Tam Nông
Phát huy lợi thế sẵn có của địa phương
Cập nhật ngày: 05/05/2019 06:21:57
Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thời gian qua, huyện Tam Nông tập trung phát huy lợi thế sẵn có của địa phương, hướng tới đầu tư, phát triển những nông sản phù hợp, hiệu quả.
Tam Nông đang hoàn chỉnh quy trình nuôi tôm thẻ công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường
Ông Hồ Quốc An - Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Nông cho biết, thời gian qua, huyện đã chú trọng vào việc cơ cấu lại cây trồng, ưu tiên phát triển các loại cây lúa ngắn ngày, kháng sâu rầy, chịu hạn, thích nghi với biến đổi khí hậu. Cùng với đó, địa phương duy trì mô hình liên kết lúa an toàn, hiệu quả, có kết hợp tôm - lúa, lúa - cá tự nhiên, chuyển dần theo hướng sản xuất an toàn, hữu cơ, nâng cao giá trị sản phẩm.
Đặc biệt, huyện đã mở rộng thêm các mô hình liên kết trồng nấm rơm, trồng rau an toàn trong nhà lưới, nuôi vịt rọ, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật theo quy trình công nghệ an toàn, theo dõi cách phòng trừ sâu bệnh, kỹ thuật chăm sóc để có được hiệu quả cao từ các mô hình.
Với lĩnh vực chăn nuôi, Tam Nông đang hoàn chỉnh quy trình nuôi tôm thẻ công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu gắn bảo vệ môi trường với diện tích 2ha/2 hộ (hiện diện tích nuôi tôm thẻ trên địa bàn huyện khoảng 134,6ha/43 hộ) tại xã Phú Thành B. Trong đó, thực hiện theo quy trình khép kín, cụ thể như: sục khí tăng oxy cho nước nuôi ở mật độ dày, sử dụng hệ thống cho ăn tự động, quy trình xử lý nước tái sử dụng lại... nhằm bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, từng bước hình thành vùng sản xuất tôm an toàn, chất lượng cao.
Đáng chú ý, ngành nông nghiệp huyện đã tích cực thực hiện các mô hình sản xuất lúa giảm giá thành có liên kết, tiêu thụ giữa các doanh nghiệp với các hợp tác xã, tổ hợp tác. Qua đó, việc tiêu thụ nông sản như: mô hình giảm giá thành sản xuất lúa áp dụng phương pháp vùi phân thông minh, mô hình bón phân vùi trên lúa, cánh đồng lớn... khá hiệu quả. Trong năm 2019, huyện có 9 doanh nghiệp đăng ký liên kết tiêu thụ lúa của nông dân với diện tích 2.688ha, hiện các công ty đã thu mua được 1.857ha, sản lượng 12.260 tấn.
Ngoài ra, các mô hình mới đang được thực hiện để từng bước hình thành và phát triển như: mô hình trồng đậu nành rau có liên kết với Công ty Antesco (Công ty thực phẩm An Giang) cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao, với mức lợi nhuận hơn 70 triệu đồng/ha; mô hình trồng thanh long ruột đỏ liên kết với Công ty Thạch Võ (Vĩnh Long) với giá trên 30.000 đồng/kg cho hiệu quả hơn 100 triệu đồng/năm/ha...
Theo ông Hồ Quốc An - Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Nông, thời gian tới, để tiếp tục phát huy hiệu quả các mô hình kinh tế, địa phương sẽ chú trọng đến đến việc theo dõi, hướng dẫn, xử lý các khó khăn vướng mắc trong việc triển khai các mô hình. Bên cạnh đó, tích cực phối hợp với các đơn vị liên kết thực hiện mô hình chuỗi giá trị một cách bền vững nhằm mang lại hiệu quả thiết thực cho các thành phần tham gia chuỗi liên kết.
Mỹ Nhân