Thúc đẩy xuất khẩu nông sản, dệt may và da giày Việt Nam vào các nước Đông Âu trong tình hình mới
Cập nhật ngày: 10/05/2019 05:37:52
Ngày 8/5, tại TP.Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương tổ chức diễn đàn Thương mại Việt Nam - Đông Âu với chủ đề “Thúc đẩy xuất khẩu nông sản, dệt may và da giày Việt Nam vào các nước Đông Âu trong tình hình mới”.
Tham dự diễn đàn có lãnh đạo Bộ Công Thương, đại diện các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, các sở, Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư, khuyến nông, khuyến công các tỉnh, thành phố phía Nam. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa tham dự sự kiện này.
Tại diễn đàn, các doanh nghiệp (DN) và địa phương được các chuyên gia trong và ngoài nước trao đổi về tình hình, triển vọng, cơ hội hợp tác thương mại và đầu tư trong lĩnh vực nông sản, dệt may và da giày giữa Việt Nam và các nước Đông Âu; thị hướng tiêu dùng, yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm, quy định xuất xứ, phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu vào khu vực Đông Âu.
Trong phiên thảo luận, đại biểu tham dự, các DN và địa phương trao đổi với đại diện thương mại của Đại sứ quán Nga, Ba Lan, Slovakia... về cách tiếp cận các thị trường nông sản, dệt may và da giày tại khu vực này.
Tham gia ý kiến tại diễn đàn, ông Phạm Thiện Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chia sẻ: “Đồng Tháp là tỉnh trọng điểm về nông nghiệp với điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn nguyên liệu nông, thủy sản dồi dào.
Nổi bật, Đồng Tháp xác định 5 mặt hàng chủ lực có khả năng tham gia chuỗi giá trị sản xuất và cung ứng toàn cầu gồm: lúa gạo, cá tra, xoài, hoa kiểng và vịt. Trong năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu sang khối Đông Âu của tỉnh đạt hơn 27 triệu USD, tăng gấp đôi so với năm 2017 và chiếm 2,4% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh”.
Bên cạnh đó, địa phương còn có các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiêu biểu và đang có thị phần tại Đông Âu như: may mặc, giày da, gốm.
Trong đó, quy mô sản phẩm may mặc, giày da xuất sang thị trường Đông Âu hơn 384.000 đơn vị sản phẩm, đạt gần 1,2 triệu USD. Với những tiềm năng và thế mạnh hiện có, cùng với thành tích liên tục 11 năm liền đứng trong top đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Đồng Tháp cam kết mạnh mẽ về một “chính quyền thân thiện, luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp”.
Trong định hướng, ông Phạm Thiện Nghĩa cho biết: “Chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho đối tác, nhà đầu tư của các nước Đông Âu khi đến hợp tác, đầu tư tại địa phương, trên các lĩnh vực: nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, cơ khí nông nghiệp, chế biến và bảo quản các mặt hàng nông, thủy sản”.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, mặc dù giữa Việt Nam và các nước khu vực Đông Âu đã hình thành cơ sở vững chắc để phát triển hợp tác song phương, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam với khối Đông Âu vẫn còn khiêm tốn, đạt khoảng 6,5 tỷ USD trong năm 2018, chiếm 3% xuất khẩu của Việt Nam. Việc tổ chức thường xuyên diễn đàn này nhằm tăng cường kết nối kinh tế giữa Việt Nam và các nước Đông Âu; coi đây là cầu nối quan trọng để đẩy mạnh các hoạt động xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là mặt hàng dệt may, da giày, nông sản sang khu vực này.
Nam Việt (CTV)