Sao Mai trên thiên đường xanh ngập nước

Cập nhật ngày: 24/08/2018 08:41:47

Đầu năm 2018, UBND tỉnh An Giang có chủ trương chấp thuận cho Công ty Cổ phần Du lịch An Giang (thành viên thứ 16 của Sao Mai Group) thuê 160ha rừng tràm Trà Sư để khai thác du lịch sinh thái. Sao Mai group, tập đoàn kinh tế đa ngành trong khu vực, đã khẳng định tầm ảnh hưởng của mình trong chiến lược “lấn sân” sang lĩnh vực du lịch – nghỉ dưỡng khi xốc dậy một An Giang Tourimex chìm trong lỗ lã triền miên lên nấc thang của đẳng cấp mới với sự lợi nhuận xuất hiện trở lại sau hàng thập kỷ lao dốc. Mũi tên đi lên đầu tiên chỉ sau 1 thời gian rất ngắn ngay sau khi giữ vị trí chi phối. Sao Mai đã ghi điểm trọn vẹn và củng cố niềm tin cho hàng trăm cán bộ, công nhân viên của Công ty du lịch An Giang!


Trà Sư - Khu sinh quyển ngập nước, rừng quốc gia hoang sơ nổi tiếng đồng bằng sông Cửu Long

Thiên đường xanh giữa đồng bằng

Được thiên nhiên đặc biệt ưu đãi với hơn 850ha rừng tràm xanh mướt, quần tụ khoảng 140 loại thực vật, 11 loài thú, 23 loài cá và 70 loài chim, trong đó rất nhiều loài quý hiếm đã được đưa vào Sách đỏ, Trà Sư đã được quy hoạch trở thành điểm du lịch kết hợp bảo tồn các loài động thực vật quí hiếm. Nơi đây là khu sinh quyển ngập nước, rừng quốc gia hoang sơ nổi tiếng nhất đồng bằng sông Cửu Long.

Rừng Trà Sư đẹp nhất vào mùa nước nổi từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm. Khi đó du khách sẽ được ngồi trên xuồng ba lá, tắc ráng đi trên những “con đường màu xanh quanh co” len lỏi vào sâu trong rừng, chiêm ngưỡng những kỳ thú của các loại động vật, loài chim trú ngụ và tạo dáng chào gọi con người. Đây chính là vùng lõi trung tâm đẹp nhất của rừng tràm Trà Sư, nơi bạn chỉ cần thò tay là chạm được làn nước mát lạnh và xanh mướt bèo tây.

Từ lâu, Trà Sư là nguồn cảm hứng bất tận cho các văn nghệ sĩ sáng tác những kiệt tác văn học. Mặc dù thiên nhiên ưu đãi là vậy, nhưng làm thế nào để đưa Trà Sư trở thành một “thiên đường” nơi hạ giới, thu hút và giữ chân du khách khắp nơi là sự thôi thúc và niềm khát vọng vô bờ của các cấp lãnh đạo tỉnh An Giang trong nhiều thế hệ. Do vậy, chủ trương chấp thuận cho thành viên của Sao Mai Group thuê 160/850ha rừng tràm Trà Sư khai thác du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng là một quyết định hoàn toàn thông minh, nhạy bén và đúng đắn thể hiện được quyết tâm mãnh liệt của lãnh đạo địa phương để vực dậy một tiềm năng đang bị bỏ ngỏ.

Vừng ơi mở cửa ra!

Không thể để thiên đường Trà Sư bị bủa vây bởi sự nhếch nhách, nghèo nàn về dịch vụ và đời sống của cư dân quá khó khăn. Tất cả như một sự lệch pha đến nao lòng giữa mệnh danh “nội khu và ngoại khu cõi bồng lai”. Xóa bỏ độ vênh đối nghịch đó, các chuyên gia của Sao Mai Group đã nhanh chóng xúc tiến cho công tác bản lề “Qui hoạch dự án bảo tồn thiên đường xanh Trà Sư” bằng những ý tưởng hết sức nhân văn thể hiện tầm nhìn và khát vọng kiến tạo những giá trị nổi bật. Ngoài giải pháp giữ gìn, tôn tạo tuyệt tác của thiên nhiên ban tặng thì Sao Mai phải “làm giàu” cho tài nguyên Trà Sư bằng cách làm hết sức khoa học, phù hợp với hành trang hiện hữu của cảnh vật và con người nơi đây. Định nghĩa mới về Trà Sư không chỉ là mái nhà chung của những loài động thực vật thiên phú mà còn là nơi tập hợp những cái nhất của vùng Bảy Núi tâm linh đầy mê hoặc với viễn cảnh của bức tranh tương lai như: Con trâu bé nhất, con bò nhỏ nhất, con rắn to nhất..., đến những người lùn nhất chăm sóc những con vật kiểng to nhất. Những cái đối nghịch “nhất” sẽ kết hợp tạo thành những nét độc đáo và thú vị chỉ có ở Trà Sư – nơi Sao Mai Group sẽ đầu tư chuyên nghiệp.

Thiên nhiên khó có thể giàu lên khi thiếu bàn tay vun vén của con người. Thiên đường không thể tồn tại đúng nghĩa khi chỉ có vỏn vẹn 160ha mặt nước và tràm. Thiên đường còn phải có những nấc thang mà mỗi nấc thang là một hạng mục công trình đạt độ thẩm mỹ phục vụ cho nhu cầu ăn – nghỉ và thư giãn trước khi du khách đặt chân đến thiên đường Trà Sư. Mặt khác, nấc thang đó còn làm thay đổi đời sống của người dân vùng ven.

Dự án “Sao Mai trên thiên đường xanh ngập nước” đã nằm trên bàn của lãnh đạo tỉnh, và đã từng trở thành đề tài thảo luận sôi nổi trong các cuộc họp của các sở, ngành. Và tất nhiên, Sao Mai đã thuyết phục được “Hội đồng” các cấp bằng sự chuyên nghiệp minh bạch và khoa học để phù hợp với “thực đơn” của du khách thập phương trong tương lai, dẫu tất cả chỉ còn trong tưởng tượng. Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang đã từng có văn bản phản bác dự án đầu tư này, nhưng cuối cùng cũng đã nhập cuộc cùng “gật đầu” bằng sự vận dụng sáng tạo để tháo gỡ cho nhà đầu tư tiềm năng, để rồi đồng thuận với các ngành “mở lòng” cho ý tưởng phát triển Trà Sư trở thành “đệ nhất khu sinh quyển” ngay trên vùng núi xen giữa đồng bằng.

“Vừng ơi! Mở cửa ra” đã giúp cho Sao Mai Group có thêm động lực để tăng tốc xây dựng Trà Sư trở thành thiên đường giữa đời thực. “Sao Mai trên thiên đường xanh ngập nước” sẽ được bấm nút khi có sự vào cuộc rốt ráo của cả hệ thống chính trị địa phương. Cải cách thủ tục hành chính đã được các cấp lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành chứng minh bằng sự đồng hành, quan tâm giúp doanh nghiệp qua từng nút thắt được tháo gỡ. Dẫu tất cả còn trong “hộp đen” của nhà đầu tư, nhưng Tịnh Biên - An Giang là một “nàng tiên đang ngủ say” nhanh chóng thức dậy để cùng các địa danh nổi tiếng trong toàn quốc dựng xây quê hương giàu đẹp hơn.

Thanh Hoài

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn