Kết nối doanh nghiệp Đồng Tháp với thị trường Campuchia

Cập nhật ngày: 20/01/2020 09:11:10

Trong chuyến công tác tại Vương quốc Campuchia vào ngày 16/1/2020, Đoàn đại biểu tỉnh Đồng Tháp gồm lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh và doanh nghiệp có buổi gặp gỡ Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia (VBCC). Cuộc gặp gỡ đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp 2 bên trong việc xuất nhập khẩu hàng hóa, nông sản thời gian tới.

Lĩnh vực thương mại giữa Việt Nam và Campuchia thời gian qua đã có bước phát triển mạnh mẽ. Năm 2019, kim ngạch thương mại hai nước đạt 5,2 tỷ USD, vượt chỉ tiêu và đạt mục tiêu 5 tỷ USD sớm hơn thời hạn 1 năm do Thủ tướng hai nước đưa ra.

Đáng chú ý, vào tháng 2/2019, thừa ủy quyền của Chính phủ hai nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Thương mại Campuchia Pan Sorasak đã ký Bản Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam - Campuchia giai đoạn 2019 - 2020 dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Campuchia Hun Sen.

Hai bên cam kết dành cho nhau những ưu đãi về thuế suất thuế nhập khẩu 0% đối với các mặt hàng có xuất xứ từ Việt Nam và Campuchia. Cụ thể, phía Việt Nam sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi 0% đối với 26 mặt hàng khi nhập khẩu vào thị trường Campuchia gồm thịt và phụ phẩm, rau quả tươi hoặc ướp lạnh và nhiên liệu diesel. Các ưu đãi mà Campuchia dành cho Việt Nam là những ưu đãi đặc biệt mà Campuchia chỉ dành cho Việt Nam, cao hơn cả ưu đãi mà Campuchia cam kết với các nước thành viên ASEAN khác.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam cam kết dành ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu 0% đối với 32 mặt hàng có xuất xứ từ Campuchia gồm: gia cầm sống, thịt và phụ phẩm, quả chanh, bánh ga tô, thóc gạo, lá thuốc lá nguyên liệu (theo hạn ngạch). Việc dành ưu đãi thuế quan cho các mặt hàng nói trên sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam có nguồn nguyên liệu để thực hiện các hợp đồng xuất khẩu sang các nước khác.

Tại buổi gặp gỡ, phía tỉnh Đồng Tháp giới thiệu tiềm năng, cơ hội phát triển nhiều sản phẩm chủ lực: gạo, cá tra, hoa kiểng, quýt, khoai lang, nhãn, rau màu các loại; đồng thời mong muốn kết nối thông qua các kênh: Tham tán thương mại, kết nối nhu cầu giữa các doanh nghiệp tại Campuchia và Việt Nam để thúc đẩy xuất khẩu nông sản, hàng hóa.

Nhận định về thị trường xuất khẩu Việt Nam và Campuchia thời gian qua, ông Nguyễn Thanh Dũng - Chủ tịch VBCC cho biết, Việt Nam hơn Campuchia ở chỗ có nhiều kinh nghiệm và kỹ thuật chế biến sâu các loại nông sản. Mặc dù có thể Campuchia đi sau về công nghệ và chi phí đắt đỏ (giá điện cao) nhưng khi những khó khăn này được tháo gỡ thì sẽ phát triển mạnh mẽ xuất khẩu. Chính vì vậy, Chủ tịch VBCC đề nghị tỉnh Đồng Tháp quan tâm về các thủ tục qua lại biên giới, các vấn đề liên quan đến thanh toán qua ngân hàng, đặc biệt chú trọng yêu cầu sản phẩm phải bảo đảm chất lượng.

Đơn cử như xoài của Campuchia, hiện nay chủ yếu xuất khẩu dạng thô (xoài sống), do đó Đồng Tháp cần phát huy thế mạnh là các sản phẩm chế biến từ xoài. Hay như hoa kiểng sẽ có nhiều tiềm năng ở thị trường Campuchia vì họ chủ yếu nhập khẩu hoa tươi. Ngoài ra, bánh phồng tôm và các sản phẩm sau gạo cũng rất tiềm năng tại đất nước Chùa Tháp với hơn 16 triệu dân.

Chủ tịch VBCC thống nhất kế hoạch xúc tiến đầu tư theo hình thức tổ chức tỉnh - tỉnh giữa hai bên, trong đó tập trung đối tượng các doanh nghiệp có nhu cầu, đồng thời tăng cường công tác truyền thông. Trước mắt, trong năm 2020, Đồng Tháp có kế hoạch tổ chức hội chợ thương mại tại Prây-Veng.

Công sứ Campuchia Lại Xuân Chiến đánh giá cao những tiềm năng của Đồng Tháp. Tuy nhiên nếu muốn phát triển tại Campuchia, theo ông Chiến, Đồng Tháp cần khai thác các thế mạnh về chế biến, chú trọng khâu quảng bá, nhất là các sản phẩm tiềm năng phát triển tại thị trường Campuchia. Công sứ Lại Xuân Chiến đánh giá cao chất lượng đào tạo của Trường Cao đẳng Y tế Đồng Tháp, một địa chỉ tin cậy trong đào tạo nhân lực mà phía Campuchia đang có nhu cầu.

Theo ông Lê Biên Cương - Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Campuchia, thời gian qua, so với thị trường lớn như Trung Quốc thì Campuchia ít được Việt Nam quan tâm hơn. Tuy nhiên, trong giai đoạn mới, với những thuận lợi khi sự ủng hộ Chính phủ hai nước, kỳ vọng sẽ tạo tiền đề cho sự hợp tác phát triển.

Đoàn doanh nghiệp tỉnh Đồng Tháp gồm các Công ty: TNHH Kim Nhung Đồng Tháp, TNHH Một thành viên sản xuất thương mại dịch vụ Hồng Thái, Xuất nhập khẩu Nguyên Hậu, Cổ phần Đầu tư và Phát triển thực phẩm Thuận Thiên Thành, Cổ phần Công nghệ và Du lịch thành phố Hoa, Hợp tác xã rau an toàn Long Thuận, TNHH Một thành viên Mai Anh, Cổ phần Thức ăn chăn nuôi PlLMICO Việt Nam.

Bên cạnh giới thiệu các sản phẩm, các doanh nghiệp Đồng Tháp mong muốn kết nối giao thương với các doanh nghiệp, cũng như được cấp phép xuất khẩu, làm đầu mối cung ứng trực tiếp các sản phẩm sang Campuchia. Ngoài ra, một số doanh nghiệp Đồng Tháp cũng mong muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác nhập khẩu nguyên liệu từ các doanh nghiệp của Campuchia.

Đi lên từ khởi nghiệp dựa vào tài nguyên bản địa, ông Đặng Quý Ngọc - Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển thực phẩm Thuận Thiên Thành phấn khởi khi được tham gia Đoàn đại biểu của tỉnh Đồng Tháp gặp gỡ các doanh nghiệp VBCC. Ông Ngọc cho biết, sản phẩm của công ty đã xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và mong muốn tiếp tục mở rộng sang thị trường tiềm năng Campuchia trong thời gian tới.

Qua chuyến công tác này, các doanh nghiệp đều rất phấn khởi khi có nhiều cơ hội hợp tác, kết nối nhu cầu doanh nghiệp của 2 nước được mở ra, cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe trong xuất nhập khẩu hàng hóa.

Văn Khương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn