Kỹ sư Lâm Trọng Nghĩa và câu chuyện mang công nghệ về làng

Cập nhật ngày: 13/01/2020 15:40:29

ĐTO - Thời gian gần đây, với nhiều nông dân ở Tam Nông, việc ứng dụng máy bay phun xịt thuốc không người lái (drone) không còn xa lạ mà thiết bị công nghệ này đang trở thành “trợ thủ” đắc lực giúp cho việc đồng áng của nông dân nhẹ nhàng hơn. Việc thành lập mô hình sử dụng máy bay công nghệ thay sức người trong công đoạn phun xịt thuốc là ý tưởng của anh Lâm Trọng Nghĩa (33 tuổi), một kỹ sư nông nghiệp đang công tác tại Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Nông.


Kỹ sư Lâm Trọng Nghĩa bên cạnh chiếc drone

Nông dân khỏe hơn nhờ máy bay không người lái

Theo chân nhóm “biệt đội bay” phun xịt thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) - cách người dân địa phương thường gọi nhóm dịch vụ phun xịt thuốc bằng máy bay công nghệ của anh Lâm Trọng Nghĩa, chúng tôi có mặt tại cánh đồng lúa rộng mênh mông của xã Phú Đức, huyện Tam Nông. Ở đây, người dân địa phương sống chủ yếu nhờ cây lúa, trung bình mỗi nông hộ sở hữu ít nhất từ vài ha đến vài chục ha canh tác lúa là chuyện bình thường. Diện tích canh tác lớn cũng là một trong những lợi thế giúp huyện Tam Nông thuận lợi trong xây dựng mô hình cánh đồng lớn, tuy nhiên trong bối cảnh thiếu lao động trầm trọng ở vùng nông thôn thì sở hữu diện tích canh tác lớn cũng khiến cho nhiều nông hộ gặp khó khăn.

Theo chân “biệt đội bay”, chúng tôi đến ruộng của anh Võ Thanh Vũ ở ấp Phú Xuân, xã Phú Đức. Hiện tại, ruộng lúa anh Vũ được gần 40 ngày tuổi, đợt phun thuốc này anh sử dụng một số nhóm thuốc để phòng trừ bệnh đạo ôn và rầy trên cây lúa. Hiện gia đình anh canh tác hơn 30ha lúa, với diện tích canh tác như vậy thì việc thuê nhân công phun xịt thuốc vào mỗi vụ mùa luôn là bài toán nan giải với anh. Song từ ngày biết đến thiết bị máy bay phun xịt thuốc không người lái, công việc đồng áng của anh Vũ đỡ vất vả hơn trước rất nhiều.

Vừa đến ruộng chưa đầy 10 phút, chiếc drone bắt đầu cất cánh và cần mẫn làm công việc. Nhìn không chớp mắt về phía con drone đang lượn ra lượn vào vèo vèo trên đồng lúa, anh Vũ cười tâm đắc: “Công nhận bây giờ khoa học hiện đại quá, cả trăm công lúa mà xịt thuốc nhanh chớp nhoáng, chứ với diện tích này trước đây phải mấy người gồng lưng quẩy bình xịt cả ngày cũng chưa xong”.

Giống như anh Vũ, nông dân Huỳnh Văn Quang ngụ xã Phú Đức, huyện Tam Nông sở hữu hơn 12ha lúa, cũng là một trong những “mối quen” của “biệt đội bay” chia sẻ: “Do sạ lúa tập trung cùng một thời điểm ở các ô bao nên đôi khi có dịch bệnh hoặc rầy tấn công sẽ ảnh hưởng trên diện rộng. Những lúc dịch bệnh bùng phát tập trung thì việc tìm nhân công để phun xịt thuốc luôn khiến tôi đau đầu. Tuy nhiên, từ ngày có mấy cái máy bay này, tôi không lo ngại chuyện thiếu nhân công phun xịt thuốc nữa...”.

Chi phí phun xịt thuốc giữa máy bay và phun truyền thống gần như tương đương nhau, giá trung bình khoảng 200 ngàn đồng/ha nhưng hiệu quả phun xịt của máy bay lại tối ưu hơn. Nhờ hiệu quả phun xịt tốt nên phun bằng máy bay sẽ giảm được khoảng 30% chi phí thuốc BVTV so với phun xịt bằng tay. Dù năng suất lúa không có nhiều thay đổi nhưng nhờ tiết kiệm được chi phí thuốc BVTV nên so với cách phun xịt thuốc truyền thống, ứng dụng máy bay công nghệ có thể giúp nông dân tiết kiệm khoảng 2 triệu đồng/ha”.

Một ưu điểm nổi bật khác của những chiếc máy bay phun xịt thuốc đó là khi sử dụng máy, nông dân không phải tiếp xúc trực tiếp với thuốc BVTV, vì vậy hạn chế thấp nhất việc phơi nhiễm thuốc BVTV.


Thể tích bình chứa thuốc khoảng 10 lít, đủ phun cho diện tích 5.000m
2 lúa, thời gian phun xịt từ 20 - 25 phút/ha, trung bình mỗi máy có thể phun từ 20 - 25ha

Gian nan buổi đầu máy bay không người lái về làng

Hiện tại, ngoài anh Vũ và anh Quang, Tổ phun xịt thuốc BVTV bằng thiết bị bay không người lái của kỹ sư Lâm Trọng Nghĩa có khoảng trên 200 khách hàng thường xuyên. Bên cạnh những khách hàng thường xuyên tại Tam Nông, “biệt đội bay” còn được đông đảo khách hàng trong và ngoài tỉnh ủng hộ.

Để đạt được kết quả như hiện tại, phải kể đến những tháng ngày lỳ đòn “chịu đấm ăn xôi” của chàng kỹ sư trẻ. Anh Nghĩa nhớ lại: “Nhiều năm gắn bó với ngành nông nghiệp, tôi hiểu được những khó khăn của người nông dân trong việc sản xuất lúa hiện nay. Phần lớn các công đoạn trong sản xuất đều được ứng dụng cơ giới hóa nhưng riêng công đoạn phun xịt thuốc BVTV thì hầu như vẫn còn sử dụng thủ công là chính, khiến chi phí sản xuất cao. Để tìm lời giải cho những trăn trở này, tôi đã chọn giải pháp ứng dụng máy bay không người lái vào công đoạn trên”.

Anh Nghĩa từng khăn gói xuống Hậu Giang, nơi có những thiết bị bay đảm nhiệm công đoạn phun xịt thuốc cho người nông dân để tìm hiểu về tính hiệu quả của drone. Anh Nghĩa bày tỏ: “Ban đầu nhiều nông dân Hậu Giang còn ngần ngại nhưng sau khi thấy hiệu quả, bà con rất tin tưởng với mô hình này, sau khi tìm hiểu cặn kẽ, tôi quyết tâm về thực hiện ngay ý tưởng thành lập Tổ phun xịt thuốc BVTV”.

Với suy nghĩ thiết bị bay không người lái sẽ là một trong những chìa khóa giúp xây dựng cánh đồng hiện đại. Hơn nữa, đây sẽ là giải pháp triển vọng giúp nông dân quê nhà giảm bớt áp lực trong canh tác nông nghiệp, anh Nghĩa đánh liều đầu tư một con drone trị giá gần nửa tỷ đồng, bấp chấp sự can ngăn của gia đình.

Tuy nhiên, khó khăn bắt đầu đến với anh trong việc tìm những khách hàng đầu tiên. “Khi ấy nhìn máy bay, nông dân ai nấy cũng trầm trồ nhưng để drone phun thuốc thì không nông dân nào dám. Họ sợ không hiệu quả, sợ lúa sập, nhiều lúc máy bay chưa kịp cất cánh thì nhiều nông dân đã bỏ về không chịu xem đến cuối buổi. Nhưng cũng còn an ủi bởi trong số bà con nông dân sau khi xem trình diễn cuối cùng cũng có một nông dân đặt hàng phun thuốc”, anh Nghĩa nhớ lại.


Drone sẽ bay theo lộ trình đường bay được thiết lập sẵn, khi hết thuốc drone sẽ tiếp tục tự động quay về nạp thuốc và bay về vị trí cũ để phun thuốc

Khi những người trẻ bắt tay làm nông nghiệp hiện đại

Với những va vấp buổi đầu, anh Lâm Trọng Nghĩa hiểu rằng, để tạo sự đột phá trong sản xuất nông nghiệp bằng các ứng dụng công nghệ thì làm một mình rất khó để thành công. Xuất phát từ suy nghĩ đó, anh bắt đầu tìm thêm những cộng sự có chung ý tưởng và đam mê để hợp tác. Người đầu tiên gia nhập vào “biệt đội bay” là anh Lê Quốc Trung (33 tuổi), bạn học phổ thông của anh, cũng là kỹ sư nông nghiệp.

Anh Lê Quốc Trung tâm sự: “Nhiều năm gắn bó với nông dân và cả các doanh nghiệp, tôi nghĩ điểm nghẽn lớn nhất trong xây dựng chuỗi liên kết ở ngành hàng lúa gạo chính là việc kiểm soát lưu tồn thuốc BVTV trong hạt gạo. Với thói quen và tập quán lâu đời, nông dân rất khó để có được lượng hàng lớn đồng chất để cung cấp cho doanh nghiệp xuất khẩu khi mà mỗi miếng ruộng, mỗi nông dân phun xịt đủ kiểu. Tuy nhiên, nếu được hướng dẫn, tư vấn kỹ lưỡng về các loại hoạt chất cấm không được sử dụng trong sản xuất lúa xuất khẩu thì lúa của nông dân sẽ đảm bảo an toàn để xuất khẩu. Để làm được điều này ngoài nhiệm vụ cung cấp dịch vụ phun xịt thuốc thì nhân viên trong từng nhóm bay của chúng tôi phải được đào tạo các kiến thức về nông nghiệp vững vàng để có thể tư vấn cách dùng thuốc, thời điểm phun thuốc hiệu quả và tiết kiệm nhất cho nông dân. Trong định hướng sắp tới, Tổ phun xịt thuốc BVTV của chúng tôi sẽ làm như thế, bởi chúng tôi nghĩ rằng, với những giải pháp có thể mang lại lợi nhuận cao nhất thì nông dân sẽ gắn bó với mình”.

Hiện tại, 2 chàng kỹ sư trẻ cũng đang ấp ủ xây dựng một nền nông nghiệp dựa trên nền tảng 4.0. Theo đó, 2 anh đang tìm hiểu về một sản phẩm khác là máy bay nhận biết quang phổ, đảm nhiệm chức năng thu thập dữ liệu về sức khỏe của từng khu vực lúa thông qua màu lá lúa. Từ đó, nhóm sẽ xây dựng dữ liệu tổng quát, khu vực lúa nhiễm sâu bệnh, thiếu nước, thừa phân... Sau khi dữ liệu được trí tuệ nhân tạo phân tích, sẽ đưa ra giải pháp quản lý dịch hại hiệu quả. Đặc biệt, máy bay mang thuốc đến nơi cần để phun không phải phun hết thửa ruộng. “Song, tất cả chỉ đang còn là những ý tưởng, hiện tại nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng tôi là làm sao để mở rộng được mạng lưới của mình, kêu gọi nhiều “bạn đồng hành” hơn nữa để nâng số máy bay nhiều nhất có thể. Hiện tổ phun xịt thuốc của chúng tôi đang sở hữu 4 máy...”.

Với những hiệu quả tích cực của mô hình, Dự án Tổ phun xịt thuốc BVTV bằng thiết bị bay không người lái của 2 kỹ sư trẻ đạt giải Nhất cấp tỉnh và giải Ba Cuộc thi khởi nghiệp khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ông Lưu Văn Tiến - Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Nông đánh giá, dự án này rất phù hợp với Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương. Đặc biệt, việc áp dụng máy bay phun thuốc sẽ giải được bài toán thiếu nhân công, giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn