Các địa phương đầu nguồn xả lũ đón phù sa

Cập nhật ngày: 24/08/2018 14:24:22

http://baodongthap.com.vn/database/video/20180824022755XA LU DON PHU SA - THI.mp3

ĐTO - Năm nay, nước lũ từ thượng nguồn về sớm, ít nhiều gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp do người dân chưa kịp thu hoạch lúa, hoa màu. Tuy nhiên, nước lũ tràn đồng mang theo lượng phù sa màu mỡ, nhiều địa phương đã xả lũ đón phù sa.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn tỉnh, mực nước cao nhất tháng 7/2018 tại Tân Châu dao động khoảng 3,02m, cao hơn cùng kỳ khoảng 0,4m. Dự báo đỉnh lũ cao nhất tại Tân Châu, Hồng Ngự, Tháp Mười ở mức báo động 2 đến báo động 3, xuất hiện vào nửa đầu tháng 10 tại Tân Châu ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Nước tràn đồng là cơ hội lấy phù sa, vệ sinh đồng ruộng, cải tạo độ pH của đất, chuẩn bị cho vụ đông xuân năm sau bội thu.


Thời điểm hiện tại, nông dân đã thu hoạch dứt điểm và cho nước vào ruộng lấy phù sa

Tại TX.Hồng Ngự, tận dụng lợi thế nước lũ về sớm và cao hơn trung bình nhiều năm nên địa phương chủ trương xả lũ 100% diện tích để bồi đắp phù sa cho đất.

Ông Nguyễn Huấn - Phó trưởng Phòng Kinh tế TX.Hồng Ngự cho hay, qua việc nắm tình hình 3 khu đê bao xả lũ trong năm 2017, nông dân đồng tình cao nên năm nay chủ trương của huyện sẽ xả lũ toàn bộ 8.300ha tại 4 khu ô bao 1,2,3,4 (thêm khu đê bao xã Tân Hội và An Bình B do năm 2017 không xả lũ). Thời điểm hiện tại, nông dân đã thu hoạch dứt điểm và cho nước vào ruộng lấy phù sa.

Ông Phạm Phước Nhơn - Phó Chủ tịch UBND xã An Bình B cho biết, chủ trương của địa phương là năm nay sẽ xả lũ toàn bộ diện tích 1.596ha, tuy nhiên tại khu ô bao số 1 có hơn 50ha đất trồng cây ăn trái nằm trong quy hoạch, do đó địa phương sẽ xả lũ có kiểm soát, sao cho đảm bảo hài hòa giữa việc lấy phù sa cho lúa và đảm bảo an toàn cho vườn cây ăn trái.

Còn tại huyện Hồng Ngự, người dân cũng náo nức ngóng lũ đón phù sa. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng Nhung - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hồng Ngự, năm nay, địa phương không xả lũ vì chủ trương 3 năm xả lũ một lần đối với đê bao sản xuất lúa 3 vụ.

Chú Trương Văn Nghĩa có hơn 1ha sản xuất lúa tại xã Thường Phước 1 cho biết, năm rồi, nhờ xả lũ bà con ở đây sản xuất lúa vụ đông xuân đều rất trúng mùa, lúa ít sâu bệnh, giảm chi phí và năng suất rất cao. Năm nay nước lớn, bà con cũng mong tiếp tục được xả lũ nhận phù sa cho đất, tuy nhiên theo chủ trương của huyện năm nay địa phương không xả lũ.

Cũng như chú Nghĩa, anh Trần Văn Hùng ngụ cùng xã Thường Phước 1 cho hay, nếu năm nay địa phương không xả lũ thì nhiều người dân cũng không mạnh dạn sạ lại, bởi vụ này chuột nhiều và không có năng suất.

Ông Lê Văn Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Đồng Tháp cho biết, tùy theo tình hình từng địa phương sẽ có kế hoạch vận động nhân dân xả lũ phù hợp. Tuy nhiên, chủ trương của tỉnh là vẫn khuyến cáo các địa phương đối với những diện tích đã thu hoạch xong thì không xuống giống và đưa phù sa vào bồi dưỡng cho đất. Theo kế hoạch, năm 2018, UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo thực hiện xả lũ vào đồng ruộng với diện tích hơn 81.000ha lấy phù sa, thời gian thực hiện từ tháng 8/2018 đến tháng 10/2018.

Ngoài việc xả lũ lấy phù sa cho đồng ruộng, người dân còn tận dụng mùa nước lũ làm kinh tế tăng thu nhập, cải thiện đời sống trong mùa lũ, đảm bảo thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu đang là mục tiêu được tỉnh chú trọng và quan tâm. Vì vậy, địa phương đã triển khai nhiều mô hình sinh kế bền vững gắn với mùa lũ như: mô hình trồng lúa mùa nổi, mô hình lúa - tôm, lúa - cá, lúa - sen, bước đầu đã mang lại hiệu quả.

Thảo Vy

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn