Tập trung nhiều giải pháp thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp

Cập nhật ngày: 27/09/2018 05:15:10

ĐTO - Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 8 tháng đầu năm, tiến độ triển khai Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh có nhiều dấu ấn tích cực.


Nhiều chính sách hỗ trợ giúp ngành hàng hoa kiểng có bước tăng trưởng nhảy vọt trong thời gian qua

Điểm nổi bật nhất là toàn tỉnh đã ra mắt thêm 29 hội quán, nâng tổng số hội quán trên toàn tỉnh là 58 hội quán. Hội quán là nơi gặp gỡ, sinh hoạt của các thành viên chia sẻ kinh nghiệm sản xuất theo hướng mới, kết nối doanh nghiệp với nông dân để liên kết sản xuất - tiêu thụ, hợp tác sản xuất theo hướng nông sản sạch, chất lượng, sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP đủ tiêu chuẩn vào các siêu thị và hướng đến xuất khẩu.

Trong thời gian quan, mô hình chuỗi giá trị ngành hàng vịt tiếp tục được triển khai hiệu quả. Hiện tại đã thành lập được 6 Tổ hợp tác (THT) chăn nuôi vịt, THT liên kết thức ăn đầu vào với Công ty CP và Công ty Greenfeed, liên kết tiêu thụ đầu ra với Công ty Vĩnh Thành Đạt, trứng vịt Tháp Mười tiếp tục được chứng nhận nguồn gốc và được đưa vào thị trường TP.Hồ Chí Minh. Hiện tổng đàn của các THT là 216.700 con (trong đó vịt tái đàn 102.200 con, vịt đang cho trứng 114.500 con), sản lượng 70.850 trứng/ngày, giá bán trung bình 2.800 đồng/trứng. Phối hợp với Công ty TNHH XNK Chánh Thu xây dựng kế hoạch tổ chức buổi lễ công bố xuất khẩu lô xoài đầu tiên của Việt Nam sang thị trường Mỹ.

Để Đề án tái cơ cấu tạo được nhiều đột phá mới, trong quý 4/2018, ngành nông nghiệp tỉnh đề ra nhiều giải pháp thiết thực. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ phát triển 5 ngành hàng chủ lực: lúa gạo, xoài, hoa kiểng, cá tra, vịt. Ở ngành hàng lúa gạo, tiếp tục nhân rộng các mô hình giảm giá thành sản xuất, thực hiện nhân rộng các mô hình sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sản xuất theo hướng hữu cơ, sản xuất lúa hữu cơ, mô hình áp dụng công nghệ 4.0...; thực hiện chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Triển khai thực hiện thí điểm các mô hình đổi mới tổ chức sản xuất nông nghiệp và chính sách nông nghiệp.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh sẽ tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 138/2017/NQ-HĐND ngày 7/12/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, mô hình sản xuất cánh đồng lớn, mô hình giảm giá thành sản xuất, mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ và thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng 4.0, mô hình ứng dụng máy cấy trong sản xuất lúa, mô hình sản xuất xoài VietGAP, các mô hình chăn nuôi vịt theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm.


Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã triển khai hiệu quả nhiều mô hình sản xuất, góp phần giúp nông dân giảm chi phí, tăng lợi nhuận

Những tháng cuối năm, Đồng Tháp cũng đẩy mạnh công tác kêu gọi hỗ trợ kỹ thuật, đầu tư, xúc tiến thương mại thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Tập trung nội dung triển khai thực hiện biên bản ghi nhớ với các đối tác nước ngoài, các tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp trong việc đầu tư vào nông nghiệp nông thôn như: Hà Lan, Nhật Bản, Tổ chức FAO, Tổ chức IDH và Ngân hàng Thế giới, Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ, Công ty Rynan Smart Fertilizers...

Ngoài ra, tỉnh sẽ tiếp tục củng cố, phát triển kinh tế hợp tác, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của các hợp tác xã, định hướng phát triển hợp tác xã kiểu mới giai đoạn 2018 - 2020. Tập trung vào công tác đào tạo cán bộ hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác và thực hiện hợp tác đào tạo nguồn nhân lực về lĩnh vực hợp tác xã nông nghiệp tại Nhật Bản.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn