Khoa học công nghệ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất
Cập nhật ngày: 12/09/2018 15:22:03
ĐTO - Với thế mạnh là tỉnh nông nghiệp, Đồng Tháp xác định khoa học và công nghệ (KH&CN) là một trong những nhân tố quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm giá thành.
Nuôi vịt lấy trứng theo hình thức an toàn sinh học tại trang trại của anh Đoàn Thanh Nhường (xã Phú Điền, huyện Tháp Mười)
Thời gian qua, ngành KH&CN đã đẩy mạnh hướng dẫn, nhân rộng các mô hình: “3 giảm - 3 tăng”, “1 phải - 5 giảm” trên cây lúa, kích thích ra hoa đồng loạt, xử lý ra hoa trái vụ trên cây ăn trái, tưới tiết kiệm nước, sử dụng phân tan chậm...
Trong công tác quản lý dịch hại, đơn vị khuyến khích nông dân ứng dụng màng phủ nông nghiệp, dùng chế phẩm vi sinh, xử lý giá thể trồng, chế phẩm sinh học (nấm xanh, nấm trắng), biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM... Qua đó, góp phần kiểm soát tốt các đối tượng dịch hại trên cây trồng, tạo ra nông sản sạch an toàn cho người tiêu dùng.
Việc ứng dụng KH&CN trên lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản cũng mang lại hiệu quả rõ rệt. Đơn cử như bước đầu chuyển đổi hình thức nuôi vịt chạy đồng sang phương thức nuôi bán chăn thả đã mang lại nhiều kết quả bất ngờ. Ngoài ra, người chăn nuôi còn quan tâm sử dụng vắc-xin, chế phẩm sinh học đối kháng trong xử lý môi trường chăn nuôi, sử dụng công nghệ chuồng kính, chuồng mát đã tạo đòn bẩy vào sự phát triển đàn gia súc, gia cầm của tỉnh cả về chất lượng lẫn số lượng.
Trên lĩnh vực thủy sản, việc nghiên cứu cải tiến quy trình kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng, thiết kế ao nuôi, sử dụng chế phẩm sinh học trong phòng trị bệnh và xử lý môi trường góp phần thúc đẩy ngành này phát triển ổn định trong thời gian qua. Hiện toàn tỉnh có 100% diện tích ao nuôi cá tra thương phẩm sử dụng chế phẩm sinh học nhằm ổn định nguồn nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao chỉ số tiêu thụ thức ăn, cải thiện chất lượng thịt. Có hơn 95% diện tích áp dụng và được chứng nhận các tiêu chuẩn như: VietGAP, GlobalGAP, ASC, BAP...
Đặc biệt hơn khi tỉnh đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin (IoT) trong nông nghiệp. Thời gian qua, Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghiệp cao đã được đầu tư nhà màng với hệ thống điều khiển tự động, phòng nuôi cấy mô được trang bị hiện đại đã góp phần tạo ra lượng cây giống sạch, an toàn, hiệu quả cao cho người nông dân trồng hoa kiểng trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, đơn vị cung cấp cho thị trường 2 triệu cây giống hoa kiểng cấy mô.
Ngoài ra, ngành KH&CN tỉnh đang nghiên cứu và đưa vào sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu và cảnh báo sớm lũ lụt tại khu vực Hồng Ngự, dự kiến nghiệm thu ứng dụng vào năm 2019. Khi ứng dụng đi vào thực tế sẽ góp phần phục vụ cho việc điều hành, thông tin cảnh báo, xây dựng phương án ứng phó nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do lũ lụt gây ra...
Theo Sở KH&CN, tuy đạt được những kết quả nhất định nhưng việc ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn một số hạn chế do quy mô sản xuất hộ còn nhỏ lẻ, tự phát, môi trường suy thoái, biến đổi khí hậu, khả năng liên kết của nông dân còn hạn chế. Bên cạnh đó, người nông dân còn gặp khó khăn về kinh phí tổ chức sản xuất, chính sách hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất còn nhiều bất cập...
Để hoạt động nghiên cứu khoa học mang lại hiệu quả cao, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm giá thành sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp, Sở KH&CN đề xuất tỉnh chú trọng triển khai các nhiệm vụ ứng dụng chuyển giao KH&CN tại các vùng sản xuất. Theo đó, tập trung vào các đối tượng tiếp nhận và thụ hưởng kết quả như các hợp tác xã thành viên hội quán.
Đối với các ngành hàng thế mạnh, tỉnh triển khai thực hiện các nội dung trọng tâm như: tổ chức nghiên cứu, triển khai ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về nhân giống, kỹ thuật canh tác tiên tiến kết hợp duy trì độ phì nhiêu của đất. Tiếp tục áp dụng nhanh các tiến bộ khoa học kĩ thuật tiên tiến, cơ giới hóa vào sản xuất theo tiêu chuẩn GAP để sản phẩm đạt chất lượng với quy cách đồng nhất...
THẢO VY