Lai Vung - Xanh lại vườn quýt

Cập nhật ngày: 16/01/2020 06:24:55

ĐTO - Mô hình khắc phục bệnh vàng lá thối rễ, chết xanh trên cây quýt do Trường Đại học Cần Thơ thực hiện, bước đầu mang lại hy vọng lớn cho người dân trồng quýt trong việc khôi phục lại thủ phủ quýt hồng vang danh huyện Lai Vung…


Các chuyên gia tham quan vườn quýt đang phục hồi tốt

Vườn quýt hồi phục từ 50-90%

Mô hình này với mục đích hướng dẫn nhà vườn sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm Tricoderma kết hợp với biện pháp xeo đất tạo độ thông thoáng cho gốc giúp giảm từ 50-90% bệnh vàng lá thối rễ, chết xanh trên cây quýt. Ông Nguyễn Văn Đầy ở ấp Long Hưng 1, xã Long Hậu là 1 trong 5 hộ tham gia mô hình khắc phục bệnh vàng lá thối rễ, chết xanh do Trường Đại học Cần Thơ thực hiện. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn quýt hơn 10ha dần xanh trở lại, ông Nguyễn Văn Đầy phấn khởi chia sẻ: “So với đầu năm thì hiện nay vườn quýt của tôi hồi phục hơn 90% diện tích, cây đã bắt đầu cho trái trở lại. Mặc dù, sản lượng quýt năm nay giảm khoảng 60% so với năm trước nhưng giá quýt cao hơn đến 30% nên nông dân trồng quýt cũng an tâm canh tác”.


Vườn quýt hồng của ông Nguyễn Văn Đầy phục hồi trên 90%

Không riêng vườn quýt của ông Đầy được “hồi sinh” trở lại mà các vườn quýt tham gia trong mô hình này đều có khả năng phục hồi của cây trên 50%. Ông Trần Hữu Hớn ngụ ấp Long Hưng 2, xã Long Hậu “khoe” với chúng tôi, để có được vườn quýt xanh tốt thế này, ông đã thực hiện theo quy trình của các nhà khoa học hướng dẫn. Cụ thể là thực hiện rải tro, rơm, sử dụng chế phẩm Tricoderma và xeo đất để tạo độ thông thoáng cho rễ cây, nhờ đó vườn quýt của ông Hớn phục hồi tốt, với tỷ lệ khoảng 60%. “Trước đây, khi các nhà khoa học khuyến cáo làm biện pháp xeo đất, tôi lo lắng sẽ làm đứt rễ cây nên chưa dám thực hiện. Tuy nhiên, nhận thấy cây quýt đang bị suy thoái, chết dần ngày càng nhiều nên tôi mạnh dạn làm thử. Qua thời gian gần 1 năm áp dụng biện pháp trên, vườn quýt của tôi có dấu hiệu phục hồi trở lại, hiện cây ra đọt xanh tươi, lá dày dặn hơn và đặc biệt là không còn hiện tượng lây lan bệnh như trước”, ông Hớn chia sẻ.

Năm nay, hầu hết các vườn quýt đều cho năng suất thấp, vườn ông Hớn cũng không ngoại lệ. Với diện tích canh tác 13ha, vườn quýt của gia đình ông Hớn chỉ cho sản lượng khoảng 40%, nhưng bù lại giá quýt năm nay khá cao, cộng với việc gia đình kết hợp sản xuất với du lịch vườn cây ăn trái, giúp ông Hớn tăng thêm thu nhập. “Trong tình hình khó khăn chung, với kết quả bước đầu của mô hình khắc phục bệnh vàng lá thối rễ, chết xanh mang lại, tôi hy vọng năm sau tất cả vườn quýt ở Lai Vung đều xanh trở lại như thời huy hoàng trước đây”, ông Hớn kỳ vọng.

Ông Huỳnh Văn Tồn - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung cho biết, để có một quy trình hoàn chỉnh cho việc phòng trừ bệnh trên cây quýt phải mất thời gian khoảng 3 năm. Tuy nhiên, qua bước đầu áp dụng quy trình sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm Tricoderma kết hợp với biện pháp xeo đất, đã mang lại hiệu quả bước đầu, cây quýt có dấu hiệu phục hồi 50-90%. Từ những kết quả này, địa phương đang đề nghị Trường Đại học Cần Thơ, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh xây dựng một quy trình thực hiện tạm thời, ứng dụng phân hữu cơ với chế phẩm Tricoderma vào canh tác cho các vườn quýt trên địa bàn huyện. Đây là tiền đề giúp địa phương vực dậy vườn cây quýt hồng trong năm 2020.


Các nhà khoa học kiểm tra kỹ thuật xeo đất tại gốc quýt

Xây dựng quy trình tạm thời để khôi phục vườn quýt

Lai Vung là địa phương được thiên nhiên ban tặng cho vùng thổ nhưỡng phù hợp với cây quýt hồng, làm nên thương hiệu “Quýt hồng Lai Vung”. Loại nông sản này không chỉ mang lại “tiếng thơm” trên danh nghĩa mà còn góp phần không nhỏ vào việc tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân nơi đây. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, cây quýt có dấu hiệu vàng lá thối rễ, chết xanh gây thiệt hại rất lớn cho người dân trồng quýt huyện Lai Vung.

Có thời điểm, người dân huyện Lai Vung khốn đốn với cây quýt hồng vì mất mùa, cây chết hàng loạt trong vài năm liền, khiến một số nhà vườn chọn giải pháp chặt bỏ cả vườn quýt. Thế nhưng, từ tháng 4/2019 đến nay, nhờ sự giúp sức của Trường Đại học Cần Thơ, Chi cục TT&BVTV tỉnh thực hiện 5 mô hình khắc phục bệnh vàng lá thối rễ, chết xanh trên cây quýt hồng, quýt đường (mỗi mô hình có quy mô 1.300m2, của 5 hộ dân ở các xã: Long Hậu, Tân Phước, Vĩnh Thới) cùng với sự tích cực chăm sóc, bón phân phù hợp theo quy trình của các nhà khoa học đề ra. Đặc biệt là việc sử dụng phân bón hữu cơ kết hợp với chế phẩm Tricoderma kết hợp biện pháp xeo đất tạo độ thông thoáng cho gốc đã giúp cây quýt từng bước “phục sinh”.

Ông Trần Thanh Tâm – Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV tỉnh chia sẻ, trong thời gian dài canh tác, đất bị nén dẽ rất chặt, độ pH đất thấp, đất liếp lại nghèo chất hữu cơ trong khi rễ chủ yếu trên tầng đất mặt. Theo đó, cây gặp các tác nhân gây hại như nấm Phytopthora, Fusarium, tuyến trùng tấn công gây ra bệnh vàng lá thối rễ, héo xanh trên cây quýt.

Để khắc phục tình trạng này, Chi cục TT&BVTV tỉnh khuyến cáo người dân áp dụng quy trình xeo đất, bón phân hữu cơ và dùng chế phẩm Tricoderma. Thời gian đầu triển khai thực hiện mô hình cũng gặp không ít khó khăn do người dân e ngại việc xeo đất sẽ làm chết cây, giảm năng suất. Sau khi triển khai thực hiện khoảng 3 tháng, chủ vườn thấy cây có tín hiệu phục hồi nên quyết tâm thực hiện các giải pháp theo khuyến cáo. Đến thời điểm này, qua gần 1 năm thực hiện mô hình, cây quýt có dấu hiệu phục hồi tốt. Cụ thể, cả 5 vườn quýt tham gia thực hiện mô hình, cây đều phát triển rễ, cơi đọt và trái, với tỷ lệ phục hồi từ 50-90%.

Từ hiệu quả mô hình, thời gian tới, Chi cục TT&BVTV tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với Khoa nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ đưa ra một quy trình tạm thời để khuyến khích bà con áp dụng theo quy trình này. Đồng thời sẽ tiếp tục theo dõi 5 mô hình đang triển khai nhằm đưa ra một quy trình hoàn chỉnh, khắc phục bệnh vàng lá thối rễ trên cây cam, quýt...

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn