Định hướng phát triển hợp tác xã kiểu mới là xu hướng tất yếu

Cập nhật ngày: 24/01/2019 05:29:58

Bài 1: Thách thức trong xây dựng, phát triển hợp tác xã kiểu mới

ĐTO - Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), lĩnh vực kinh tế hợp tác, trong đó nòng cốt là hợp tác xã (HTX) đang thu hút gần 500 ngàn thành viên tham gia. Câu chuyện phát triển kinh tế hợp tác, HTX kiểu mới trở thành nhu cầu cần thiết của các hộ cá thể, xu hướng ở các địa phương. Đây không còn là câu chuyện thay tên với hình thức “bình mới, rượu cũ”, mà HTX kiểu mới được xác định là phương thức tổ chức sản xuất của quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, gắn với cơ cấu nền kinh tế thị trường, nâng cao sức cạnh tranh, liên kết để sản xuất.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (HTX VN), ĐBSCL hiện có gần 2.400 HTX, 11 liên hiệp HTX, hơn 17.400 tổ hợp tác, thành lập mới hơn 200 HTX, giải thể 80 HTX. Tổng số thành viên của HTX là gần 500 ngàn thành viên, trong đó gần 34.000 thành viên mới gia nhập. So với năm 2017, trong năm 2018, số HTX cả vùng tăng 7,8%; số thành viên của HTX tăng 1,26%.


Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho rằng, cần đổi mới, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân về vai trò, vị trí của Hợp tác xã trong nông nghiệp

Doanh thu bình quân của 1 HTX là hơn 8 tỷ đồng/năm, tăng 2,34% so với năm 2017. Lãi bình quân của 1 HTX là gần 500 triệu đồng/năm, tăng 4,1% so với năm 2017. Thu nhập bình quân của 1 lao động trong HTX là 46 triệu đồng/năm, tăng 15% so với năm 2017.

Theo đánh giá của đại diện Liên minh HTX VN, năm 2018, tình hình phát triển HTX trong vùng có nhiều khởi sắc, số lượng thành lập mới, hiệu quả hoạt động của các HTX có xu hướng tăng, các loại hình HTX ngày càng đa dạng; đội ngũ cán bộ có trình độ năng lực được tăng cường. Các địa phương và HTX nhận thức rõ vai trò của việc triển khai xây dựng các mô hình tổ hợp tác và HTX gắn với chuỗi giá trị, việc liên kết tham gia chuỗi giá trị trở thành một xu hướng tất yếu để phát triển sản xuất - kinh doanh bền vững.

Tuy nhiên, theo Liên minh HTX VN, những biến động của tình hình trong nước và quốc tế cũng đã đặt ra nhiều vấn đề trong quá trình xây dựng và phát triển HTX  kiểu mới; trong đó 6 vấn đề cấp bách cần giải quyết để phát huy vị thế, vai trò của HTX kiểu mới. Đó là vấn đề người nông dân sản xuất trong cơ chế thị trường nhưng không biết nhu cầu thị trường; nông dân cần vốn nhưng không đủ điều kiện vay vốn; năng suất tăng liên tục nhưng thu nhập tăng rất chậm. Mặt khác, câu chuyện nông dân cần liên kết với doanh nghiệp (DN) còn rất khó khăn, trong khi đó, người nông dân sản xuất còn manh mún, riêng lẻ...

Mặt khác, thị trường đòi hỏi sản phẩm nông nghiệp phải có chứng nhận chất lượng sản phẩm và xuất xứ hàng hóa, song các cơ quan quản lý chất lượng sản phẩm không thể giám sát trực tiếp hàng triệu hộ nông dân riêng lẻ với diện tích canh tác bình quân không quá 1ha/hộ; nông dân cần ứng dụng khoa học - kỹ thuật, trong khi các tổ chức nghiên cứu, dịch vụ khoa học - công nghệ không thể hướng dẫn cho hàng triệu hộ riêng lẻ với diện tích canh tác bình quân không quá 1ha/hộ và nuôi trồng những loại cây, con khác nhau.

Được đánh giá là một trong những HTX hoạt động có hiệu quả trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, với tổng nguồn vốn hoạt động hơn 26 tỷ đồng và hơn 1.000 hộ tham gia, HTX nông nghiệp Tân Bình ở huyện Thanh Bình hoạt động theo mô hình sản xuất kinh doanh tổng hợp đa ngành nghề, đa hình thức hợp tác. Đơn vị hiện có 8 dịch vụ hoạt động phục vụ sản xuất, mang doanh thu về hơn 4,6 tỷ đồng trong năm 2018, thu nhập bình quân của lao động là 3,7 triệu đồng/người/tháng.


Theo ông Phan Công Chính - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tân Bình, do giá cả nông sản bấp bênh nên việc liên kết với nông dân còn gặp nhiều bất cập

Ông Phan Công Chính - Giám đốc HTX nông nghiệp Tân Bình cho biết, lấy mục đích tương trợ cho thành viên, nông dân làm mục tiêu hoạt động, xem thành viên vừa là chủ, vừa là khách hàng phục vụ chính, bộ máy HTX điều hành theo phương thức tập trung dân chủ, mối đoàn kết được gắn bó, ổn định lâu dài. Tuy nhiên, cái khó là giá cả nông sản bấp bênh, nên việc liên kết với nông dân còn nhiều bất cập. Các chính sách thuế còn ràng buộc việc hoạt động của HTX, các chính sách hỗ trợ đối với các HTX còn chậm, chưa xứng tầm. Chưa kể việc vay vốn còn rất khó khăn.

Theo ông Nguyễn Phước Thiện - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, liên kết giữa HTX và DN thiếu bền vững, nhất là liên kết tiêu thụ. Nguyên nhân, do ý thức tự cung - tự tiêu, lợi ích giá trị riêng chưa được thay đổi ở một bộ phận nông dân. Mặt khác, sự hạn chế về tiếp cận thông tin thị trường và hành lang pháp lý trong hợp đồng liên kết tiêu thụ chưa hoàn thiện đang là rào cản lớn để HTX tham gia chuỗi liên kết.

Không những vậy, nhiều HTX mong muốn mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng không thể tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng hay các nguồn quỹ tín dụng khác do không thể đáp ứng điều kiện “thế chấp”, trong khi HTX nông nghiệp chưa có tài sản riêng. Bên cạnh đó, HTX nông nghiệp cũng đang phải chịu các loại thuế giống như một DN (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN) làm giảm thu nhập và gây khó khăn trong các hoạt động chi của đơn vị. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc khả năng tồn tại của HTX nông nghiệp là rất thấp.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Liên minh HTX VN cho biết, với 13 tỉnh, thành, ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước. Hằng năm, nơi đây sản xuất trên 60% sản lượng lúa, 70% sản lượng trái cây, 52% sản lượng thủy sản, đóng góp hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Qua đó, góp phần tích cực cho đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và phục vụ xuất khẩu, tạo việc làm cho cư dân nông thôn.

Đây là vùng kinh tế năng động, phát triển, đặc biệt đã – đang hình hành các mô hình HTX để sản xuất hàng hóa, mô hình cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết sản xuất lúa, cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản ở một số địa phương như: An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Tiền Giang, Long An... mang lại giá trị và hiệu quả cao. Các HTX tại khu vực tuy có số lượng ít nhưng chất lượng, hiệu quả hoạt động lại khá rõ nét, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Song, việc phát triển HTX trong nông nghiệp tại vùng thời gian qua vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế như: quy mô sản xuất nhỏ, thiếu mặt bằng sản xuất; nguồn nhân lực chưa đủ. Ngoài ra, mối liên kết giữa các thành viên chưa chặt chẽ, phần nhiều mang tính tự phát, nên năng lực cạnh tranh khiêm tốn, khả năng cung cấp sản phẩm, dịch vụ đáp ứng theo thị hiếu người tiêu dùng với mức giá hợp lý chưa cao. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ còn bấp bênh, chủ yếu là thị trường nội địa...


Nhờ áp dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp nên nông dân Hợp tác xã nông nghiệp Tân Bình giảm được chi phí sản xuất

Chủ tịch Liên minh HTX VN nhìn nhận, HTX tại khu vực ĐBSCL còn rất nhiều tiềm năng. Vì vậy, cần đổi mới, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, các thành phần kinh tế và quần chúng nhân dân về vai trò, vị trí của HTX trong nông nghiệp. Nguyên tắc chung là bản thân các hộ thành viên HTX vẫn là người sản xuất trực tiếp, sản phẩm cây, con mà hộ cá thể làm ra thuộc về sở hữu cá nhân. HTX không phủ định, thay thế kinh tế hộ mà làm cho kinh tế hộ được liên kết lại với nhau, từ đó tạo ra hiệu quả, nâng sức cạnh tranh và cải thiện thu nhập.

Điều quan trọng là, trong quá trình xây dựng các HTX nông nghiệp, cần căn cứ vào tính đặc thù ngành nghề, đặc điểm thế mạnh để lựa chọn mô hình HTX phù hợp với từng địa phương, thúc đẩy kinh tế hộ, tổ hợp tác phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, làm cơ sở cho phát triển HTX trong nông nghiệp. Bên cạnh đó, phải tăng cường liên kết “bốn nhà”, liên kết vùng,... để tạo được sự lưu thông thông suốt khi phân phối hàng hóa từ nguồn sản xuất đến thị trường tiêu thụ.

Thảo Vy - Tâm Bình

(Còn tiếp)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn