong vườn để giữ độ ẩm. Đến nay, các cây nhiễm bệnh bắt đầu ra lá non trở lại.
Còn hộ ông Trần Hữu Hớn ngụ ấp Long Hưng, xã Long Hậu cho biết: “Thực hiện mô hình này, giai đoạn đầu, nông dân sẽ tập trung bón phân hữu cơ hoai mục kết hợp với sử dụng phân vô cơ với liều lượng hợp lý theo giai đoạn và tuổi cây, không bón thừa phân đạm, hạn chế bón phân hữu cơ khoáng chất có hàm lượng đạm cao. Đồng thời thường xuyên kiểm tra pH đất định kỳ hàng tháng, xử lý vôi sau khi vệ sinh vườn và đầu mùa mưa nhằm giúp diệt mầm bệnh và cải thiện pH đất, giúp cây sinh trưởng phát triển tốt”.
Ngoài ra, nhằm góp phần phòng, chống dịch bệnh trên cây có múi, Hợp tác xã nông sản sạch xã Vĩnh Thới cũng phối hợp với Viện Cây ăn quả Miền Nam thử nghiệm sản xuất giống cây sạch bệnh. Theo đó, Hợp tác xã đã đặt hàng giống cây quýt đường sạch bệnh theo quy trình kỹ thuật đảm bảo sạch bệnh, cung cấp cho các hộ trồng quýt của xã viên với số lượng 2.000 cây. Khi tham gia mô hình, các xã viên sẽ áp dụng sản xuất theo đúng quy trình VietGAP, hạn chế tối đa sử dụng phân và thuốc hóa học, chỉ sử dụng thuốc sinh học và phân hữu cơ; vườn thử nghiệm cũng được bảo đảm cách ly với dịch bệnh.
Ông Huỳnh Trung Phượng - Chi Cục phó Chi cục TT&BVTV khuyến cáo: “Với các đối tượng sâu bệnh gây hại, nông dân nên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi thật cần thiết, ưu tiên sử dụng thuốc ít độc cho thiên địch, môi trường; tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng, an toàn và hiệu quả khi sử dụng thuốc. Tuyệt đối không sử dụng thuốc hóa học tưới vào gốc để phòng trị bệnh vì làm ảnh hưởng đến các vi sinh vật có ích trong đất, dẫn đến việc quản lý bệnh vàng lá thối rễ, chết xanh không hiệu quả. Ngoài ra, ngành chuyên môn khuyến khích nhà vườn sử dụng cân đối phân bón hữu cơ khoáng với phân hóa học để ổn định cấu trúc đất, tăng độ mùn, tơi xốp cho đất, tạo điều kiện cho các vi sinh vật có ích phát triển và tránh làm tổn thương bộ rễ...”.
Khánh Phan