Công tác bảo vệ môi trường từng bước có sự chuyển biến tích cực
Cập nhật ngày: 28/08/2015 11:07:19
Theo UBND tỉnh, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, nhận thức của người dân từng bước được nâng lên. Qua đó, mức độ gia tăng ô nhiễm và sự cố môi trường dần được hạn chế, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội...
Cụm lò gạch xã An Hiệp đang cần cải tạo, phục hồi về môi trường
Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, thời gian qua, công tác xã hội hóa, huy động, khuyến khích các tổ chức, cá nhân và cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường được triển khai thực hiện ở nhiều địa phương, tạo sự chuyển biến quan trọng trong công tác này. Đơn cử như Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Thọ, Hợp tác xã TM - DV Tấn Phát, Doanh nghiệp tư nhân Minh Lợi tự đầu tư vốn để thực hiện việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn trên địa bàn huyện Tam Nông, Tháp Mười, Tân Hồng; Công ty TNHH Phát Tân đầu tư cơ sở tái chế nhớt thải tại Lai Vung. Theo thống kê của UBND tỉnh, đến nay tất cả các huyện trên địa bàn tỉnh đều có nhà đầu tư thu gom và xử lý rác, tỷ lệ thu gom rác thải đô thị đạt 72%.
Các hoạt động kiểm tra, giám sát cũng được tập trung, đặc biệt là các vấn đề “nóng”, bức xúc nổi cộm trên địa bàn tỉnh như: các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ô nhiễm môi trường lưu vực sông; kiểm soát ô nhiễm xuyên biên giới, trong lĩnh vực y tế... Từ đầu năm 2014 đến nay, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức kiểm tra 1.390 lượt tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; xử phạt 81 vụ với số tiền gần 2 tỷ đồng. Ở cấp huyện, đã tổ chức kiểm tra trên 1.200 đợt. Qua đó lập biên bản nhắc nhở các cơ sở thường xuyên duy trì việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường đã cam kết. Trong số các cơ sở kiểm tra, đã phát hiện và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 1,9 tỷ đồng.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, nhận thức về bảo vệ môi trường trong nhân dân từng bước được nâng lên. Một số làng nghề trong tỉnh từng bước ứng dụng sản xuất sạch hơn; các công nghệ xử lý chất thải không chỉ giúp đơn vị giảm chi phí sản xuất mà còn bảo vệ môi trường. Nhiều công nghệ mới được áp dụng thành công, điển hình là việc chuyển đổi công nghệ đốt nung các sản phẩm gạch ngói, gốm sứ; áp dụng mô hình sử dụng đệm sinh học trong chăn nuôi heo, công nghệ phân hủy yếm khí kết hợp thu hồi biogas tạo khí đốt và phân bón chất lượng cao tại các làng nghề chế biến thực phẩm, nông sản, sản xuất bột nuôi heo...
Công tác bảo vệ môi trường còn được thực hiện tại các khu vực nuôi trồng thủy sản, các lưu vực sông. Thời gian qua, tỉnh đã đầu tư các cơ sở hạ tầng hệ thống thủy lợi (cấp và thoát nước), giao thông, điện, khu vực xử lý nước thải, bùn thải ở các vùng nuôi thủy sản quy mô lớn.
Việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường ngày càng được cải tiến, chất lượng báo cáo được nâng cao. Năm 2014 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 48 dự án đầu tư thuộc đối tượng lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết. Trong thời gian trên, tỉnh đã cấp 49 giấy xác nhận hoàn thành các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án.
Việc phục hồi và cải thiện môi trường cũng được quan tâm không kém. UBND tỉnh đã chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành việc xây dựng công trình xử lý nước thải, chất thải cải thiện môi trường của làng nghề sản xuất bột, chăn nuôi heo xã Tân Phú Đông. Riêng cụm lò gạch xã An Hiệp, lập dự án xin hỗ trợ vốn Trung ương để cải tạo phục hồi môi trường làng nghề hiện nay. Việc cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản cũng được thực hiện song hành.
Để công tác này đi vào chiều sâu, việc hợp tác quốc tế trong bảo vệ môi trường được tỉnh đặt ra và tăng cường thực hiện. Tranh thủ sự hỗ trợ kinh phí, các nguồn vốn vay ODA từ Ngân hàng thế giới, Chính phủ Na Uy và các tổ chức quốc tế đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, hiện tỉnh tập trung vào các dự án xử lý ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực y tế, xử lý nước thải sinh hoạt đô thị, nước sạch và vệ sinh môi trường...
K.D