Đồng Tháp

Hỗ trợ nông dân xây dựng “lai lịch minh bạch” cho nông sản xuất khẩu

Cập nhật ngày: 20/06/2019 06:49:46

ĐTO - Tháng 4 vừa qua, trái xoài Đồng Tháp chính thức được thị trường Hoa Kỳ mở cửa chào đón, trở thành niềm tự hào và nguồn động lực mạnh mẽ với nhiều nông dân tỉnh nhà. Tuy nhiên, không phải trái xoài nào ở địa phương cũng được doanh nghiệp tuyển chọn để xuất khẩu. Để có “tấm vé thông hành” vào các thị trường khó tính, đòi hỏi trái xoài không chỉ đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn có “hồ sơ lai lịch” rõ ràng.


Mã số vùng trồng là điều kiện cần để xoài Đồng Tháp xuất ngoại

Xây dựng “lai lịch minh bạch” cho cây ăn trái

Nhận thức rõ mã vùng trồng đóng vai trò then chốt để nông sản đủ điều kiện xuất ngoại, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh nhà có nhiều hỗ trợ cho nông dân trên địa bàn tỉnh thay đổi kỹ thuật sản xuất, đáp ứng những tiêu chí để được cấp mã vùng trồng.

Ông Lê Văn Tâm - Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Đồng Tháp cho biết, thời gian qua, Hội Làm vườn tỉnh phối hợp cùng với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh tiến hành vận động, tập huấn kỹ thuật cho nhiều nhà vườn về các kiến thức sản xuất sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, có ghi chép nhật ký và tiến tới xin cấp mã vùng trồng.

Hiện nay, đối với cây xoài đã có 15 khu vực được cấp mã vùng sản xuất, với tổng diện tích gần 500ha, tập trung trên 3 giống xoài chính của tỉnh là: xoài Cao Lãnh, xoài cát chu và xoài tượng da xanh. Thời gian tới, Hội Làm vườn sẽ tiếp tục phối hợp với Chi cục TT&BVTV để mở rộng vùng nguyên liệu được cấp mã số vùng trồng. Bên cạnh đó, sẽ ưu tiên mở rộng cho nhiều loại cây ăn trái khác có thế mạnh như: cây nhãn, cam, quýt và thanh long...

Theo ông Lê Văn Chấn - Chi cục phó Chi cục TT&BVTV tỉnh Đồng Tháp, mã số vùng trồng là một trong những yếu tố quan trọng giúp cây ăn trái được xuất khẩu. Để được cấp một mã số vùng trồng, đòi hỏi vùng sản xuất phải có diện tích liền kề, ít nhất là từ 10ha trở lên. Mỗi khu vườn trong diện tích được cấp mã số phải được định vị tọa độ.

Ngoài ra, theo qui định của Cục Bảo vệ thực vật thì vùng trồng xin cấp mã số phải là vùng sản xuất tập trung, không có nhà dân hoặc chợ, không chăn thả gia súc, gia cầm. Vùng trồng xin cấp mã số phải trồng duy nhất 1 loại giống cây ăn trái, được sản xuất theo hướng VietGAP. Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân đăng ký xin cấp mã số phải có sổ sách để đảm bảo việc ghi chép đầy đủ mọi tác động lên cây trồng trong 1 vụ canh tác (đốn tỉa, chăm sóc, bón phân, phun thuốc,...).

Nếu vùng trồng gồm nhiều hộ gia đình thì mỗi hộ phải có một quyển sổ ghi chép riêng. Theo đó, người đại diện của vùng trồng phải có trách nhiệm tổng hợp thông tin từ sổ ghi chép của từng thành viên trong mã số và ghi lại vào sổ chính để trình cơ quan quản lý khi được yêu cầu. Quy định cũng yêu cầu phải có một khu vực riêng để tập kết và tiêu hủy bao bì, chai lọ, túi ni lon thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, các loại giấy rác của cả vùng trồng. Đồng thời, vùng trồng trái cây xuất khẩu phải sử dụng 1 bộ thuốc bảo vệ thực vật (thuốc trừ bệnh, trừ sâu và thuốc cỏ) đảm bảo không chứa các hoạt chất hóa học mà nước nhập khẩu cấm sử dụng.

Nông dân và doanh nghiệp đều quan tâm xây dựng mã vùng trồng

Là một trong những doanh nghiệp (DN) lớn hoạt động trong lĩnh vực thu mua kinh doanh xoài xuất khẩu tại TP.Cao Lãnh, bà Đinh Thị Kim Nhung - Giám đốc Công ty TNHH Kim Nhung hiểu rất rõ về tầm quan trọng của mã số vùng trồng. Thời gian qua, DN này phối hợp với nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) trong việc xây dựng và xin cấp mã số vùng trồng trên cây xoài để phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Đinh Thị Kim Nhung cho biết, để có được vùng nguyên liệu ổn định phục vụ thị trường xuất khẩu, thời gian qua, DN cùng nông dân bắt tay vào thực hiện vấn đề này từ rất sớm. Bởi thông qua mã vùng trồng này, đối tác có thể kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ của lô hàng mà DN mình cung cấp. Tại từng thị trường khác nhau, ngoài mã vùng trồng sẽ có thêm nhiều quy định riêng biệt, tùy thuộc vào rào cản kỹ thuật mà quốc gia họ quy định. Đơn cử như đối với thao tác kiểm dịch thực vật, tại thị trường Mỹ, đối tác yêu cầu xoài phải được chiếu xạ nhưng thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản lại yêu cầu xử lý bằng hơi nước nóng.


Nhiều nhà vườn tại Đồng Tháp thay đổi tập quán sản xuất, từng bước đáp ứng các yêu cầu gắt gao của nhà nhập khẩu

Theo bà Nhung, xoài của Đồng Tháp hiện đang được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng. Ngoài các thị trường xuất khẩu truyền thống như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Singapore, các nước khu vực Trung Đông thì gần đây thị trường Mỹ và Nga lại tăng trưởng khá tốt. Riêng thị trường Mỹ, năm 2019 gần như tăng trưởng 100% kể từ khi Đồng Tháp được xuất lô xoài đầu tiền sang thị trường này. Đến nay, Công ty TNHH Kim Nhung đã cung cấp cho thị trường khó tính này gần 150 tấn xoài các loại.

Với những triển vọng về xuất khẩu hiện nay, nhiều nhà vườn và các HTX quan tâm nhiều hơn đến việc chủ động thay đổi tập quán sản xuất và nhờ sự hỗ trợ từ các ngành chức năng để được cấp chứng nhận mã số vùng trồng.

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Võ Quốc Việt - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Mỹ Tân, TP.Cao Lãnh cho rằng: “Nông sản xoài Đồng Tháp được nhiều quốc gia ưa chuộng nhưng để xuất khẩu được thì xoài phải sạch, chất lượng và trước tiên phải có lai lịch rõ ràng. Thị trường Trung Quốc vốn dĩ được xem là dễ tính nhất thì gần đây cũng đang có nhiều quy định gắt gao hơn trong việc nhập khẩu nông sản. Đây là nguyên nhân chính khiến cho HTX mạnh dạn đề xuất hỗ trợ xây dựng và cấp mã số vùng trồng cho 13ha xoài tượng da xanh của bà con xã viên”.

Mặc dù trái xoài đang có nhiều triển vọng trong xuất khẩu nhưng vẫn phải thẳng thắn nhìn nhận sản lượng xoài “xuất ngoại” của tỉnh vẫn còn khá khiêm tốn so với tổng sản lượng sản xuất tại địa phương. Việc đầu tư thêm nguồn lực, cơ sở hạ tầng khâu bảo quản sau thu hoạch và chế biến tại chỗ sẽ là những giải pháp hữu hiệu, giúp tăng giá trị cho trái xoài, giảm áp lực về tiêu thụ xoài tươi khi rơi vào những thời điểm thu hoạch chính vụ.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn