Diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi tích cực từ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới

Cập nhật ngày: 02/10/2018 11:25:46

ĐTO - Theo kết quả Tổng điều tra năm 2016, cả tỉnh có 27 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Chiếm 22,69% tổng số xã thực hiện Chương trình xây dựng NTM và tổng số xã khu vực nông thôn trong toàn tỉnh. Trong năm 2016 có 5 xã đạt toàn bộ 19 tiêu chí về NTM, đang chờ cấp có thẩm quyền đánh giá, thẩm định và phê duyệt. Tại thời điểm 1/7/2016, cả tỉnh có 1 đơn vị cấp huyện có 100% xã đạt chuẩn NTM, đó là TP.Sa Đéc.

Một số tiêu chí trong Bộ 19 tiêu chí mà các xã đang phấn đấu có những tiêu chí các xã đã đạt tỷ lệ cao như: tiêu chí quy hoạch và thực hiện quy hoạch có 100% xã đạt; tiêu chí an ninh trật tự xã hội 100% xã đạt; tiêu chí giáo dục 98,81% xã đạt; tiêu chí thủy lợi 97,62% xã đạt; tiêu chí điện 97,62% xã đạt. Một số tiêu chí khó thực hiện nhưng vẫn có địa phương đạt khá cao như: huyện Tân Hồng tỷ lệ xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa là 25%; huyện Tam Nông tỷ lệ xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa là 18,18%.

Bên cạnh đó, do kinh tế phát triển và các cấp, các ngành thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp nên đời sống dân cư nông thôn trong những năm vừa qua được đảm bảo, có nhiều mặt được cải thiện.

Một số hình ảnh về diện mạo mới của nông thôn Đồng Tháp hiện nay:


Hệ thống giao thông nông thôn tăng cả về số lượng và chất lượng. Các tuyến giao thông từ UBND xã tới UBND huyện và tới các ấp ngày càng thông suốt. Tại thời điểm 1/7/2016, cả tỉnh có 119 xã có đường ô tô kết nối UBND xã với UBND huyện đi được quanh năm, chiếm 100% tổng số xã, tăng 1,68 điểm phần trăm so với tỷ trọng năm 2011. Ảnh: Thanh Phong


Hệ thống trường mầm non và trường phổ thông các cấp được quy hoạch, đảm bảo phù hợp với việc tăng số lượng học sinh. Theo kết quả Tổng điều tra năm 2016, toàn tỉnh có 119 xã có trường Mầm non, chiếm 100% tổng số xã, tăng 0,84 điểm phần trăm so với năm 2011; 119 xã có trường Tiểu học, chiếm 100%; 115 xã có trường THCS, chiếm 96,64%, bằng năm 2011; 24 xã có trường THPT, chiếm 20,17% và tăng 3,36 điểm phần trăm. Ảnh: Thanh Phong


Cơ sở hạ tầng thông tin truyền thông tiếp tục được tăng cường. Năm 2016, có 111 xã có điểm bưu điện văn hóa xã, chiếm 93,28% tổng số xã, tăng 2,52 điểm phần trăm so với năm 2011, trong đó 101 điểm bưu điện văn hóa có máy tính nối mạng internet phục vụ nhân dân truy cập, chiếm 84,87% tổng số xã có điểm bưu điện văn hóa xã. Ảnh: Thanh Phong


Hệ thống thủy nông được đầu tư xây dựng mới và hoàn thiện phục vụ cho tưới tiêu nông nghiệp. Tính đến 1/7/2016, trên địa bàn nông thôn có 1.340 trạm bơm phục vụ sản xuất và dân sinh, bình quân mỗi xã có 11,26 trạm bơm, tăng 2,92 trạm/xã so với năm 2011. Kênh mương do xã và hợp tác xã quản lý có 5.330km, bình quân mỗi xã có 47,79km, tăng 55,01% so với mức bình quân 30,83km/xã năm 2011. Trong tổng số chiều dài kênh mương do xã và hợp tác xã quản lý năm 2016 có 1.894km đã được xây dựng kiên cố, chiếm 35,53%; tăng 8,5 điểm phần trăm so với tỷ trọng đạt được tại thời điểm 1/7/2011. Ảnh: Thanh Phong


Thành công từ mô hình nuôi vịt nhốt rọ bước đầu giúp người chăn nuôi quản lý tốt được dịch bệnh, nâng cao thu nhập.Ảnh: Mỹ Lý


Vệ sinh môi trường nông thôn được chính quyền, đoàn thể và nhân dân quan tâm hơn nên đã cải thiện đáng kể. Tỷ lệ xã có tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt đạt 84,03%, tăng 12,6 điểm phần trăm. Tỷ lệ ấp có tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt đạt 52,56%, tăng 19,11 điểm phần trăm. Ảnh Thanh Phong


Nhờ thực hiện tốt chuỗi liên kết nên người nuôi cá tra có được thu nhập ổn định, phát triển kinh tế bền vững. Ảnh: Thanh Phong

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn