Đồng Tháp đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp
Cập nhật ngày: 08/05/2019 10:11:20
ĐTO - Xác định thương mại điện tử (TMĐT) sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc cải cách hành chính, mang lại sự tiện dụng cho doanh nghiệp (DN) và người dân khi tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến, nâng cao sức cạnh tranh trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp đã có nhiều hoạt động hỗ trợ tích cực giúp DN, người dân tiếp cận và sử dụng hiệu quả TMĐT trong đời sống và hoạt động kinh doanh.
80% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng
Ngày 30/6/2017, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành kế hoạch phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020. Sau gần 2 năm triển khai, kế hoạch đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, trong đó có 100% DN sử dụng thư điện tử trong hoạt động giao dịch và trao đổi thông tin; 80% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng; dịch vụ công liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh được cung cấp trực tuyến từ mức độ 3 trở lên.
Thời gian qua, nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của TMĐT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các buổi tập huấn cho gần 400 lượt cán bộ, công chức, viên chức và các DN trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, để khuyến khích các DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, thanh niên khởi nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến bán hàng thông qua website TMĐT; Sở Công Thương đã hỗ trợ 10 đơn vị nhận chuyển giao phần mềm quản lý bán hàng thông minh từ Đề án Hỗ trợ các nhà bán lẻ ứng dụng giải pháp quản lý bán hàng thông minh, thuộc Chương trình phát triển TMĐT Quốc gia năm 2018.
Từ tháng 10/2017, tỉnh đã đưa vào vận hành chính thức Cổng dịch vụ công trực tuyến tại địa chỉ egov.dongthap.gov.vn. Qua đó, các cá nhân, tổ chức có thể tìm hiểu thông tin về thủ tục hành chính, nộp hồ sơ trực tuyến, giám sát tình hình giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, tra cứu hồ sơ thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành tỉnh và UBND huyện, thị xã, thành phố. Ngoài ra, tỉnh đã triển khai nâng cấp về giao diện và một số tính năng mới, hiện đại của sàn giao dịch TMĐT phù hợp với các thiết bị di động. Đến nay, đã hỗ trợ cho 61 DN, cơ sở sản xuất tham gia sàn giao dịch TMĐT, với 138 sản phẩm (chủ yếu gồm: thủy sản, dệt may, thực phẩm, dược phẩm, nông sản, đồ uống...).
Bên cạnh những kết quả tích cực thì việc ứng dụng TMĐT vẫn còn một số mặt tồn tại và hạn chế như: các DN của tỉnh chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, nên việc ứng dụng TMĐT chưa được chú trọng, nguồn nhân lực phục vụ ứng dụng TMĐT còn thiếu. Việc cung cấp dịch vụ công liên quan đến lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh chủ yếu chỉ mới dừng lại ở mức độ 3. Hoạt động của sàn giao dịch TMĐT của tỉnh còn hạn chế, số lượng các đơn vị tham gia chưa nhiều; chưa thu hút được các DN tham gia giao dịch, giới thiệu sản phẩm.
Do đó, tỉnh Đồng Tháp mong muốn Trung ương thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, khóa đào tạo ngắn hạn cho DN của tỉnh các chuyên đề chuyên sâu về ứng dụng TMĐT trong sản xuất, kinh doanh. Đồng thời kiến nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí cho tỉnh để triển khai tuyên truyền, đẩy mạnh ứng dụng TMĐT cho người dân, DN.
Mỹ Lý