Đổi mới sáng tạo, sự cần thiết cho doanh nghiệp khởi nghiệp
Cập nhật ngày: 29/05/2018 06:06:11
ĐTO - Khi sản phẩm khởi nghiệp được thị trường chấp nhận chính là sự thành công bước đầu của các Startup. Để tiếp tục phát triển thì doanh nghiệp (DN) cần đẩy mạnh việc đổi mới sáng tạo.
Sáng tạo của các Startup
Nhiều chuyên gia, DN đã thành công trên thương trường khi tiếp xúc với các dự án khởi nghiệp của tỉnh, họ đều đánh giá rất cao tinh thần sáng tạo của các Startup.
Ông Phạm Duy Hiếu – Giám đốc Quỹ SVF chia sẻ: “Tôi rất may mắn khi được đồng hành với phong trào khởi nghiệp của Đồng Tháp. Bản thân tôi vô cùng ngưỡng mộ các Startup của Đồng Tháp bởi họ là những người ham học hỏi, say mê sáng tạo, sẵn sàng thử nghiệm với điều mới. Có khi những ý tưởng ban đầu hết sức lạ lẫm. Tuy nhiên, cũng chính sự dám thay đổi mà các bạn đã gặt hái được những thành quả cao tại các cuộc thi khởi nghiệp. Đặc biệt hơn là sản phẩm được người tiêu dùng đón nhận”.
Đơn cử như bạn Võ Văn Tiếng (xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự) người từng giành giải nhất cuộc thi khởi nghiệp lần 2 do BSA tổ chức với dự án “Sản xuất gạo hữu cơ”. Khi dự án triển khai, nhiều người xung quanh cho rằng Tiếng không bình thường, sản xuất gạo theo kiểu “dị” chỉ có mức phá sản. Nhưng thành công lại không ngờ bởi sản phẩm gạo sạch đã đánh trúng tâm lý người tiêu dùng.
Sẽ là hết sức lãng phí khi những loại vỏ họ cam quýt không được sử dụng. Tuy nhiên, qua bàn tay của chị Bùi Thị Thanh Thủy - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại NIWA NANO đã “phù phép” các phụ phẩm này tăng thêm giá trị với các sản phẩm mứt vỏ bưởi, cam, quýt...
Ngoài sen sấy, các sản phẩm gia dụng từ lá sen của Ngô Chí Công – Giám đốc Công ty Khởi Minh Thành Công được người tiêu dùng rất ưa chuộng khi sản phẩm vừa mang tính đặc trưng của quê hương vừa mang đến sự mới mẻ.
Khai thác tiềm năng của đổi mới sáng tạo
Theo ông Phạm Duy Hiếu, điều quyết định cho việc đổi mới sáng tạo phụ thuộc vào yếu tố con người. Để khai thác tiềm năng này trong DN, cán bộ quản lý, nhà lãnh đạo DN cần nhận thức rằng cán bộ nhân viên cũng chính là một nguồn lực của đổi mới sáng tạo. Vấn đề quan trọng bậc nhất chính là khai phá những tiềm năng ấy như thế nào.
Phương trình đổi mới và sáng tạo được ông Phạm Duy Hiếu đúc kết chính là kết quả của những yếu tố kích thích nhân với việc thử nghiệm, sự tự tin và chia cho định kiến. Theo đó, yếu tố kích thích có thể là tạo tâm lý, môi trường làm việc thoải mái được tạo ra trong DN.
Bên cạnh đó, lãnh đạo cũng cần thử nghiệm những ý tưởng mới được nhân viên đề xuất. Khi việc thử nghiệm chưa đạt kết quả thì DN phải bao dung với họ. Nếu không chẳng ai dám đề xuất những ý tưởng mới, lúc này, công việc sẽ đi vào lối mòn. Ngoài ra, lãnh đạo DN cần đặt niềm tin vào nhân viên, giúp họ tin tưởng ở chính mình và biết vượt qua những định kiến để tiếp cận với các sáng tạo mới. Yếu tố này sẽ giúp DN tạo nên sự khác biệt để định vị trên thương trường.
Theo ông Hiếu, hiện nay, các DN tại Đồng Tháp đã am hiểu rõ tiềm năng của địa phương và bản thân các Startup hiểu được nhu cầu khách hàng. Vì vậy, DN chỉ cần bổ sung thêm việc đổi mới sáng tạo để tạo nên sự khác biệt.
Ngoài ra, các DN khởi nghiệp cần có tư duy mở để tìm những yếu tố đổi mới và sáng tạo như hợp tác nhiều tổ chức như sinh viên, nhà nghiên cứu đưa sản phẩm của mình phát triển. Và, SVF cam kết sẽ mang lại những kết nối ấy với các DN khởi nghiệp của tỉnh. Trên tinh thần đó, thời gian qua nhiều cơ sở, DN của Đồng Tháp, đặc biệt là ngành hàng thực phẩm đã chủ động bắt tay với các viện, trường để giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, thay đổi bao bì mẫu mã bắt mắt. Mong muốn của các DN tỉnh nhà là sản phẩm khởi nghiệp không chỉ tồn tại trong “ao làng” mà cần vươn vai trong thời đại thế giới phẳng.
Y DU