Huyện Hồng Ngự tổ chức lại sản xuất các ngành hàng thế mạnh

Cập nhật ngày: 03/11/2019 06:09:58

ĐTO - Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Hồng Ngự định hướng phát triển các ngành hàng chủ lực dựa vào đặc điểm, thế mạnh của từng vùng. Qua 5 năm thực hiện, các ngành hàng: lúa gạo, hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày, cá tra giống, bò, vịt của địa phương từng bước phát triển...


Áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nhằm giảm giá thành sản phẩm

Huyện Hồng Ngự đẩy mạnh tổ chức lại sản xuất các ngành hàng theo hướng giảm giá thành, từng bước sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, gắn sản xuất với liên kết tiêu thụ, áp dụng các tiến bộ khoa học và kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, giá trị nông sản.

Thực hiện tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo, địa phương tập trung vào công tác tổ chức lại sản xuất, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào canh tác nhằm giảm giá thành, nâng cao chất lượng hạt gạo. Ngoài ra, huyện duy trì và nhân rộng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chiều sâu, nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng. Từ năm 2016 đến tháng 6/2019, tổng diện tích liên kết tiêu thụ lúa với doanh nghiệp là 10.300ha. Mô hình này giúp nông dân tăng thêm lợi nhuận bình quân từ 3-4 triệu đồng/ha/vụ so với sản xuất truyền thống. Bên cạnh đó, huyện còn quan tâm phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến. Cụ thể là mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với diện tích 43ha được duy trì thực hiện. Hàng năm, mô hình cung cấp gạo an toàn cho thị trường bình quân 160 - 240 tấn.

Thực hiện Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT), trên địa bàn huyện có 5 hợp tác xã tham gia thực hiện. Theo đó, dự án giúp nông dân giảm được lượng giống lúa gieo sạ, số lần phun thuốc bảo vệ thực vật, lượng phân bón sử dụng giảm 20 - 30% so với các hộ sản xuất theo truyền thống. Vì vậy, lợi nhuận bình quân tăng thêm từ 2 - 3 triệu đồng/ha/vụ.

Hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày và cây ăn trái là ngành hàng thế mạnh của địa phương. Diện tích sản xuất hoa màu hàng năm của huyện bình quân 1.500ha (mè, bắp...). Hàng năm, huyện quan tâm triển khai thực hiện nhiều mô hình trình diễn sản xuất mè, bắp mang lại hiệu quả thiết thực khi vừa cải tạo đất vừa tăng hiệu quả kinh tế. Theo thống kê, lợi nhuận bình quân từ mô hình mang lại đạt từ 13- 20 triệu đồng/ha, cao hơn ngoài mô hình từ 2-5 triệu đồng/ha.

Hướng đến sản xuất bền vững ngành hàng rau an toàn, huyện triển khai mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với liên kết tiêu thụ. Phát huy hiệu quả các mô hình đó, đến nay, huyện hình thành được mô hình sản xuất rau an toàn trong nhà lưới với diện tích 16.000m2, sản xuất rau an toàn trong nhà màng 2.200m2. Điểm đặc biệt của mô hình này là số lần phun thuốc bảo vệ thực vật rất thấp dẫn đến giá thành sản xuất giảm, đáp ứng nhu cầu thị trường nên đầu ra ổn định. Lợi nhuận bình quân từ mô hình mang lại khoảng 8 triệu đồng/1.000m2/vụ, cao hơn các hộ sản xuất bình thường 3-4 triệu đồng/vụ. Tiếp tục khai thác tiềm năng ngành hàng này trong thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai các mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới tại các địa phương có tiềm năng phát triển.

Điểm đáng chú ý đối với ngành hàng này chính là mô hình trồng dưa lưới sử dụng công nghệ cao với diện tích 800m2, dự kiến mở rộng thêm 1.000m2. Đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, thân thiện với môi trường, an toàn cho người sản xuất và người tiêu dùng, lợi nhuận bình quân 30 triệu đồng/1.000m2/vụ. Chính những điểm ưu việt trên mà sản phẩm được bao tiêu và có mặt tại các siêu thị trong và ngoài tỉnh.

Ngành hàng cá tra giống của địa phương đang phát triển mạnh. Theo thống kê, toàn huyện có 890 cơ sở ương nuôi cá tra giống, hàng năm cung cấp ra thị trường hơn 17 tỷ con cá tra bột. Nhằm nâng cao chất lượng con giống để đáp ứng nhu cầu trị trường, năm 2015, địa phương triển khai mô hình cá tra giống theo chuẩn BMP (thực hành nuôi tốt hơn) cung cấp cho người nuôi con giống chất lượng với diện tích 1ha/6 triệu con bột/1 hộ nuôi tại xã Phú Thuận B. Mô hình sản xuất ra con giống tốt giảm chi phí, giảm dịch bệnh, giảm ô nhiễm môi trường và cho lợi nhuận cao so với bên ngoài.

Đối với ngành hàng bò sinh sản và bò vỗ béo, tổng đàn bò trên địa bàn huyện được duy trì và phát triển hàng năm đạt trên 7.000 con. Hiện trên địa bàn huyện có 6 Tổ chăn nuôi bò chủ yếu hoạt động hỗ trợ nhau mua bán con giống, về kỹ thuật chăn nuôi, thị trường liên kết và tiêu thụ.

Riêng ngành hàng vịt, đến nay tổng đàn vịt trên địa bàn huyện được duy trì và phát triển đạt trên 300.000 con. Trong đó, vịt đang trong giai đoạn đẻ trứng 150.800 con (chạy đồng) với số lượng bình quân 120.650 trứng/đêm, giá bán dao động từ 1.500 - 2.000 đồng/trứng. Hàng năm, UBND huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các hộ chăn nuôi vịt đảm bảo sản xuất đúng quy trình ngành thú y, tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm hàng năm đạt từ 97% trở lên...

Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn