Hướng tới việc sản xuất rau, hoa màu theo tiêu chuẩn an toàn
Cập nhật ngày: 03/08/2019 06:04:04
ĐTO - Rau, hoa màu an toàn, chất lượng đang được người tiêu dùng quan tâm. Nắm bắt nhu cầu đó, tỉnh đã triển khai các mô hình sản xuất rau, hoa màu theo hướng an toàn trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, các mô hình này hiện vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả, còn nhiều khó khăn cần được tháo gỡ...
Nhiều mô hình canh tác rau thủy canh theo hướng hiện đại đáp ứng tốt nhu cầu người tiêu dùng
Vẫn còn khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh Đồng Tháp, hiện toàn tỉnh có 306ha đăng ký đủ điều kiện vùng nông sản sản xuất an toàn thực phẩm, trong đó rau, hoa màu chiếm gần 200ha. Với định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều mô hình trồng rau thủy canh trong nhà lưới tại TP.Cao Lãnh, huyện Tháp Mười, Thanh Bình, TX.Hồng Ngự hay mô hình trồng rau kết hợp nuôi cá Aquaponics tại huyện Lấp Vò...
Bên cạnh đó, tổ chức Seed To Table (Nhật Bản) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp thực hiện dự án trồng rau hữu cơ tại xã Mỹ Tân (TP.Cao Lãnh) với qui mô 1.000m2; xây dựng mô hình rau hữu cơ tại Trường THPT chuyên Nguyễn Quang Diêu (TP.Cao Lãnh) với qui mô 800m2... góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng.
Thời gian qua, mặc dù chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm của các loại rau, hoa màu được nâng lên đáng kể nhưng trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ rau vẫn còn rất nhiều bất cập cần được tháo gỡ. Qua khảo sát của các ngành chuyên môn, tâm lý chung của nông dân hiện nay là sử dụng rất nhiều phân hóa học trong sản xuất rau, hoa màu để phòng ngừa sâu, dịch hại. Theo ước tính, có đến 50% lượng phân bón sử dụng trên rau, hoa màu bị bay hơi, rửa trôi, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí, đất và nước.
Trong mỗi vụ sản xuất rau, hoa màu trên địa bàn tỉnh, vẫn còn đến 37,6% hộ nông dân tăng nồng độ sử dụng phân, thuốc so với khuyến cáo, 31,4% hộ phun thuốc khi sâu bệnh gây hại còn ở mức độ thấp, 59,2% hộ phun thuốc định kỳ không theo kết quả điều tra phân tích hệ sinh thái đồng ruộng. Ngoài ra, có 27% hộ sử dụng thuốc không đăng ký phòng trừ dịch hại trên rau, trong đó có một số loại thuốc thuộc danh mục hạn chế sử dụng như: Lannate 40SP, Demon 50EC...
Từ năm 2014 - 2018, trên địa bàn tỉnh, lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nông dân sử dụng để phòng trừ sâu bệnh trên rau, hoa màu tăng từ 844 tấn/năm (năm 2014) đến 1.600 tấn/năm (năm 2017) và đến năm 2018 còn 1.400 tấn/năm. Về chủng loại sử dụng trên rau màu có khoảng hơn 90 hoạt chất. Điều này cho thấy, qua từng năm càng có thêm nhiều thương hiệu, nhãn hiệu phân bón hóa học ra đời.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Phượng - Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao Đồng Tháp: “Thực trạng hiện nay cho thấy, nông dân vẫn còn hạn chế về kiến thức sử dụng thuốc BVTV. Khi hiện nay danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng quá nhiều với nhiều hoạt chất và thương hiệu thương mại khác nhau, rất dễ dẫn đến tình trạng lạm dụng thuốc BVTV, tăng chi phí sản xuất và nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Ngoài ra, việc xả thải chất rắn từ bao bì, chai lọ thuốc BVTV cũng gây tác động xấu đến môi trường đất và nước...”.
Mặt khác, do thị trường tiêu thụ rau, màu chưa ổn định, khả năng cạnh tranh của sản phẩm còn thấp được xem là những vấn đề mà người trồng rau, hoa màu quan tâm. Theo thống kê, hiện nay, chỉ có khoảng 10 - 20% sản lượng rau, hoa màu an toàn được các doanh nghiệp (DN), siêu thị hợp đồng thu mua. Số còn lại được bán cho các chủ vựa, tiểu thương chợ đầu mối đưa đi tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, số lượng hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) sản xuất rau, hoa màu an toàn được cấp giấy chứng nhận VietGAP còn quá ít so với diện tích sản xuất hiện có...
Hợp tác xã Sản xuất - Tiêu thụ rau an toàn xã Long Thuận đầu tư cơ sở hạ tầng để sản xuất rau, hoa màu theo hướng an toàn
Giải pháp phát triển rau, màu an toàn
Để giải quyết những thực trạng trên, việc xây dựng kế hoạch vùng sản xuất rau, hoa màu an toàn trên địa bàn tỉnh là nhu cầu hết sức cần thiết. Qua đó, nhằm tổ chức và quản lý trong sản xuất rau, hoa màu an toàn đảm bảo theo đúng quy định, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ và nâng cao giá trị nông sản.
Theo Chi cục TT&BVTV tỉnh, để nâng cao hiệu quả sản xuất, trước tiên ngành nông nghiệp sẽ rà soát nhu cầu sử dụng và quy hoạch vành đai thực phẩm cung cấp cho thị trường trong tỉnh. Sau đó, mở rộng quan hệ hợp tác sang các tỉnh, thành lân cận và hướng tới hợp đồng xuất khẩu.
Là người đang theo đuổi mô hình trồng hoa màu theo hướng an toàn, ông Mai Phúc Dẫn - thành viên Nhân Tâm Hội quán (TP.Cao Lãnh) cho rằng: “Để phòng, trừ dịch hại và bảo vệ cây trồng thì việc sử dụng thuốc BVTV vẫn là một biện pháp quan trọng và chủ yếu. Thuốc tác dụng nhanh hạn chế sự phát triển của sâu bệnh, ngăn chặn và dập tắt các đợt dịch bệnh trên phạm vi lớn, bảo đảm được năng suất cây trồng. Tuy nhiên, việc lạm dụng nhiều phân bón hóa học đã làm ảnh hưởng tới sức khỏe không riêng người tiêu dùng mà còn cả người sản xuất. Vì vậy, bản thân rất cần được hỗ trợ từ các nhà khoa học về quy trình canh tác để có sự đầu tư phù hợp trong sản xuất hoa màu theo hướng an toàn”.
Theo ông Dương Minh Sang - Giám đốc HTX Sản xuất - Tiêu thụ rau an toàn, xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự, hiện HTX có 160ha canh tác rau, hoa màu an toàn, trong đó có gần 20ha đạt chuẩn VietGAP. Thời gian qua, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, đơn vị luôn chú trọng đảm bảo các khâu từ giống đến thành phẩm theo đúng tiêu chuẩn đã ký kết với đối tác. Khi tham gia vào HTX, người dân có ý thức hơn về việc sản xuất của mình, biết cân đối sản lượng rau đầu ra, đảm bảo sản phẩm rau sạch, chất lượng khi bán ra thị trường.
Người tiêu dùng lựa chọn mặt hàng rau, củ, quả tại các kênh phân phối siêu thị
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng phối hợp với các địa phương khuyến khích nông dân sản xuất và DN thu mua rau, hoa màu theo mô hình VietGAP. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, các ngành hữu quan sẽ giám sát dư lượng, chất lượng rau, hoa màu an toàn, định kỳ và đột xuất lấy mẫu sản phẩm để phân tích.
Ông Trần Thanh Tâm - Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV tỉnh cho biết: “Để thực hiện hiệu quả các mô hình canh tác rau màu an toàn, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tập trung xây dựng và phổ biến các mô hình hiệu quả đến các vùng sản xuất chuyên canh rau màu. Trong đó, xây dựng kế hoạch hằng năm để chứng nhận thêm các vùng đủ điều kiện sản xuất an toàn thực phẩm và từng bước hỗ trợ nông dân, HTX, THT đăng ký mã số vùng trồng để thuận lợi phục vụ cho xuất khẩu”.
Theo ông Lê Minh Hùng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất rau, hoa màu an toàn, thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp với các ngành liên quan tập huấn chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới đến nông dân. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra an toàn thực phẩm để người sản xuất có trách nhiệm đối với sản phẩm mình làm ra nhằm xây dựng lòng tin đến người tiêu dùng. Ngoài ra, đơn vị cũng sẽ hỗ trợ quảng bá, kết nối với các DN, siêu thị, bếp ăn tập thể để có đầu ra ổn định, giúp nông dân trồng rau, màu an tâm sản xuất.
Khánh Phan