Lê Trần Ân mang nhạc cụ sáo trúc gần hơn với mọi người

Cập nhật ngày: 23/01/2019 15:14:36

ĐTO - Với niềm đam mê sáo trúc và mong muốn đưa nhạc cụ này gần hơn với mọi người, em Lê Trần Ân - học sinh lớp 12A1, Trường THPT Cao Lãnh 1 mang dự án của mình tham gia cuộc thi ý tưởng, dự án khởi nghiệp tỉnh Đồng Tháp năm 2018 và giành giải nhì tại cuộc thi chung kết cụm 2.


Em Lê Trần Ân trình diễn tiết mục sáo trúc tại cuộc thi khởi nghiệp

Em Lê Trần Ân chia sẻ: “Sáo trúc là loại nhạc cụ mà em đam mê từ nhỏ giúp tinh thần em thoải mái sau thời gian học tập căng thẳng và tự tin tiếp xúc với nhiều người. Em có gần 5 năm tìm hiểu loại nhạc cụ này và có hơn 2 năm kinh nghiệm trong sản xuất sáo trúc”.

Theo Lê Trần Ân, để có tiết mục trình diễn sáo trúc đặc sắc đòi hỏi người chơi sáo phải có kỹ thuật nhuần nhuyễn và sở hữu nhạc cụ đạt chất lượng. Trong những ngày đầu thực hiện ước mơ tạo ra những cây sáo có âm thanh chuẩn, Lê Trần Ân phải trải qua những khó khăn nhất định để sở hữu kỹ thuật làm sáo.

“Em đã phải phá, bỏ gần 1.000 ống tre, nứa trong quá trình làm sáo vì nguyên liệu không đạt chuẩn, âm thanh sáo thành phẩm không vang sáng, thậm chí không phát ra được âm thanh” - Trần Ân chia sẻ.

Để sáo trúc đảm bảo chất lượng như mong đợi thì phải sử dụng trúc già, lòng trong dày và độ dài thích hợp... Với những tiêu chí trên, Trần Ân phải bỏ công tìm nguồn nguyên liệu trúc, nứa tận tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Lâm Đồng.

Quy trình sản xuất sáo trúc đòi hỏi những người có kinh nghiệm và tỉ mỉ trong các khâu để có thể tạo ra sản phẩm chất lượng. Cụ thể, trúc, nứa tươi được phơi nắng từ 3-5 ngày, tiến hành lọc ra những ống nguyên liệu không đủ chuẩn như bị vỡ, mỏng. Sau đó, trúc, nứa được uốn thẳng cắt gọt hai đầu đánh nhám thân trúc, nứa.

Một trong những công đoạn khá quan trọng chính là đo lòng trúc để xác định sản xuất loại sáo phù hợp. Bên cạnh đó, người sản xuất còn dùng công thức tính vị trí và đánh dấu các lỗ khoét thủ công và đo âm từng lỗ. Nếu thiếu kinh nghiệm, sự tỉ mỉ thì âm thanh phát ra không đạt chuẩn.

Đầu ra sản phẩm là một trong những yếu tố sống còn của dự án, nhằm tạo ra sự khác biệt, các dòng sáo của Trần Ân sẽ được khắc lazer tên chữ nghệ thuật, hoa văn, chân dung lên thân sáo đều nét và không phải tạo điểm nhấn cho các loại sáo trúc trên địa bàn. Sáo trúc Trần Ân có giá dao động từ 120 - 500.000 đồng/cây.

Định hướng khách hàng của dự án chính là giới học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh và những người yêu sáo. Các đối tượng này sẽ được giảm giá từ 10-15% khi mua sáo và giảm cho khách hàng cũ 15%. Bên cạnh đó, khi mua hàng online sản phẩm sáo trúc của Trần Ân, người tiêu dùng sẽ được tặng bộ clip hướng dẫn chơi sáo. Trên tinh thần hiện thực hóa đam mê chơi sáo trúc của mình, thời gian tới, Trần Ân mở các lớp dạy sáo miễn phí cho các bạn có cùng sở thích; tạo câu lạc bộ sáo trúc TP.Cao Lãnh sinh hoạt hàng tuần.

Ngoài đạt giải nhì chung kết cụm 2 tại Cuộc thi ý tưởng và dự án khởi nghiệp tỉnh Đồng Tháp năm 2018, dự án sản xuất - kinh doanh sáo trúc của em Lê Trần Ân còn được ông Lương Nguyễn Duy Thông - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đồng Tháp chọn đầu tư.

Em Trần Ân chia sẻ: “Em đến với cuộc thi không ngờ mình nhận được giải cao và sự đầu tư của doanh nghiệp. Đây được xem là động lực giúp dự án khởi nghiệp của em thêm hoàn thiện, thắp thêm tinh thần vượt qua khó khăn trong quá trình khởi nghiệp. Sau khi hoàn thành chương trình THPT, em sẽ thi đại học vào ngành kinh tế để hoạch định chiến lược kinh doanh cho dự án khởi nghiệp của mình”.

Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn