Phòng ngừa bệnh lem lép hạt gây hại lúa thu đông
Cập nhật ngày: 07/09/2015 12:17:41
Những ngày qua, mặc dù thời tiết đã chuyển mùa nhưng vẫn còn những đợt nắng nóng khiến diện tích lúa thu đông 2015 đứng trước nguy cơ nhiễm bệnh lem lép hạt. Vì vậy, các địa phương trong tỉnh cần chủ động, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phòng trừ sâu bệnh kịp thời.
Nông dân nên chú trọng khâu làm đất ngay từ đầu vụ để hạn chế mầm bệnh lem lép hạt
Hiện toàn tỉnh đã xuống giống 126.944ha diện tích lúa thu đông 2015, đạt 126,9% so với kế hoạch. Một số trà lúa thu đông thu hoạch sớm diện tích khoảng 31.000ha, tập trung tại các huyện: Cao Lãnh, Tháp Mười... Với năng suất bình quân đạt 5,6 tấn/ha.
Bên cạnh đó, lúa thu đông đang trong giai đoạn đòng trổ và trổ chín chiếm khoảng 80% diện tích, số còn lại là lúa giai đoạn mạ và đẻ nhánh. Vụ lúa thu đông năm nay được ngành nông nghiệp xác định là gặp nhiều khó khăn, đáng chú ý là sự gây hại của bệnh lem lép hạt.
Những năm gần đây, nông dân trong tỉnh đã xử lý tốt các biện pháp phòng trừ bệnh lem lép hạt trên từng giai đoạn nên tỷ lệ hạt lúa được nâng lên khá nhiều. Ông Huỳnh Trung Phượng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh Đồng Tháp nhận định: “Bệnh lem lép hạt xuất hiện nhiều khi điều kiện thời tiết độ ẩm cao xen kẽ nắng nóng. Ngoài ra, mật độ gieo sạ dày cùng với việc sử dụng giống lúa nhiễm bệnh và bón thừa đạm cũng là điều kiện để bệnh phát sinh. Tác động trực tiếp của đối tượng dịch bệnh này là gây tổn thương hạt lúa, làm giảm năng suất, chất lượng hạt kém”.
Theo Chi cục BVTV tỉnh, bệnh lem lép hạt thường phát triển mạnh vào mùa mưa. Nguyên nhân chính của bệnh lem lép hạt là hội chứng của nhiều tác nhân gây ra trên hạt như: nấm Pyricuraria oryzae, Cercospora oryzae, Helminthosporium, Fusarium; vi khuẩn Xanthomonas oryzae, Pseudomonas glumae...
Các loại dịch hại khác cũng có thể gây nên lem lép hạt như: nhện gié, vàng lùn- lùn xoắn lá. Bệnh bộc phát trong điều kiện gieo sạ dày, ẩm độ trên ruộng cao, bón thừa đạm. Nông dân nên chú ý các triệu chứng của bệnh khi mới xuất hiện, bệnh gây hại chủ yếu giai đoạn đòng trổ, thời kỳ dễ nhiễm bệnh nhất là giai đoạn trổ - ngậm sữa. Bệnh gây hại làm cho phôi nhũ bị hư. Triệu chứng của bệnh là ban đầu vết bệnh xuất hiện trên vỏ trấu hạt lúa có màu nâu, nâu đen, tím làm cho hạt lúa bị lửng hoặc lép hoàn toàn; có xuất hiện thêm loại bệnh lép vàng.
Khi lúa bị nhiễm bệnh lem lép hạt sẽ bị giảm năng suất, sản lượng và đặc biệt là giảm chất lượng của hạt gạo, gây thất thu lớn cho nông dân. Nếu dùng làm giống thì chất lượng hạt giống kém, đây cũng là nguồn bệnh ban đầu gây hại cho những vụ sau.
Chi cục BVTV tỉnh khuyến cáo, bệnh lem lép hạt rất khó trị khi không phát hiện sớm, bởi vì lúc này, hạt lúa đã bị mầm bệnh tấn công. Để phòng trừ mầm bệnh lem lép hạt gây hại, nông dân phải chọn các loại giống thuần chủng, đảm bảo chất lượng trước khi gieo sạ, có thể ngâm giống với nước muối 150% để loại trừ mầm bệnh. Phải gieo sạ với mật độ vừa phải, bón phân cân đối, không bón thừa đạm. Sau khi thu hoạch nên vệ sinh đồng ruộng thật kỹ và có thời gian cách li hợp lý, kết hợp với đó là điều chỉnh lượng nước trên ruộng hợp lý trên từng giai đoạn lúa phát triển.
Ông Huỳnh Trung Phượng cho biết thêm: “Cùng với kỹ thuật canh tác, nông dân nên phun thuốc phòng ngừa bệnh lem lép hạt giai đoạn lúa trước và sau khi trổ. Sử dụng các loại thuốc đặc trị cho bệnh lem lép hạt, không nên sử dụng kết hợp nhiều loại. Bên cạnh đó, phải kiểm tra đồng ruộng thường xuyên để phát hiện bệnh sớm và có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Để phòng ngừa bệnh lem lép hạt, nông dân cần xử lý đất thật kỹ trước khi xuống giống, sử dụng phân cân đối giữa đạm, lân, kali...”.
Nhật Khánh