Công nghệ sau thu hoạch - Nhu cầu bức thiết
Cập nhật ngày: 03/08/2015 12:31:56
Với diện tích vườn cây ăn trái trên 25.348ha, Đồng Tháp sở hữu một vùng nguyên liệu lớn với nhiều loại trái cây đặc sản được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Tuy nhiên hiện nay, do chưa phát triển đồng bộ về công nghệ bảo quản sau thu hoạch, đóng gói, chế biến... nên phần lớn trái cây của Đồng Tháp chỉ tiêu thụ ở thị trường nội địa, chưa tạo được giá trị kinh tế cao.
Rất cần đầu công nghệ bảo quản sau thu hoạch cho trái cây ở Đồng Tháp
Hiện sản phẩm xoài và nhãn của Đồng Tháp được xuất khẩu sang một số thị trường như: Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc... và một số thị trường mới đang có nhu cầu lớn về sản phẩm xoài, tiêu biểu như Nhật Bản cũng đang rất “thiện chí” đối với đặc sản của Đồng Tháp. Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu còn ở con số khá hạn chế, chỉ bằng 10% trên tổng sản lượng. Đồng Tháp có nhiều tiềm năng trong phát ngành cây ăn trái, song về cơ sở hạ tầng trong khâu sơ chế, đóng gói, chế biến còn rất hạn chế. Nhìn tổng quan toàn tỉnh chỉ có một vài cơ sở trái cây sấy hoạt động quy mô nhỏ, lẻ, chưa giải quyết tốt vùng nguyên liệu hiện có.
Ông Huỳnh Thanh Bá - Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) xoài Mỹ Xương cho hay: “Hiện các đối tác Hàn Quốc đang đặt những đơn đặt hàng lớn với HTX, nhưng do sản phẩm đầu vào không đồng nhất nên trong quá trình vận chuyển dài ngày, tỷ lệ xoài bị hao hụt lớn. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến uy tín và niềm tin từ phía đối tác về sản phẩm của chúng ta. Vì vậy rất mong ngành nông nghiệp sớm tìm ra quy trình sản xuất xoài chuẩn, đồng nhất để từ đó áp dụng cho tất cả nhà vườn. Khi sản phẩm đồng nhất về chất lượng thì ứng dụng công nghệ bảo quản sau thu hoạch mới hiệu quả và có thể mở rộng thị trường, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Chứ như hiện nay, cùng một giống xoài nhưng vườn này thì vỏ xoài dày, vườn kia vỏ mỏng, sẽ rất khó”.
Đồng quan điểm với ông Bá, ông Phạm Hữu Hiện - Tổ trưởng Tổ hợp tác tiêu thụ nhãn An Hòa, xã An Nhơn, huyện Châu Thành cho hay: “Hiện nay, nhu cầu nhập khẩu nhãn của thị trường Mỹ và Châu Âu rất lớn. Tuy nhiên, do thiếu công nghệ bảo quản sau thu hoạch nên thay vì tự xuất khẩu sang nước ngoài, thì chúng tôi phải hợp tác qua các doanh nghiệp đóng gói, sơ chế ở Bến Tre và TP.Hồ Chí Minh. Nếu kêu gọi được doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sơ chế, đóng gói đến địa phương đầu tư và sẽ tạo thuận lợi rất nhiều cho việc phát triển của ngành hàng nhãn ở huyện Châu Thành”.
Theo Tiến sĩ Võ Mai - Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Trung ương, bên cạnh việc chú trọng phát triển công nghệ bảo quản sau thu hoạch, thời gian tới, tỉnh Đồng Tháp phải phát triển đồng bộ những công nghệ khác song hành như: công nghệ đóng gói, công nghệ chế biến trái cây sau thu hoạch. Mặc dù Đồng Tháp được đánh giá là vựa xoài lớn nhất miền Nam, song đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có một sản phẩm nào được chế biến từ xoài. Trong khi đó, xoài là loại trái cây có giá trị kinh tế cao, có thể chế biến được nhiều sản phẩm như: xoài sấy, mứt, nước ép đóng hộp, bánh...
Cũng theo Tiến sĩ Võ Mai, vấn đề hiện nay là việc thực hiện kinh tế hợp tác, phát triển những HTX đủ mạnh, Nhà nước có chính sách hỗ trợ kịp thời, đồng thời cần khuyến khích sự sáng tạo, sáng chế của nông dân trong lĩnh vực này. Khi có những HTX đủ mạnh thì thực hiện mô hình tiên tiến điển hình, khi thành công sẽ triển khai rộng.
Tuy nhiên để làm được như vậy, các ngành cần có sự chung tay, phối hợp nhịp nhàng. Đồng thời cần xây dựng được mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân. Trong đó Nhà nước đóng vai trò then chốt trong việc thu hút doanh nghiệp cũng như làm tốt vai trò đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp và người nông dân.
Thạc sĩ Nguyễn Phước Tuyên - Trưởng Phòng Nghiên cứu Khoa học và Thông tin Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: “Hiện nay, ngoài vấn đề cần đầu tư trong lĩnh vực bảo quản sơ chế, riêng mặt hàng xoài đang rất cần xây dựng và thống nhất một quy trình sản xuất xoài chuẩn, để từ đó nông dân có thể sản xuất ra sản phẩm đồng nhất về chất lượng. Sắp tới, chúng tôi sẽ xây dựng các đề tài khoa học cấp cơ sở về lĩnh vực này để chuyển giao cho nông dân và mong muốn chuyển giao cho nông dân đầy đủ về kỹ thuật thu hoạch, xử lý bảo quản để từ đó có thể cung cấp cho thị trường sản phẩm chất lượng, phù hợp với những yêu cầu khắt khe của các thị trường nhập khẩu. Với những nỗ lực từng bước hoàn thiện những khâu trong chuỗi sản xuất, chúng tôi mong muốn đưa tỷ lệ hao hụt từ 30% như hiện nay giảm còn dưới 5%. Ngoài ra, ngành sẽ tạo cầu nối qua những buổi hội thảo giữa doanh nghiệp và nông dân để có được sự thống nhất chung từ khâu sản xuất đến khâu bảo quản”.
Mỹ Lý