Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 22.628 tỷ đồng

Cập nhật ngày: 05/06/2024 13:13:09

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240605011355dt2-4.mp3

 

ĐTO - Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), 6 tháng đầu năm, ước giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt 22.628 tỷ đồng, tăng 3,2% so với cùng kỳ (tương ứng tăng 391 tỷ đồng), bằng 100,5% kế hoạch 6 tháng đầu năm và chiếm 44,3% kế hoạch năm 2024.


Hợp tác xã Nông nghiệp số tỉnh Đồng Tháp giới thiệu đến người dân thiết bị bay không người lái phục vụ sản xuất nông nghiệp tại Ngày hội “Hội quán Đất Sen hồng” lần I năm 2023

Theo đó, đối với ngành hàng lúa gạo, giá trị sản xuất lúa ước đạt hơn 6.800 tỷ đồng, giảm gần 0,6% so với cùng kỳ, bằng 101,5% kế hoạch 6 tháng đầu năm 2024 và chiếm 43% kế hoạch năm 2024. Diện tích trồng xoài đạt 14.754ha, tăng 5,3% so cùng kỳ (tương ứng tăng 736ha), bằng 98,4% so với kế hoạch 6 tháng đầu năm 2024 và chiếm 98,4% so với kế hoạch năm. Ngành hàng sen có diện tích gieo trồng ước đạt 486ha, giảm 29,6% so với cùng kỳ, bằng 72% kế hoạch 6 tháng và chiếm 24% kế hoạch năm.

Giá trị sản xuất ngành hàng hoa kiểng ước đạt hơn 2.500 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ (tương ứng tăng 204 tỷ đồng), bằng 100% kế hoạch 6 tháng và chiếm 37,3% kế hoạch năm. Diện tích gieo trồng hoa kiểng ước đạt 1.501ha, giảm 10% so với cùng kỳ, bằng 62,2% kế hoạch 6 tháng và chiếm 33,1% kế hoạch năm.

Tổng diện tích thả nuôi cá tra đạt 1.950ha, tăng 6,33% so với cùng kỳ (tương ứng tăng 116ha), bằng 103,17% kế hoạch 6 tháng và chiếm 74,14% so kế hoạch năm. Sản lượng ước đạt 220.000 tấn, tăng 10% so với cùng kỳ (tương ứng tăng 20.000 tấn), bằng 107,32% kế hoạch 6 tháng và chiếm 40,74% kế hoạch năm. Toàn tỉnh hiện có 375 cơ sở nuôi cá tra được cấp mã số nhận diện với diện tích 1.626ha mặt nước.

Trong 6 tháng đầu năm, thành lập mới 4/7 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, đạt 57,1% so với chỉ tiêu kế hoạch năm 2024. Đến nay, toàn tỉnh có 199 HTX nông nghiệp, tăng 9 HTX so với cùng kỳ năm 2023 và có 35 HTX nông nghiệp được thành lập từ 35 mô hình hội quán. Toàn tỉnh có 148 hội quán ở 12 huyện, thành phố với 7.624 thành viên, tăng 6 hội quán so với cùng kỳ năm 2023. Hoạt động của hội quán đa dạng các loại hình như: sản xuất cây ăn trái, lúa, rau màu, hoa kiểng, nuôi cá tra, cá lồng bè, lươn thịt, sản xuất khô mắm, kinh doanh đa ngành nghề, du lịch và sản xuất bột...

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, đến nay, toàn tỉnh có 115/115 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), đạt 100% và 38 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đạt 33,04%. Đến nay, toàn tỉnh có 5 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM, trong đó, huyện Tháp Mười, huyện Cao Lãnh đạt chuẩn NTM; 3 thành phố: Hồng Ngự, Sa Đéc, Cao Lãnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Đối với Đề án Chuyển đổi số ngành nông nghiệp, có 5/12 chỉ tiêu đạt và vượt. Theo đó, đối với chính quyền số, có 100% cơ sở dữ liệu thuộc lĩnh vực ngành nông nghiệp quản lý (từ tuyến tỉnh, huyện, xã) được số hóa và cung cấp dữ liệu mở phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội; 100% văn bản được trao đổi qua môi trường mạng dưới dạng văn bản điện tử, được ký số bởi chữ ký số chuyên dùng.

Đối với kinh tế số, hoàn thành cơ sở dữ liệu về sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn theo các cấp quản lý. Phát triển hệ sinh thái nông nghiệp số tích hợp hệ thống cơ sở dữ liệu số ngành nông nghiệp đồng bộ từ cấp tỉnh, huyện, xã (thông qua phát triển hệ thống phần mềm, ứng dụng thiết bị thông minh) giúp quản lý nông nghiệp số và phát triển kinh tế nông nghiệp số, sẵn sàng tích hợp vào hệ thống dữ liệu của tỉnh và quốc gia. Đồng thời, có 14,8% hội quán, 17,2% HTX có ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc, có hoạt động thương mại điện tử thông qua Tổ Công nghệ số cộng đồng.

Bên cạnh đó, xây dựng mô hình ứng dụng đồng bộ công nghệ số và thiết bị giám sát IoT, viễn thám giúp thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn của ngành thông qua nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp ở lĩnh vực thủy lợi, giám sát côn trùng thông minh.

Trên tinh thần những kết quả đạt được cùng những dự báo thuận lợi, khó khăn, ngành nông nghiệp đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. Đối với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp sẽ triển khai thực hiện Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Tham mưu Đề án xây dựng tỉnh Đồng Tháp trở thành tỉnh tiên phong, kiểu mẫu về “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”. Đồng thời triển khai nhân rộng các mô hình, Dự án nông nghiệp tiên tiến, chuyển đổi số trong nông nghiệp hướng tới nền nông nghiệp xanh, phát thải cac-bon thấp thân thiện với môi trường, nền nông nghiệp đầu tư có trách nhiệm, minh bạch...

Đối với Chương trình xây dựng NTM, tập trung chỉ đạo kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện chương trình đối với các địa phương có đơn vị phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, huyện NTM năm 2024. Phối hợp các sở, ngành hỗ trợ, hướng dẫn các huyện: Tân Hồng, Tam Nông, Thanh Bình lập hồ sơ đề nghị huyện đạt chuẩn NTM năm 2024; Tháp Mười đạt chuẩn huyện NTM nâng cao năm 2024...

Thực hiện Đề án Chuyển đổi số ngành nông nghiệp, ngành nông nghiệp tiếp tục hoàn thiện tính năng khai thác dữ liệu, thông tin trên thiết bị di động của nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp tỉnh. Hoàn thiện các công cụ và phương tiện để người dân và doanh nghiệp có thể tương tác, truy xuất và sử dụng, phục vụ trong sản xuất, kinh doanh. Hỗ trợ HTX, tổ hợp tác, hội quán thông qua ứng dụng của nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp thực hiện ghi chép nhật ký canh tác, xây dựng mã số vùng trồng trên một số nông sản chủ lực...

Y Du

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn