Đưa hàm lượng công nghệ vào các dự án khởi nghiệp
Cập nhật ngày: 28/08/2018 06:24:53
ĐTO - Phong trào khởi nghiệp của Đồng Tháp từng bước phát triển mạnh, nhiều sản phẩm khởi nghiệp được người tiêu dùng đón nhận. Tuy nhiên, nhìn nhận từ thực tế, Đồng Tháp vẫn còn thiếu những dự án khởi nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp (bên phải) trao đổi với ông Tony Wheeler về phong trào khởi nghiệp của tỉnh
Để dự án khởi nghiệp hoàn thiện hơn
Với khát vọng trở thành địa phương khởi nghiệp, thời gian qua, Đồng Tháp đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy khởi nghiệp. Tỉnh còn tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc kịp thời cho doanh nghiệp (DN) trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chính sự đồng hành đó, từ năm 2016 đến tháng 7/2018 toàn tỉnh có thêm gần 1.300 DN thành lập mới với tổng vốn đăng ký 7.200 tỷ đồng, nâng tổng số DN đang hoạt động là 3.700 DN, tạo việc làm cho hơn 36.300 lao động.
Tại “Diễn đàn Kết nối khởi nghiệp công nghệ và nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp 2018”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương nhận định, đến nay, phong trào khởi nghiệp của tỉnh đã thực sự lan tỏa. Nhiều dự án phát huy giá trị tài nguyên bản địa, sử dụng sản phẩm chính yếu của địa phương và khai thác các loại hình du lịch nông nghiệp... Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Dương cũng nhìn nhận thực tế rằng, Đồng Tháp vẫn còn thiếu những dự án khởi nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, một thế mạnh của địa phương.
Nhằm bù đắp vào những khiếm khuyết đó, UBND tỉnh cùng Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức “Diễn đàn Kết nối khởi nghiệp công nghệ và nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp 2018” làm cầu nối để các DN, Startup tiếp cận với công nghệ cao vào sản xuất.
Tại diễn đàn, ông Tony Wheeler - Chủ tịch Hội đồng tư vấn đổi mới DN thành phố Redland (Úc) cho rằng, Australia xem nông nghiệp là ngành hàng chiến lược. Đặc biệt trong tình hình tài nguyên hữu hạn ngày càng cạn kiệt thì việc phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, ứng dụng nền công nghiệp 4.0 vào sản xuất là nhu cầu bức thiết mà Úc đẩy mạnh thực hiện. Cụ thể như Úc sử dụng vạn vật kết nối Internet, trí tuệ nhân tạo, robot thế hệ mới vào các khâu sản xuất. Ngoài ra, các thiết bị đảm nhận chức năng nhận diện và đưa ra quyết định xử lý tình huống, định hướng sản xuất trong việc phân chia mùa vụ, bón phân, thu hoạch nông sản... Từ việc áp dụng này, hàng năm nông nghiệp của Úc tiết kiệm được hàng tỷ USD. Qua đó còn góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, hướng đến sự phát triển bền vững.
Tập trung nhiều nguồn lực, lựa chọn công nghệ phù hợp
Trước chia sẻ của ông Tony Wheeler, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương kỳ vọng sau khi trực tiếp tham quan các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt thông qua những câu chuyện thực tế từ chuyên gia đến từ Úc - đất nước có nền nông nghiệp hiện đại, sẽ giúp các bạn khởi nghiệp có thêm những ý tưởng, giải pháp mới để hoàn thiện dự án khởi nghiệp của mình.
Ông Tony Wheeler cũng cho rằng, địa phương đã tạo nhiều nguồn lực rất tốt trong hỗ trợ khởi nghiệp. Riêng DN, các bạn khởi nghiệp và người nông dân có tinh thần nhiệt huyết cao muốn áp dụng công nghệ vào canh tác nhằm thay đổi nền nông nghiệp còn lạc hậu phát triển theo hướng hiện đại. Cụ thể như DN Ecofarm Đồng Tháp sử dụng công nghệ cao trong sản xuất; Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh tạo ra nhiều giống hoa mới phục vụ nhu cầu thị trường...
Hệ thống cảm biến đến từ Farm Tech được giới thiệu tại diễn đàn
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra đối với các Startup, DN và người nông dân chính là họ đang loay hoay tìm chọn công nghệ phù hợp và thiếu nguồn vốn để đầu tư. Về vấn đề tiếp cận công nghệ, ông Tony Wheeler cho rằng, hiện nay trên thế giới có rất nhiều công nghệ mới ra đời. Vì vậy, các đối tượng muốn sở hữu công nghệ mới cần phải có chiến lược trong việc nghiên cứu kỹ thông tin, nhu cầu điều kiện thực tế.
Ông Tony Wheeler đề xuất: “Để tiếp cận các công nghệ, DN, Startup cần kết nối với các đối tác đang sở hữu công nghệ thông qua các sự kiện, diễn đàn. Sự kết nối còn góp phần hiệu quả trong việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại địa phương, tăng tốc quá trình khởi nghiệp; nông dân và doanh nhân nắm bắt được công nghệ tốt hơn”.
Vấn đề quan trọng hơn đối với DN, các Startup chính là nguồn vốn đầu tư các công nghệ. Theo ông Tony Wheeler, Đồng Tháp cũng có thể tham khảo giải pháp về đầu tư nguồn vốn của Úc thông qua việc tổng hợp nhiều nguồn lực từ cộng đồng DN lớn, Chính phủ, địa phương và các bạn trẻ khởi nghiệp... trên tinh thần tất cả đều có lợi.
Trong khuôn khổ diễn đàn, nhiều DN đến từ TP.HCM giới thiệu các công nghệ cao áp dụng vào sản xuất như: MET - ứng dụng công nghệ xử lý nước thân thiện với môi trường; hệ thống cảm biến Farm Tech; mô hình nhà trồng nấm tự động ứng dụng IoT... Nắm bắt trước nhu cầu ứng dụng công nghệ vào canh tác, nhiều Startup đã mạnh dạn trao đổi, chia sẻ thông tin với các đối tác. Đơn cử như cô Hồ Thị Kim Gương – Chủ cơ sở sản xuất gạo Đồng An đã tìm hiểu thông tin từ đối tác dự án MET - ứng dụng công nghệ xử lý nước thân thiện với môi trường nhằm xử lý loại bỏ kim loại trong nước nhằm giúp gạo đạt chất lượng hữu cơ, truy xuất nguồn gốc hướng đến xuất khẩu.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương cho rằng, thực tế khởi nghiệp là cực kỳ khó khăn, khó gấp cả 100 lần so với lý thuyết. Vì vậy chỉ có đam mê và lòng quyết tâm mới có thể giúp các Startup vượt qua và đi đến thành công. Và lãnh đạo tỉnh sẽ luôn đồng hành cùng các bạn khởi nghiệp.
Y DU