Dịch tả heo Châu Phi thôi thúc làng bột phải bứt phá

Cập nhật ngày: 27/06/2019 06:31:53

Hơn 1 tháng qua, dịch tả heo Châu Phi không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc chăn nuôi heo mà còn tác động kép đến việc sản xuất bột của nhiều hộ ở làng bột TP.Sa Đéc và huyện Châu Thành. Tuy nhiên, đây có thể là “thời điểm vàng” để người sản xuất bột thay đổi tập quán sản xuất và mạnh dạn hơn trong việc đầu tư máy móc hiện đại cho ngành nghề sản xuất bột truyền thống.


Sản lượng bột tại Làng bột Sa Đéc và huyện Châu Thành bị giảm do ảnh hưởng của dịch tả heo Châu Phi

Hiện có hàng trăm hộ dân tại hai địa phương này buộc phải dừng sản xuất bột hoặc chỉ còn sản xuất cầm chừng do không còn đàn heo xử lý phế phẩm sau sản xuất bột. Ông Lê Nhựt Trường - thành viên Hội quán Làng bột Sa Đéc, TP.Sa Đéc lo lắng: “Khoảng hơn tháng nay, sản phẩm bột lọc bắt đầu khan hiếm, nhiều hộ sản xuất bột vệ tinh cung cấp cho cơ sở chúng tôi cũng giảm sản lượng do ngừng sản xuất. Cơ sở có hơn 100 vệ tinh cung cấp sản phẩm bột lọc, song chỉ trong 1 tháng qua đã có hơn 20 hộ dừng sản xuất, sản lượng giảm trên 20% và trong thời gian tới vẫn còn tiếp tục giảm nếu dịch tả heo Châu Phi vẫn còn diễn biến phức tạp. Để khuyến khích người dân duy trì sản xuất bột, cơ sở dự kiến tăng giá thu mua bột nguyên liệu để các vệ tinh có thể yên tâm sản xuất”.

Với cư dân làng bột, nuôi heo chính là giải pháp hiệu quả giúp người dân làng bột tiết kiệm được chi phí sản xuất, nhờ vào việc tận dụng phế phẩm trong sản xuất bột cho heo ăn. Trước tình trạng heo bị dịch bệnh đã tác động không hề nhỏ đến việc sản xuất bột của nhiều hộ dân, ông Nguyễn Văn Nương - Chủ nhiệm Hội quán Làng bột Sa Đéc cho biết: “Hiện nay vẫn còn nhiều hộ ở làng bột sản xuất theo phương thức thủ công truyền thống, chưa đầu tư máy móc hiện đại, vì vậy nghề sản xuất bột chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao buộc bà con phải kết hợp chăn nuôi heo. Hiện tại nghề chăn nuôi heo phải tạm ngưng hoạt động thì các hộ này rất khó duy trì sản xuất bột. Đây cũng là khó khăn chung của nhiều hộ dân ở làng bột Sa Đéc”.

Bên cạnh những hộ buộc phải dừng sản xuất bột do không còn đủ điều kiện thì giai đoạn này cũng là cơ hội để nhiều hộ có tiềm lực kinh tế mạnh dạn chuyển đổi sang đầu tư sản xuất bột theo hướng chuyên nghiệp hơn. Ông Bùi Văn Tám ngụ xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành bày tỏ: “Cách đây 1 tháng, gia đình cất thêm trại mở rộng diện tích chuồng heo. Song, chưa kịp đưa heo ra chuồng mới thì cả đàn đã chết sạch. Sau khi được Nhà nước hỗ trợ tiền tiêu hủy heo do dịch bệnh được hơn 300 triệu đồng, gia đình tôi mạnh dạn đầu tư thêm máy móc, thiết bị hiện đại, mở rộng nhà xưởng để chuyển đổi sang sản xuất bột ngang. Nhờ đầu tư thiết bị hiện đại nên tỉ lệ thu hồi bột cũng tốt hơn so với sản xuất thủ công trước đây, giá bán cũng theo đó mà khá hơn nhiều”.

Mặc dù, tình hình dịch tả heo Châu Phi đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế của nhiều hộ dân ở TP.Sa Đéc và huyện Châu Thành. Thế nhưng nếu lạc quan hơn thì đây cũng là “thời điểm chín mùi” để người dân làng bột tạo ra sự bứt phá. Bởi suy cho cùng, sản xuất bột không mang lại hiệu quả kinh tế cao là do qui mô sản xuất của phần lớn hộ dân vẫn còn nhỏ lẻ và thủ công. Chính việc thiếu áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, máy móc hiện đại khiến chất lượng bột không cao, dẫn đến giá bán còn thấp nên người dân phải duy trì hai mô hình kinh tế kết hợp là vừa sản xuất bột vừa chăn nuôi heo. Thời gian qua, với những nỗ lực của các ngành hữu quan và các địa phương, nhiều mô hình khoa học kỹ thuật đã được chuyển giao cho nhiều hộ dân, doanh nghiệp tại TP.Sa Đéc và huyện Châu Thành. Và, thực tế cho thấy việc đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại đã mang đến nhiều khởi sắc cho làng bột. Sản phẩm từ bột và sau bột của các hộ sản xuất này được doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn nhiều so với những hộ sản xuất bột theo hướng truyền thống.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn