Đáp ứng nguồn nguyên liệu chất lượng cho công nghiệp chế biến xuất khẩu

Cập nhật ngày: 21/10/2020 16:38:15

ĐTO - Thực hiện Đề án định hướng chiến lược xuất khẩu hàng hóa chủ lực tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, ngành nông nghiệp triển khai hiệu quả các chương trình, dự án của Đề án tái cơ cấu nông nghiệp để đáp ứng nguồn nguyên liệu chất lượng, ổn định cho công nghiệp chế biến xuất khẩu.


Áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2020 tổng giá trị sản xuất ngành hàng lúa gạo của tỉnh ước đạt 21.000 tỷ đồng, tăng 18,5% so với năm 2017, tương ứng tăng 3.277 tỷ đồng, tăng bình quân 3,3%/năm trong giai đoạn 2017 - 2020. Theo đó, lợi nhuận bình quân đạt 12,8 triệu đồng/ha/vụ, tăng từ 1 - 6 triệu đồng/ha so với quy trình sản xuất truyền thống, tỷ suất lợi nhuận bình quân đạt 62,8%.

Trong giai đoạn 2017 – 2020, tốc độ tăng trưởng ngành hàng xoài bình quân là 4,2%/năm, lợi nhuận cho ngành hàng xoài từ 115 - 270 triệu đồng/ha tùy theo giống xoài. Hiện nay có trên 4.500ha được cấp mã vùng trồng sang thị trường Trung Quốc và 376ha sang các thị trường Mỹ, Canada, Nga.

Thời gian qua, ngành hàng hoa kiểng được tỉnh tổ chức lại sản xuất gắn với phát triển du lịch. Năm 2020, tổng giá trị sản xuất hoa kiểng của tỉnh ước đạt trên 4.800 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2017, tương đương với giá trị gần 1.400 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân trên 20%/năm trong giai đoạn 2017 – 2020.

Ngành hàng cá tra từng bước hình thành chuỗi sản xuất ổn định, phát triển nhiều sản phẩm giá trị gia tăng đóng góp 55% tổng giá trị thủy sản, bằng 10.355 tỷ đồng, tăng 22,6% so năm 2017 với tốc độ tăng trưởng bình quân 6,2%/năm. Năm 2020, giá trị sản xuất ngành hàng vịt ước đạt trên 1.000 tỷ đồng, tăng 18,3% so với năm 2017, tương đương trên 157 tỷ đồng.

Hướng đến việc đảm bảo yêu cầu xuất khẩu, ngành nông nghiệp đẩy mạnh thực hiện rà soát quy hoạch phát triển các vùng sản xuất cây trồng, vật nuôi theo mô hình lớn, tập trung. Theo đó, phát triển các vùng sản xuất chuyên canh lúa giống, lúa chất lượng cao đạt 70% diện tích canh tác (tăng 20% so với năm 2017). Bên cạnh đó, nông dân còn sản xuất lúa theo quy trình quy chuẩn an toàn, đạt chuẩn VietGAP hoặc tương đương, sản xuất tiệm cận hữu cơ và gắn với nhãn hiệu truy xuất nguồn gốc, phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu.

Đối với cây xoài, tỉnh hình thành 2 vùng chuyên canh xoài quy mô lớn tại huyện Cao Lãnh, TP.Cao Lãnh và đang mở rộng diện tích tại một số địa phương... Trong đó, thực hiện rải vụ gắn với sản xuất an toàn trên 6.600ha, được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP là 342ha và sản xuất hữu cơ gần 6ha. Trên lĩnh vực hoa cảnh, tỉnh đầu tư cơ sở hạ tầng cho Làng hoa Sa Đéc và xây dựng Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao để thực hiện nghiên cứu, chuyển giao quy trình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là giống hoa kiểng, quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản hoa.

Bên cạnh đó, tỉnh hình thành các vùng sản xuất cá tra chuyên canh tập trung quy mô lớn tại các huyện: Thanh Bình, Tam Nông, Tân Hồng, Châu Thành, Cao Lãnh.

Hiện nay, có 368 mã số nhận diện ao nuôi cá tra thương phẩm với diện tích 1.500ha. Đối với diện tích sản xuất theo quy trình, quy chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC và tương đương là 827ha, chiếm trên 55% diện tích nuôi.

Hướng đến sản xuất theo hướng bền vững, ngành nông nghiệp quan tâm đến việc liên kết sản xuất, thu hút đầu tư vào nông nghiệp. Với sự kết nối của đơn vị giúp liên kết giữa hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT), Hội quán với doanh nghiệp (DN) đạt kết quả phấn khởi. Diện tích liên kết tiêu thụ hàng năm đạt khoảng 12%, tổng sản lượng thu hoạch (sản lượng liên kết đạt 388 ngàn tấn). Đối với ngành hàng xoài, tỉnh tổ chức lại sản xuất theo hình thức liên kết hợp tác. Kết quả có gần 1.100ha liên kết sản xuất và tiêu thụ xoài với hơn 10 DN. Ngoài tiêu thụ sản phẩm xoài tươi, một số DN còn thu mua xoài loại 2, 3 để sản xuất các sản phẩm xoài chế biến như: xoài sấy dẻo, xoài đông lạnh, rượu xoài, bánh phồng xoài, dưa xoài...

Ngành hàng hoa kiểng có 4 HTX và 6 Hội quán tạo được sự kết nối giữa nông dân và DN, đồng thời gắn với phát triển du lịch, đặc biệt mô hình du lịch trải nghiệm tại Làng hoa Sa Đéc như: Hùng Thy, Đài Hoa, Ngôi nhà Hoa Ếch, Ngôi nhà tre...

Thời gian qua, tỉnh đẩy mạnh tổ chức lại sản xuất cá tra theo chuỗi giá trị, xây dựng và phát triển các hình thức hợp tác, liên kết và tiêu thụ với các DN chế biến. Hiện nay, toàn tỉnh có 2 HTX, 1 THT và 1 Hội quán hoạt động sản xuất và dịch vụ phục vụ ngành hàng cá tra và 20 DN nuôi cá tra xuất khẩu có vùng nuôi với diện tích 932ha. Diện tích còn lại, các hộ nuôi đều có hợp đồng liên kết hoặc gia công cho các DN chế biến trên địa bàn tỉnh. Hoạt động chế biến và xuất khẩu cá tra được cải thiện đáng kể, quản lý chất lượng hàng xuất khẩu ngày càng nghiêm ngặt, thị trường tiếp tục được phát triển sang 134 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cơ cấu sản phẩm có sự thay đổi, số lượng mặt hàng giá trị gia tăng mạnh như chả giò, cá viên, sản phẩm collagen, dầu cá, genlatin và sử dụng phụ phẩm cá tra chế biến thức ăn gia súc.

Công tác kêu gọi DN đầu tư vào nông nghiệp nông thôn được tỉnh quan tâm. Với quan điểm ‘‘Đồng hành cùng DN’’, UBND tỉnh thường xuyên tiếp xúc và giải quyết các khó khăn vướng mắc cho DN. Đến nay, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 54 dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 7.530 tỷ đồng.

Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn