Người chăn nuôi không nên lơ là với bệnh dịch tả heo Châu Phi

Cập nhật ngày: 24/09/2018 15:05:40

ĐTO - Bệnh dịch tả heo Châu Phi (DTHCP) lần đầu tiên xuất hiện tại Kenya vào năm 1921 và sau đó trở thành dịch địa phương tại nhiều nước Châu Phi.


Người chăn nuôi cần chủ động thực hiện tốt công tác phòng dịch tại chỗ, tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi là giải pháp phòng bệnh hiệu quả nhất

Năm 1957, lần đầu tiên bệnh DTHCP được phát hiện, báo cáo tại Châu Âu và đến nay dịch bệnh này đã xuất hiện ở nhiều nước Châu Âu. Trong đó Armenia và Liên Bang Nga báo cáo bệnh xuất hiện vào năm 2007 và Azerbaijan vào năm 2008, bệnh cũng được phát hiện tại một số nước Châu Mỹ. Năm 2007, bệnh DTHCP xảy ra ở dãy núi Caucasus giữa Châu Âu và Châu Á tại quốc gia Georgia. Đến nay, bệnh dịch tả heo Châu Phi là dịch bệnh địa phương ở nhiều nước trên thế giới.

Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), DTHCP hiện chưa có vắc-xin và thuốc điều trị, gây chết ở heo với tỉ lệ rất cao. Bệnh DTHCP là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài heo bao gồm cả heo nhà và heo hoang dã.

Bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng với tỉ lệ chết cao lên đến 100%. Virus gây ra bệnh DTHCP có sức đề kháng cao trong môi trường. Sau khi khỏi bệnh lâm sàng, heo vẫn có khả năng mang virus trong thời gian dài và có thể trở thành vật chủ mang trùng suốt đời. Do vậy, nếu để xảy ra bệnh sẽ rất khó để loại trừ được mầm bệnh.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo, trong trường hợp phát hiện đàn heo có các biểu hiện của bệnh DTHCP, người chăn nuôi cần thông tin kịp thời cho nhân viên thú y xã, chính quyền địa phương. Không điều trị heo bệnh hoặc nghi mắc bệnh DTHCP.

Virus DTHCP được tìm thấy trong máu, cơ quan nội tạng, dịch bài tiết từ heo nhiễm bệnh và chết bởi bệnh này. Heo sau khi khỏi bệnh sẽ ở thể mãn tính có thể mang virus suốt đời.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), ở dạng cấp tính của bệnh do các chủng có độc lực cao, heo có thể bị sốt cao, nhưng không có triệu chứng đáng chú ý nào trong vài ngày đầu, heo dần dần mất đi sự thèm ăn và trở nên chán nản. Sau đó, một số bộ phận có vùng da mỏng như: nách, bụng, các chi có thể chuyển sang màu xanh tím và xuất huyết trở nên rõ ràng trên tai và bụng.

Bệnh DTHCP có thời gian ủ bệnh từ 3 - 15 ngày, ở thể cấp tính thời gian ủ bệnh chỉ từ 3 - 4 ngày. Loại virus này lây nhiễm qua đường hô hấp và tiêu hóa, thông qua sự tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các vật thể nhiễm virus như: chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, đồ dùng, quần áo nhiễm virus và ăn thức ăn thừa chứa thịt heo nhiễm bệnh.


Virus dịch tả heo Châu Phi có khả năng chịu được nhiệt độ thấp, đặc biệt là trong các sản phẩm thịt heo sống hoặc nấu ở nhiệt độ không cao nên virus có thể chịu được trong thời gian dài từ 3 - 6 tháng

Cũng theo Tổ chức Thú y thế giới, virus DTHCP có khả năng kháng khuẩn và khử trùng. Virus này tồn tại trong thời gian 2 - 4 tháng trong một cơ sở bị nhiễm bệnh và 5 - 6 tháng trong thịt bị nhiễm bệnh. Đây là virus có khả năng chịu được nhiệt độ thấp, đặc biệt là trong các sản phẩm thịt lợn sống hoặc nấu ở nhiệt độ không cao nên virus có thể chịu được trong thời gian dài 3 - 6 tháng. Mặc dù gây nguy hiểm cho đàn vật nuôi, song bệnh DTHCP không lây nhiễm và gây bệnh ở người.

Trước tình hình trên, Chi Cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Tháp khuyến cáo người chăn nuôi ở địa phương cần bình tĩnh và chủ động thực hiện tốt công tác phòng dịch tại chỗ.


Bệnh dịch tả heo Châu Phi có đặc điểm lây lan nhanh trên loài heo bao gồm cả heo nhà và heo hoang dã

Theo đó, thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi là giải pháp phòng bệnh hiệu quả nhất và quan trọng nhất. Thường xuyên vệ sinh sát trùng, tiêu độc tại các cơ sở, vùng chăn nuôi heo, các phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi và vệ sinh cá nhân những người tham gia chăn nuôi.

Bên cạnh đó, trong thời điểm giao mùa, thời tiết diễn biến cực đoan như hiện nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đề nghị người chăn nuôi cần tăng cường sức khỏe cho đàn heo bằng vitamin và chất điện giải cho đàn vật nuôi; cho heo ăn thức ăn đầy đủ chất dinh dưỡng và cân đối; tuyệt đối không cho heo ăn thức ăn thừa không rõ nguồn gốc; chủ động tiêm phòng vắc-xin đầy đủ các loại dịch bệnh thường gặp; chỉ nhập heo từ những nhà cung cấp uy tín, phải tuân thủ tuyệt đối việc cách ly và theo dõi sức khỏe đàn heo mới nhập.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo, trong trường hợp phát hiện đàn heo có các biểu hiện của bệnh DTHCP, người chăn nuôi cần thông tin kịp thời cho nhân viên thú y xã, chính quyền địa phương. Không điều trị heo bệnh hoặc nghi mắc bệnh DTHCP.

Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), từ cuối năm 2017 đến ngày 10/9/2018 đã có 17 quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp giáp giữa Châu Âu và Châu Á ghi nhận DTHCP, với tổng số heo phải tiêu hủy là hơn 500 ngàn con. Tại Trung Quốc, từ đầu tháng 8 đến nay đã ghi nhận 14 ổ dịch xuất hiện tại 6 tỉnh gồm: An Huy, Hắc Long Giang, Hà Nam, Liêu Ninh, Giang Tô và Triết Giang, với tổng số hơn 38 ngàn con heo mắc bệnh phải tiêu hủy.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn