Cua đồng mùa nước nổi giá cao

Cập nhật ngày: 09/09/2015 13:20:38

Cua đồng bắt đầu có nhiều từ đầu tháng 5 âm lịch đến cuối tháng 10 âm lịch hàng năm. Các vựa hiện nay thu mua cua đồng từ các nông dân đi đặt lọp; các cánh đồng Campuchia về phân loại và bán ra thị trường.


Hàng chục lao động có việc làm nhờ phân loại và sơ chế cua đồng

Anh Dương Văn Hiếu - chủ vựa cua huyện Hồng Ngự cho biết: “Năm nay lượng mưa ít, nước lũ nhỏ nên cua đồng ít và giá luôn ở mức cao. Bình quân mỗi ngày cơ sở thu mua và xuất bán từ 3 - 5 tấn, những lúc trúng mùa thì có thể lên đến hơn 10 tấn cua. Hiện nay, cua rất ít nên luôn trong tình trạng hút hàng”.

Mùa cua đồng ngoài việc giúp các cơ sở mua bán nhộn nhịp thì cũng mang lại thu nhập khá cho các nông dân làm thuê tại các cơ sở thu mua và chế biến cua đồng. Chị Đặng Thị Mẫm ngụ xã Phú Thành, huyện Tam Nông với nghề bẻ càng và phân loại cua đồng cho biết: “Gia đình có 4 thành viên làm ở khâu bẻ càng và phân loại cua thịt. Mỗi ký càng cua và phân loại cua được trả 2.000 đồng, mỗi ngày thu nhập từ 150.000 - 200.000 đồng”. Bà Trần Thị Chuốc (72 tuổi) ngụ ấp Trung, xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự cho biết: “Hơn 2 năm làm nghề lột mai, yếm và bẻ càng cua đồng cũng thu nhập kha khá, kiếm thêm chút ít tiền cho gia đình”.

Bình quân mỗi vựa cua đều có từ 20 - 30 người làm thuê thực hiện nhiều khâu như: chuyên chở, cân bán, bẻ càng, phân loại, lột mai... cho thu nhập ổn định từ 100.000 - 200.000 đồng/ngày. Hiện tại, giá cua đồng thịt được bán từ 30.000 - 40.000 đồng/kg; cua đồng xay 50.000 - 70.000 đồng/kg; càng cua có giá từ 200.000 - 250.000 đồng/kg.

Theo Bà Trần Thị Cúc - thương lái thu mua cua đồng ở TX.Hồng Ngự: “Mùa lũ ở đầu nguồn chưa về nên lượng cua đồng ngày càng khó tìm. Trước đây, mỗi ngày vựa thu mua vài tấn cua đồng thịt, nhưng nay kiếm vài trăm ký đến 1, 2 tấn được là xem như thành công. Giá cao nên nhiều thương lái cũng tranh nhau mua và xuất bán”.

Hiện cua đồng được thu mua và xuất bán cho các nhà hàng, quán ăn lớn tại thị trường TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài yếu tố lượng mưa thì hiện nay do việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan cũng là nguyên nhân làm lượng cua khan hiếm.

CHÍ NGHĨA

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn