Kỳ vọng từ Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp
Cập nhật ngày: 12/09/2018 15:18:49
ĐTO - Đồng Tháp là một trong những tỉnh được Chính phủ chọn thực hiện Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đề án này giúp tỉnh đáp ứng nhu cầu con giống chất lượng cao, xây dựng thương hiệu và truy xuất nguồn gốc trong nuôi trồng cá tra.
Chế biến cá tra xuất khẩu
Ngoài ra, đề án còn giúp địa phương huy động các thành phần kinh tế tham gia chuỗi sản xuất, góp phần phát triển ngành hàng cá tra theo hướng bền vững đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh, hiện Đồng Tháp có 20 doanh nghiệp nuôi cá tra xuất khẩu với diện tích 965ha; hộ nuôi cá thể là 535ha. Vì vậy, nhu cầu về cá tra giống chất lượng trong và ngoài tỉnh là rất cao.
Thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ giống cá tra 3 cấp, trong 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh sản xuất khoảng 8,8 tỷ con cá tra bột (vượt 0,7 tỷ con so với cùng kỳ năm 2017). Trong khi đó, cá tra giống sản xuất hơn 0,83 tỷ con (vượt 0,19 tỷ con so với cùng kỳ năm 2017), đáp ứng nhu cầu con giống trong và ngoài tỉnh.
Theo Sở NN&PTNT, để đảm bảo phát triển bền vững, tỉnh đã tiến hành xây dựng kế hoạch triển khai “Đề án chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao của tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2018 – 2025”. Đồng thời quy hoạch vùng sản xuất giống cá tra 3 cấp với diện tích 400ha tại 4 địa phương: huyện Hồng Ngự, Cao Lãnh và Châu Thành, TX.Hồng Ngự.
Ngoài ra, Sở NN&PTNT cũng có văn bản tham mưu với UBND tỉnh đề xuất với Bộ NN&PTNT bổ sung thêm 350ha diện tích ương nuôi cá tra giống chất lượng cao của Công ty TNHH Hùng Cá. Tỉnh còn tiến hành thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng theo Đề án với lộ trình cụ thể.
Giai đoạn 2018 – 2020, tỉnh đầu tư cơ sở hạ tầng cho tiểu vùng số 1 vùng huyện Cao Lãnh, tiểu vùng số 1 vùng TX.Hồng Ngự và vùng huyện Châu Thành. Trong giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng huyện Hồng Ngự, vùng huyện Châu Thành, tiểu vùng số 2 huyện Cao Lãnh và tiểu vùng số 2 vùng TX.Hồng Ngự.
Ngành nông nghiệp còn chú trọng nâng cao công tác thông tin, tuyên truyền để nông dân có thể định hướng tổ chức sản xuất phù hợp với yêu cầu thị trường. Đồng thời phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục thực hiện việc cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi cá tra thương phẩm gắn liền bảo vệ môi trường. Hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc củng cố, mở rộng các thị trường xuất khẩu hiện nay, nhất là các thị trường truyền thống; tìm kiếm, phát triển các thị trường tiềm năng cũng như thị trường nội địa...
Theo Sở NN&PTNT tỉnh, bên cạnh sự phát triển ổn định về diện tích, sản lượng và tiêu thụ, tình hình ngành hàng cá tra của tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, việc sản xuất giống, liên kết giữa các cơ sở sản xuất giống và vùng nuôi, doanh nghiệp nuôi cá tra thương phẩm vẫn còn thiếu chặt chẽ. Ngoài ra, các cơ sở sản xuất giống chỉ dựa vào kinh nghiệm sản xuất, thị trường xuất khẩu vẫn còn nhiều thách thức, nhất là các rào cản kỹ thuật, bảo hộ thương mại, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường...
KHÁNH PHAN