Huyện Tân Hồng
Mô hình trồng mè trên đất lúa mang lại hiệu quả kinh tế
Cập nhật ngày: 02/05/2019 10:50:57
ĐTO - Những năm gần đây, thay vì canh tác lúa vụ hè thu, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Tân Hồng chuyển sang chọn cây mè để sản xuất nâng cao thu nhập. Mô hình này không chỉ cho hiệu quả kinh tế cao mà còn giúp cải tạo đồng ruộng, ngăn chặn một số dịch bệnh trên cây lúa.
Nông dân huyện Tân Hồng chọn cây mè thay thế lúa trong vụ hè thu giúp nâng cao thu nhập
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tân Hồng, trong vụ hè thu, toàn huyện có khoảng 100ha diện tích trồng mè. Trong đó, nông dân chọn 2 loại mè mang lại giá trị cao là mè vàng, mè trắng. Cây mè là loại cây trồng thích ứng tốt với các điều kiện thời tiết khắc nghiệt vụ hè thu.
Theo nhiều nông dân trồng mè, sau khi thu hoạch lúa đông xuân (khoảng tháng 2 - 3 dương lịch), bà con sẽ dọn sạch cỏ bờ bao và tiến hành xới đất. Trước khi xuống giống, cần đào những rãnh, mương nhỏ chạy dọc theo ruộng, mỗi mương cách nhau 5m tạo thành những liếp giúp thuận lợi cho việc tưới thấm và thoát nước. Đồng ruộng sau khi trồng mè khi sạ lại lúa sẽ rất trúng, ít sâu bệnh hơn so với sản xuất liên tục 3 vụ lúa trong năm như trước đây.
Để cây mè mang lại hiệu quả, nông dân thường gieo hạt theo phương pháp sạ hàng. Lượng giống sử dụng từ 5 - 7kg/ha. Sau khi gieo hạt, phải cào nhẹ lớp đất mặt để hạt rơi xuống phía dưới và dùng rơm phủ kín mặt ruộng. Nông dân còn chọn cách phủ rơm để giúp giữ đất ẩm lâu, giảm được việc tưới tiêu; điều này còn giúp hạn chế lượng phèn, cỏ dại và giữ cho lớp đất mặt không bị nén sau khi tưới. Ngoài ra, sau khi thu hoạch mè, lớp rơm rạ sẽ là nguồn phân hữu cơ cho vụ sau.
Ông Phan Thanh Dũng ngụ ấp Công Tạo, xã Bình Phú cho biết: “Thời gian sinh trưởng của cây mè vào khoảng 80 ngày, sau khi trồng 25 - 30 ngày, cây trổ bông, năng suất trung bình 1,5 - 2 tấn/ha. Khi lá mè chuyển từ xanh sang vàng bắt đầu rụng hoặc khi thấy trái thứ 2 - 3 từ dưới lên có dấu hiệu nứt là lúc mè đã chín, có thể thu hoạch. Không nên để mè chín quá, trái mè sẽ nổ làm thất thoát hạt”.
Ông Lê Hồng Hòa - Chủ nhiệm Hội quán Tân Tạo (xã Bình Phú, huyện Tân Hồng) cho biết, nhiều năm nay ông đã không làm lúa vụ hè thu mà chuyển sang trồng thêm rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày. Trước đây, có lúc ông trồng đậu nành, bắp lai, dù lợi nhuận có cao hơn trồng lúa nhưng vất vả, đầu ra gặp khó khăn. Sau nhiều năm nghiên cứu, ông Hòa quyết định chuyển hết 3ha đất lúa sang trồng mè trong vụ hè thu và lợi nhuận từ cây mè cao hơn gấp nhiều lần so với lúa. Chỉ cần năng suất mè khoảng 1,5 tấn/ha trở lên và giá bán từ 35.000 - 37.000 đồng/kg là đảm bảo có lời khoảng 5 triệu đồng/công.
Là người chọn trồng mè trong vụ hè thu, ông Nguyễn Văn Beo ngụ ấp Công Tạo, xã Bình Phú đã an tâm hơn cho vụ sản xuất. Ông Beo cho biết: “Những năm trước, gia đình tôi trồng lúa trong vụ hè thu tốn nhiều chi phí nên chỉ lời khoảng 1 triệu đồng/công. Khoảng 3 năm trở lại đây, gia đình tôi quyết định chuyển sang trồng 2ha mè vụ hè thu, năng suất 180kg/công, bán được 37.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí còn lời khoảng 4 triệu đồng/công”.
Tuy mô hình bước đầu mang lại hiệu quả nhưng người trồng mè vẫn còn lo lắng do giá sản phẩm thường xuyên biến động theo hướng bất lợi khi bước vào thu hoạch rộ, nông dân phần lớn phụ thuộc giá bán sản phẩm vào thương lái. Tình trạng này khiến nhiều hộ nông dân gặp khó khăn do không có điều kiện dự trữ sản phẩm, phải bán ngay sau thu hoạch để thanh toán vật tư nông nghiệp. Ngoài ra, người trồng mè chưa được hỗ trợ nhiều từ các ngành chức năng trong khâu lo về giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc và quản lý dịch hại để đảm bảo năng suất bền vững.
Theo ông Nguyễn Văn Tài - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tân Hồng, thời gian qua, cây mè đã trở thành cây trồng thay thế lúa hiệu quả trong vụ hè thu. Để hỗ trợ cho nông dân thực hiện hiệu quả mô hình, thời gian tới, ngành nông nghiệp huyện và các ngành liên quan sẽ có định hướng sản xuất gắn với thị trường, đồng thời hỗ trợ về kỹ thuật, giống và bảo quản cho nông dân...
Khánh Phan