Công nghệ cao góp phần nâng cao chất lượng, giá trị nông sản
Cập nhật ngày: 20/09/2018 05:36:51
ĐTO - Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là một trong những định hướng, giải pháp chủ yếu thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp (TCCNN) theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Mô hình trồng rau thủy canh của anh Nguyễn Phước Việt Cường (xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh)
Sau 5 năm triển khai Đề án TCCNN, công nghệ cao đã góp phần rất lớn trong nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Đồng Tháp, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng thân thiện với môi trường, phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp đã giúp tăng năng suất, chất lượng so với sản xuất truyền thống.
Cụ thể, thực hiện tái cơ cấu trên lĩnh vực trồng trọt, việc ứng dụng công nghệ di truyền trong lai tạo giống mới, phục tráng giống, áp dụng phương pháp nhân giống vô tính (chiết cành, tháp - ghép, cấy mô...) được Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghiệp cao của tỉnh và Công ty TNHH MTV Nông trại sinh thái Đồng Tháp triển khai thời gian qua đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp nhân nhanh các giống cây trồng, hoa kiểng mang đặc tính tốt, sạch bệnh. Đặc biệt, công nghệ chuyển gen (giống chuyển gen) đã được đưa vào sản xuất thử nghiệm trên địa bàn tỉnh với các giống bắp.
Công tác quản lý dịch hại trên cây trồng được kiểm soát chặt chẽ nhờ áp dụng các ứng dụng công nghệ cao, như: màng phủ nông nghiệp, chế phẩm vi sinh xử lý giá thể trồng, chế phẩm sinh học, biện pháp phòng trừ dịch hại IPM... Đến nay, tỉnh đã hoàn chỉnh quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) đối với cây lúa, rau màu, cây ăn trái.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, Đồng Tháp tập trung chuyển mạnh sang hình thức an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ mới có kiểm soát an toàn dịch bệnh và môi trường, gắn với truy xuất nguồn gốc và thị trường tiêu thụ.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có trang trại nuôi vịt sinh học Út Mới (xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười) được Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh gắn mã vạch truy xuất nguồn gốc trứng vịt. Đây cũng là trang trại trứng vịt đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long đáp ứng được yêu cầu truy xuất nguồn gốc.
Tái cơ cấu ngành thủy sản được gắn với nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao chất lượng con giống, cải tiến quy trình kỹ thuật chăm sóc thông qua các nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ như kỹ thuật chọn lọc di truyền trên các đối tượng thủy sản, kỹ thuật sinh sản, nhân tạo, công nghệ sản xuất tôm toàn đực, ứng dụng quy trình sản xuất giống cá rô phi đơn tính... Những hoạt động trên đã góp phần thúc đẩy ngành thủy sản phát triển ổn định trong thời gian qua.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 100% diện tích ao nuôi cá tra thương phẩm sử dụng chế phẩm sinh học nhằm ổn định nguồn nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao chỉ số tiêu thụ thức ăn, cải thiện chất lượng thịt; hơn 95% diện tích áp dụng và được chứng nhận các tiêu chuẩn như: VietGAP, GlobalGAP, ASC, BAP...
Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghiệp cao ứng dụng công nghệ di truyền trong lai tạo giống mới
Xác định phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hướng phát triển chủ đạo và tất yếu để nâng cao sức cạnh tranh của nền nông nghiệp, tiến tới xây dựng nền nông nghiệp bền vững, tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, tỉnh quy hoạch xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gồm 3 tiểu khu: Tiểu khu chuyên canh cây ăn trái - nuôi trồng thủy sản xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh với quy mô 50ha; tiểu khu chuyên canh hoa màu thị trấn Thanh Bình, huyện Thanh Bình 50ha; tiểu khu hoa kiểng Sa Đéc (Trung tâm Ứng dụng công nghệ cao và khu công nghệ cao ở cồn Đông Giang, xã Tân Khánh Đông) với quy mô 50ha.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ nay đến năm 2020, song song với việc tiếp tục đẩy mạnh TCCNN, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành, doanh nghiệp và sản phẩm, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư phát triển, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, nhất là hệ thống thủy lợi, đồng thời đẩy mạnh đào tạo nghề cho nông dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp.
Để việc ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao thực sự trở thành yếu tố đột phá năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản và của ngành nông nghiệp, trong thời gian tới, Đồng Tháp triển khai các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là trên các cây trồng, vật nuôi lợi thế của tỉnh.
Đồng thời, ngành nông nghiệp tăng cường chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ và khuyến nông, đưa nhanh các quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất, chế biến; thúc đẩy việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP trong sản xuất nông nghiệp.
THAO VY