Doanh nghiệp ích kỷ, cá tra khó “lớn” bền vững

Cập nhật ngày: 24/02/2019 15:54:50

Để ngành hàng cá tra Việt Nam phát triển bền vững, nhất thiết phải minh bạch thông tin và cần có sự liên kết giữa các doanh nghiệp (DN) trong điều tiết cung cầu, theo ông Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp.


Minh bạch thông tin và liên kết doanh nghiệp là “chìa khóa” giúp ngành cá tra phát triển bền vững. Ảnh: công nhân chế biến cá tra xuất khẩu tại một doanh nghiệp. 
Ảnh: Trung Chánh

Phát biểu tại hội nghị “Triển khai kế hoạch phát triển ngành hàng cá tra năm 2019” được tổ chức tại tỉnh An Giang hôm 18/2, ông Hoan cho biết, Đồng Tháp là địa phương chiếm 33% diện tích vùng nuôi của vùng đồng bằng sông Cửu Long (5.400ha); xuất khẩu đạt khoảng 1 tỉ đô la Mỹ trong tổng số gần 2,3 tỉ đô la Mỹ kim ngạch trong năm 2018.

Theo ông, trong 10 năm qua, ngành cá tra đã loại được dần một số DN xấu và điều này đã góp phần tạo nên giá trị cho ngành. Bởi, những DN không có kinh nghiệm trong ngành cá tra bị loại đã tạo thời cơ để các DN khác làm ăn tốt hơn, có quyết tâm hơn.

Mục tiêu kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 2,4 tỉ đô la

Ông Như Văn Cẩn - Vụ trưởng Vụ nuôi trồng thủy sản thuộc Tổng cục thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, năm 2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 2,4 tỉ đô la, tăng 12% so với 2018.

Còn sản lượng nuôi đạt 1,51 triệu tấn, tăng 6,6% so với 2018.

Nhưng khi nói đến DN, theo ông Hoan, trong kinh tế học có khái niệm “thông tin bất cân xứng”, tức thông tin không đầy đủ giữa các bên tham gia vào chuỗi, mà cụ thể ở đây là chuỗi giá trị ngành hàng cá tra.

“Bất cân xứng ở chỗ nào?”, ông nêu câu hỏi và dẫn chứng, khi ông gửi email đến các DN ngành cá tra và lúa gạo để xem DN nhận định thị trường, nhận định tình hình của ngành như thế nào, thì họ đưa ra nhiều thông tin rất khác nhau.

“Khi thông tin khác nhau, nó sẽ làm cho bức tranh của ngành không rõ ràng”, ông cho biết và nói rằng đây là điều khó tránh khỏi vì DN có thị trường này, thị trường kia trong quá trình phát triển, cho nên, có cái nhìn về hiện tượng khác nhau cũng là bình thường.

Tuy nhiên, theo ông, có những thông tin DN đưa ra gần như trái ngược nhau hoàn toàn, “thì với vai trò điều hành, tôi cũng không biết nên điều hành ra sao, không biết nghe theo thông tin nào”, ông nói và gợi ý các hiệp hội ngành hàng cần phải cùng ngồi lại để có được thông tin đầy đủ.

Theo ông Hoan, thị trường không bao giờ là ổn định, nhưng ngành cá tra có điều chỉnh được theo cung cầu thị trường giống như Tổ chức OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ) điều chỉnh giá xăng dầu lên, xuống hay không?

Theo ông, nếu có đầy đủ thông tin “cân xứng” từ vùng nuôi của tất cả DN, thì nếu thị trường đang khó, có thể điều chỉnh giảm vùng nuôi ở mỗi DN xuống một ít. Nhưng, rất tiếc câu chuyện muốn tăng, giảm diện tích, thì DN nào cũng chỉ biết đến lợi ích riêng, không chia sẻ, minh bạch thông tin.

“Tôi không biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ điều hành ra sao với những thông tin khác biệt ấy, ngay cả địa phương chúng tôi cũng không biết”, một lần nữa ông nhấn mạnh.

“Tại sao chúng ta không làm được câu chuyện này, trong khi 10 năm trước đã bàn phải làm sao minh bạch được thông tin, minh bạch hóa sản lượng để điều chỉnh khi cần thiết?”, ông Hoan nêu câu hỏi và cho rằng muốn ngành cá tra phát triển bền vững, thì trước tiên các DN phải hợp tác lại.

“DN cần hợp tác với trách nhiệm cho cả một ngành hàng, chứ không phải cho riêng DN mình”, ông gợi ý và nói rằng khi DN đặt trách nhiệm ngành hàng lên trên hết, thì DN mới chia sẻ thông tin “thật” với nhau.


Mỹ đã công bố dự thảo công nhận tương đương cho cá tra Việt Nam

Tại hội nghị, ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Mỹ đã công bố dự thảo công nhận tương đương đối với hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm chuỗi sản xuất, chế biến và xuất khẩu cho cá tra Việt Nam để xin ý kiến công chúng.

Theo đó, trong 3 nước đề xuất công nhận tương đương gồm: Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam, thì Việt Nam có kết quả tốt nhất (Thái Lan và Trung Quốc đều phải thanh tra lại trước khi công nhận tương đương), mà cụ thể tỷ lệ ủng hộ của công chúng đối với báo cáo của Việt Nam đạt mức cao nhất, 80% so với tỷ lệ ủng hộ cho Trung Quốc và Thái Lan lần lượt là 57% và 40%.

Theo ông Tiệp, quá trình ra quyết định cuối cùng của Mỹ đã bị ảnh hưởng vì cuối năm 2018 Chính phủ Mỹ đã phải đóng cửa một phần trong thời gian dài (35 ngày). “Hiện các đơn vị liên quan của Việt Nam vẫn đang tiếp tục phối hợp chặt với đầu mối Cục thanh tra an toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) để nắm thông tin, đôn đốc FSIS sớm đưa ra quyết định chính thức công nhận tương đương cho cá tra Việt Nam”, ông cho biết.

(Theo Trung Chánh - TBKTSG online)

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn