Hội thảo Công nghệ sau thu hoạch ngành hàng xoài khu vực đồng bằng sông Cửu Long
Cập nhật ngày: 20/06/2018 06:04:59
ĐTO - Ngày 19/6, UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Bộ NN&PTNT (Văn phòng Điều phối Trung ương Chương trình Mục tiêu Quốc gia Nông thôn mới, Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghiệp sau thu hoạch) và Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) tổ chức Hội thảo “Công nghệ sau thu hoạch ngành hàng xoài đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” lần đầu tiên tại Đồng Tháp.
Lễ ký kết bàn giao Trung tâm tiên tiến về công nghệ xoài sau thu hoạch của Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc Unido cho doanh nghiệp Kim Nhung
Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng ứng dụng công nghệ sau thu hoạch của ngành hàng xoài vùng ĐBSCL và chuyển giao Dự án xây dựng “Trung tâm tiên tiến” về thu hoạch, sơ chế, đóng gói, bảo quản và vận chuyển xoài từ Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tham dự hội thảo có đại diện các bộ, ngành TW, địa phương, các chuyên gia hàng đầu về công nghệ sau thu hoạch trong và ngoài nước đến từ Úc, Viện cây ăn quả, Trường Đại học Cần Thơ; các HTX/THT và các hội quán trên địa bàn tỉnh.
Đồng Tháp hiện có 9.200ha xoài, lớn nhất vùng ĐBSCL, sản lượng hàng năm ước khoảng 95.000 tấn. Ngành hàng này được chọn là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp.
Thời gian qua, tỉnh đã tập trung đầu tư nhiều nguồn lực cho ngành hàng xoài, từ hạ tầng kỹ thuật, hệ thống đê bao chống lũ, cải tạo giống, xử lý hoa rải vụ, áp dụng kỹ thuật bao trái đến sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP); công nghệ sau thu hoạch. Từ đó đã hình thành vùng nguyên liệu xoài tập trung, chủ yếu ở huyện Cao Lãnh và thành phố Cao Lãnh. Đặc biệt, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp chứng nhận nhãn hiệu “Xoài Cát Chu Cao Lãnh và Xoài Cao Lãnh” và việc xây dựng mã số vùng trồng cũng được quan tâm thực hiện.
Bộ NN&PTNT thông qua sự hỗ trợ UNIDO và Phân Viện công nghệ sau thu hoạch lần đầu tiên đã chuyển giao Dự án xây dựng “Trung tâm tiên tiến” về thu hoạch, sơ chế, đóng gói, bảo quản và vận chuyển xoài cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Kim Nhung, một doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu xoài ở Đồng Tháp.
Đóng góp những giải pháp phát triển ngành hàng xoài ở vùng ĐBSCL nói chung và tỉnh Đồng Tháp, nhiều chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, các địa phương cần tháo gỡ nút thắt về vấn đề bảo đảm công nghệ sau thu hoạch để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu.
Theo Tiến sĩ Võ Mai – Phó Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam, Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng là xứ sở sản xuất thức ăn vĩnh cửu cho con người nhưng vấn đề bảo quản sau thu hoạch hầu như còn rất yếu, đây lại là mấu chốt để nâng cao chất lượng nông sản, trong đó có xoài. Việc UNIDO đầu tư công nghệ sau thu hoạch tại Công ty Kim Nhung là một bước tiến mới để nâng cao giá trị ngành hàng xoài tại Đồng Tháp. Do vậy, các địa phương trong vùng cần tổ chức tham quan, đầu tư để không chỉ nâng cao giá trị ngành xoài mà cả các loại nông sản khác.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia, Peter Robert Johnson - Chuyên gia tư vấn công nghệ sơ chế, bảo quản xoài cho rằng, để đẩy mạnh xuất khẩu xoài, các nhà chuyên môn và nông dân cần tạo thuận lợi cho việc đăng ký sản phẩm mới để kiểm soát nấm bệnh; nghiên cứu thị trường để nắm được nhu cầu khách hàng; xây dựng tiêu chuẩn xuất khẩu; tiếp cận toàn bộ chuỗi, kỹ thuật canh tác, quản lý nấm bệnh, hệ thống nhà đóng gói, chuỗi lạnh, quản lý các biện pháp xử lý đảm bảo kiểm dịch thực vật....
Ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng, qua các ý kiến, tham luận, đánh giá tình hình sản xuất tiêu thụ, nhận diện được những thuận lợi khó khăn trong chuỗi ngành hàng xoài Đồng Tháp, nhất là về công nghệ sau thu hoạch thời gian qua. Ông Hùng đề nghị, thời gian tới, UNIDO tiếp tục hỗ trợ Đồng Tháp và các tỉnh ĐBSCL về công nghệ sau thu hoạch, chế biến phát triển ngành hàng xoài cũng như các loại cây ăn trái khác, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm và phát triển bền vững ngành hàng rau, củ, quả của ĐBSCL, giúp địa phương thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu nông nghiệp.
Thảo Vy