Sắp xếp Tổ hội nông dân theo mô hình hoạt động kinh tế

Cập nhật ngày: 24/09/2018 10:54:05

ĐTO - Nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt, hiệu quả hoạt động của Hội Nông dân (ND) và phong trào ND ở cơ sở, Hội ND huyện Châu Thành phát triển hội viên (HV), sắp xếp các chi, tổ hội ND theo hướng đổi mới tổ chức và hoạt động gắn với mô hình kinh tế của HV, ND (gọi tắt là sắp xếp theo ngành nghề).


Nông dân Huỳnh Văn Tảng (bìa trái) trao đổi kỹ thuật trồng thanh long ruột đỏ

Cùng với việc rà soát, nâng cao chất lượng HV, kết nạp HV mới, Hội ND huyện làm việc trực tiếp với cấp ủy, Ban Thường vụ Hội ND các xã, thị trấn và tuyên truyền trong HV,ND về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc sắp xếp chi, tổ hội theo ngành nghề. Các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Hội ND huyện phụ trách xã, thị trấn được giao nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc thực hiện công tác trên. Sau khi củng cố, sắp xếp, Hội ND huyện hướng dẫn nội dung sinh hoạt cho các chi, tổ hội.

Theo đó, trong sinh hoạt phải dành thời gian thỏa đáng bàn bạc việc sản xuất, tiêu thụ nông sản của HV; thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt theo hướng gắn kết chặt chẽ nội dung sinh hoạt của mô hình kinh tế, câu lạc bộ, làng nghề... với nội dung sinh hoạt của tổ chức Hội.

Đến nay, huyện Châu Thành đã hoàn thành việc sắp xếp Tổ hội ND. Còn Chi hội ND sẽ tiếp tục được sắp xếp trong thời gian tới. Toàn huyện còn 626 Tổ hội ND. Trong đó, 495 tổ hoạt động theo mô hình kinh tế (trồng lúa, khoai, chanh, nhãn, thanh long, hoa kiểng, làm bột nuôi heo, nuôi thủy sản...); 131 tổ hoạt động theo địa bàn dân cư.

Theo ông Huỳnh Văn Long - Tổ trưởng Tổ hội ND trồng thanh long ruột đỏ ấp Phú Nhuận, xã Tân Nhuận Đông, tổ được sắp xếp, hoạt động vào giữa năm 2017, có 35 HV là những ND trồng thanh long ruột đỏ với tổng diện tích gần 13ha. Nội dung sinh hoạt tổ hàng tháng rất phong phú, dành nhiều thời gian để trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất nên HV dự từ 80% trở lên.

“Gần đây, tôi tham gia Tổ hội ND trồng thanh long ruột đỏ ấp Phú Nhuận. HV trong tổ cùng trồng thanh long nên thuận lợi cho việc sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm làm ăn. Chúng tôi còn được Hội ND xã tạo điều kiện tham gia lớp dạy nghề trồng thanh long theo hướng VietGAP”- ông Huỳnh Văn Tảng (SN 1948) ngụ ấp Phú Nhuận cho biết.

Qua sắp xếp, Tổ hội ND từng bước nâng cao chất lượng sinh hoạt, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng thiết thực của HV,ND. Qua đó, nhiều ND tham gia Hội, từ năm 2012 đến nay, các cấp Hội ND đã kết nạp mới trên 5.600 HV, nâng tổng số HV,ND toàn huyện lên hơn 20.000 người. Các chỉ tiêu công tác Hội, phong trào ND được duy trì và phát triển rộng khắp địa bàn nông thôn, thu hút HV,ND tham gia.

Đồng chí Trần Ngọc Khanh - Chủ tịch Hội ND xã Tân Nhuận Đông cho rằng: “Sau khi sắp xếp, các Tổ hội ND của xã giảm từ 90 xuống còn 68 tổ. Những Tổ hội ND theo ngành nghề hoạt động hiệu quả hơn so với hình thức cũ (theo địa bàn dân cư). Ở đó, ND được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, tập huấn tiến bộ khoa học kỹ thuật và liên kết trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, Tổ hội ND theo ngành nghề là cơ sở, nền tảng cho việc thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã”.

Đồng chí Chung Hữu Hoàng - Chủ tịch Hội ND huyện Châu Thành chia sẻ: Để thực hiện tốt công tác sắp xếp chi, Tổ hội ND theo ngành nghề cần phải có sự thống nhất về chủ trương từ cấp ủy, đến cán bộ Hội và HV; tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy cùng cấp, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị ở cơ sở; có sự chỉ đạo quyết liệt, hướng dẫn cụ thể của Hội ND cấp trên và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện. Đặc biệt, sắp xếp phải trên tinh thần tôn trọng sự tự nguyện của HV, không được gò bó, áp đặt nơi sinh hoạt của HV. Đồng thời chủ động đổi mới nội dung, tìm ra phương thức hoạt động phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của HV,ND và tích cực tham mưu cấp ủy đảng, đề xuất chính quyền giải quyết những vấn đề bức xúc của HV,ND.

NHỰT AN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn