Doanh nghiệp cần “sống chung với cạnh tranh”

Cập nhật ngày: 23/07/2018 06:29:24

ĐTO - Vừa qua, Sở Công Thương tỉnh phối hợp với Trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại (Bộ Công Thương) tổ chức hội nghị phổ biến kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế năm 2018. Tham dự hội nghị có khoảng 90 đại biểu đại diện các sở, ngành, các địa phương và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Các đại biểu được TS.Phạm Văn Chắt - Giảng viên cao cấp, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) thông tin về Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây được xem là Hiệp định có tiêu chuẩn cao, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, mở ra nột “sân chơi mới” với quy mô thị trường gần 500 triệu dân, chiếm 13,5% GDP toàn cầu. Theo đó, hàng Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội xuất vào các nước như: Nhật, Canada, Úc, Singapore. Ngoài ra, còn là cơ hội để hàng hóa Việt Nam có thể cạnh tranh có hiệu quả với các nước chưa là thành viên của hiệp định (Trung Quốc, Thái Lan, Philippin...).

Ngoài những cơ hội, Hiệp định cũng đặt ra nhiều thách thức đối với Việt Nam. CPTPP yêu cầu cao về tính minh bạch hóa, các quy định về bảo hộ sở hữu trí tuệ cũng như cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc; việc cạnh tranh sẽ diễn ra gay gắt giữa các thành viên tham gia CPTPP và các nước khác; Việt Nam là thành viên có năng suất lao động, ứng dụng công nghệ mới chưa cao, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm.

Do đó, TS.Phạm Văn Chắt lưu ý các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới “sống chung với cạnh tranh”, tìm hiểu những thỏa thuận trong các FTA cũng như hiệp định CPTPP mà Việt Nam tham gia. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần thực hiện các giải pháp nâng cao nguồn nhân lực, đổi mới công nghệ, nghiên cứu tìm hiểu tiếp cận thị trường.

Trong khuôn khổ hội nghị tập huấn, TS.Phạm Văn Chắt còn thông tin về cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4 (4.0) – cơ hội thách thức trong hội nhập kinh tế quốc tế; chủ trương và giải pháp của Chính phủ nhằm tăng cường năng lực tiếp cận CMCN lần thứ 4.

Theo ông Phạm Văn Chắt, nội hàm cơ bản cuộc CMCN lần thứ 4 gồm 3 lĩnh vực chính: kỹ thuật số (dữ liệu lớn, vạn vật kết nối Internet, trí tuệ nhân tạo); công nghệ sinh học; lĩnh vực vật lý (Robot thế hệ mới, vật liệu mới, công nghệ nano). Thời gian qua, các nhà sản xuất tại nhiều nước đang áp dụng thành tựu cuộc CMCN 4.0 trong nhiều lĩnh vực tạo ra các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mới, tăng năng suất, chất lượng và giảm giá thành.

Hiện tại, Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, cuộc CMCN 4.0 mở ra nhiều cơ hội như nâng cao trình độ công nghệ, năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi sản phẩm; tạo ra sự thay đổi hình thái kinh doanh dịch vụ; cơ hội cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo...

Thách thức lớn nhất đối với việc tiếp cận cuộc CMCN 4.0 chính là nguồn vốn đầu tư cho công nghệ, nhân lực để khai thác và sử dụng có hiệu quả công nghệ, cơ sở hạ tầng, cơ chế chính sách pháp luật.

Theo ông Phạm Văn Chắt, các giải pháp mà Việt Nam cần thực hiện chính là tập trung thúc đẩy phát triển tạo sự bứt phá về phát triển hạ tầng kết nối số và đảm bảo an toàn an ninh mạng. Ngoài ra, Chính phủ cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, rà soát lại các chiến lược chương trình hành động để xây dựng các kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm nhằm sát với xu thế của cuộc CMCN 4.0; tập trung thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp; thay đổi chính sách, nội dung, phương pháp giáo dục và dạy nghề...

Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn