Nông sản Việt xuất khẩu cần thay đổi để đáp ứng nhu cầu thị trường

Cập nhật ngày: 09/05/2019 06:12:59

ĐTO - Từ ngày 1/1/2019, Chính phủ Trung Quốc bắt đầu siết chặt các chính sách về nhập khẩu nông sản vào thị trường đông dân thứ nhất thế giới này. Theo phân tích của các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu và chuyên gia kinh tế, các rào cản về kỹ thuật của Trung Quốc đưa ra không hề thua kém các thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản. Vậy, nông sản Việt Nam nói chung và tỉnh nhà nói riêng đã chuẩn bị được gì trước những sách lược thay đổi về nhập khẩu của “người hàng xóm” hay nghĩ rằng thị trường Trung Quốc vẫn còn dễ dãi.


Tập trung nâng cao chất lượng nông sản, hướng đến xuất khẩu chính ngạch là con đường phát triển bền vững cho nông sản

Trung Quốc siết cửa khẩu, nông sản “ứ hàng” ở thị trường nội địa

Những ngày gần đây, nhiều mặt hàng nông sản như khoai lang tím Nhật, khoai môn, mận, sầu riêng, nhãn idor đang có mặt khá nhiều tại nhiều khu chợ truyền thống. Nguyên nhân là do các mặt hàng nông sản này đang vào chính vụ, tuy nhiên nguyên nhân sâu xa là do thị trường Trung Quốc thời gian gần đây đang siết chặt nhập khẩu nông sản qua đường biên mậu ở khu vực biên giới.

Chị Nguyễn Thị Hồng Cúc - chủ vựa mận Hồng Cúc ở xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung cho biết: “Trước đây, trung bình mỗi ngày vựa đóng hàng xuất tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc khoảng trên 20 tấn mận. Tuy nhiên, khoảng hơn tháng nay do Trung Quốc siết chặt cửa khẩu, hàng hóa chỉ còn tiêu thụ ở thị trường nội địa. Để giữ vùng nguyên liệu ổn định, hiện vựa vẫn lấy hàng cho nông dân bình thường, nhưng do không xuất khẩu được nên giá mận hiện giảm mạnh so với cách đây vài tháng”.

Không riêng các vựa mận bị động đầu ra, một số thương lái chuyên đóng nhãn Idor xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc cũng rơi vào tình trạng tương tự. Ông Lê Văn Su - chủ vựa trái cây Vân Su ở xã Tân Hòa, huyện Lai Vung thông tin: “Rất may thời gian này sản lượng nhãn ở các vườn đã giảm nên vựa vẫn xoay sở tiêu thụ ổn ở thị trường nội địa. Song chúng tôi thật sự lo lắng, nếu thị trường Trung Quốc vẫn tiếp tục siết cửa khẩu thế này sẽ rất khó khăn khi nhãn bắt đầu vào mùa”.

Không riêng trái cây mà các mặt hàng nông sản khác của Đồng Tháp cũng đang vào mùa vụ thu hoạch rộ như: khoai lang tím Nhật, khoai môn, kiệu... Việc Trung Quốc siết chặt nhập khẩu ở biên giới khiến cho nhiều loại nông sản của địa phương rớt giá khá mạnh.

Thị trường Trung Quốc tăng rào cản kỹ thuật

Hiện nay, Trung Quốc đang tăng cường các rào cản kỹ thuật, “cấm cửa” hay siết chặt nhập khẩu tiểu ngạch với hàng loạt mặt hàng nông sản. Thị trường Trung Quốc không còn dễ tính như trước, các chuyên gia cho rằng, nông sản Việt xuất khẩu cần thay đổi để đáp ứng nhu cầu của thị trường lớn đầy tiềm năng này.

Ông Hà Bửu Khánh - Trưởng Phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương Đồng Tháp thông tin, bắt đầu từ ngày 1/1/2019, các loại nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải đăng ký thông tin nhà vườn, nhà xưởng, bao bì gửi cho Hải quan Trung Quốc. Có 3 điểm cần chú ý trong việc quản lý truy xuất nguồn gốc của Hải quan Trung Quốc. Điểm đầu tiên là dưa hấu Việt Nam xuất sang Trung Quốc có thể sử dụng cách dán tem có mã truy xuất nguồn gốc lên trái dưa hoặc đóng dưa bằng bao bì thùng giấy có thông tin truy xuất nguồn gốc.

Điểm thứ hai là DN xuất khẩu chủ động lựa chọn sử dụng bao bì thùng giấy hoặc tem nhãn dán lên trái cây; chủ động chọn đơn vị in tem nhãn truy xuất nguồn gốc. Hiện đã có 41 DN xuất khẩu ký hợp đồng với Tập đoàn Trung Kiểm (CCIC) là đơn vị có năng lực cung cấp lượng lớn tem nhãn cho DN.

Điểm thứ ba là từ ngày 1/5/2019, Hải quan Trung Quốc sẽ thực hiện thêm một số quy định mới đối với một số loại trái cây nhập khẩu từ Việt Nam. Cụ thể, đối với dưa hấu: không cho phép dưa hấu lót rơm thông quan; yêu cầu dùng xốp lưới hoặc chất liệu không có sinh vật gây hại để bọc trái. Đối với mít, yêu cầu dùng giấy dai Kraft để bọc hoặc dùng bao bì là thùng giấy có in thông tin truy xuất nguồn gốc. Đối với chuối, Trung Quốc yêu cầu bao bì là thùng giấy hoặc túi nhựa để bọc (đều phải in mã và thông tin truy xuất nguồn gốc).


Về sản xuất nông nghiệp, cần thay đổi tư duy từ chú trọng số lượng sang tập trung vào chất lượng

Biến khó khăn thành động lực để nền nông nghiệp đột phá

Trước tình hình thị trường nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, tại cuộc họp trực tuyến UBND tỉnh thường kỳ quý I/2019 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan xây dựng kế hoạch hành động của Đồng Tháp nhằm thích ứng với sự thay đổi của thị trường Trung Quốc; ngành nông nghiệp phải nhanh chóng đề ra định hướng trong việc giảm diện tích trồng lúa...

Để người dân và DN chủ động nắm bắt về những thay đổi trong chính sách nhập khẩu nông sản của thị trường Trung Quốc, đầu quý II đến nay, Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp đã liên tục cập nhật nhiều bản tin về tình hình xuất khẩu nông sản của tỉnh nhà sang thị trường Trung Quốc. Thông qua việc khái quát về tình hình xuất nhập khẩu, thông tin về những quy định thay đổi trong chính sách nhập khẩu của Trung Quốc giúp người dân, DN có cái nhìn tổng quan đối với việc sản xuất và chế biến nông sản xuất khẩu hơn.

Theo Sở Công Thương Đồng Tháp, hiện nay Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã cấp nhận cho 8 loại trái cây của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch qua thị trường Trung Quốc, bao gồm: thanh long, dưa hấu, xoài, nhãn, vải, mít, chuối, chôm chôm. Đồng thời, Trung Quốc cũng đang xem xét mở cửa nhập khẩu thêm cho 7 loại nông sản khác của Việt Nam bao gồm: sầu riêng, bưởi, chanh dây, khoai lang, dừa, mãng cầu, măng cụt. Đến tháng 6/2019, toàn bộ nông sản Việt Nam xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc phải đảm bảo các điều kiện, yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, bao bì nhãn mác rõ ràng và ưu tiên nhập khẩu qua đường chính ngạch.


Dán tem, nhãn có truy xuất nguồn gốc là những quy định bắt buộc khi xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc

Trước tình hình xuất khẩu qua đường tiểu ngạch gặp nhiều khó khăn, Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp khuyến cáo các đơn vị, DN xuất khẩu cần phải nắm thông tin nhu cầu thị trường Trung Quốc, nắm rõ lịch thời vụ đối với những nhóm hàng nông sản của Trung Quốc tương đồng với Việt Nam để có chiến lược xuất khẩu hiệu quả. Bên cạnh đó, DN phải xây dựng những thương hiệu riêng, chất lượng đảm bảo để nâng cao sức cạnh tranh.

Thời gian tới, để tăng kim ngạch xuất nông sản sang thị trường Trung Quốc, bên cạnh việc tập trung vào những mặt hàng và thị trường truyền thống (Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam), Bộ Công Thương đang có kế hoạch đưa hàng nông, thủy sản thâm nhập các địa bàn tiềm năng (Tứ Xuyên, Giang Tô, Chiết Giang, Phúc Kiến).

Trung Quốc có nhu cầu nông sản cao trong khi hai nước Việt Nam - Trung Quốc có chung đường biên giới nên việc vận chuyển hàng hóa thuận lợi, đặc biệt phù hợp với các mặt hàng nông sản có đặc tính thời vụ. Ưu đãi thuế quan của Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc - ASEAN (ACFTA) cũng như các cam kết quốc tế khác của Trung Quốc đã và đang tạo thuận lợi cho hàng nông, thủy sản của Việt Nam thâm nhập, mở rộng thị phần tại thị trường này. Đây là những cơ hội rất tốt cho các DN Việt Nam tiếp tục khai thác, mở rộng quy mô xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc.

Ông Hà Bửu Khánh - Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp cho rằng: “Việc Trung Quốc tăng cường rào cản, siết nhập khẩu tiểu ngạch chính là lời cảnh báo cho nông sản Việt Nam xuất khẩu. Song, nhìn ở góc độ lạc quan thì điều này sẽ giúp Việt Nam nâng cao quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm, thay đổi tư duy để bắt kịp thị trường, hướng tới xuất khẩu chính ngạch thay cho xuất khẩu tiểu ngạch như trước đây”.

Đã đến lúc chúng ta cần thay đổi tư duy về sản xuất nông nghiệp, cần chuyển dịch từ tư duy chú trọng số lượng sang tư duy tập trung đầu tư nhiều hơn cho chất lượng. Sản xuất nông nghiệp sạch bền vững không phải chỉ để xuất khẩu nông sản thô mà đây còn là tiền đề để xây dựng vùng nguyên liệu sạch phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến. Để nông sản không phải phụ thuộc hoàn toàn vào con đường xuất khẩu, thì việc tập trung xây dựng hoàn chỉnh các kênh tiêu thụ 97 triệu dân của thị trường trong nước, tập trung phát triển đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ nông sản sẽ là những giải pháp khả thi giúp nông sản nội địa nâng cao được vị thế trên thương trường.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn