Khi sen Đồng Tháp rũ bùn tạo nên giá trị mới

Cập nhật ngày: 16/02/2018 06:47:47

ĐTO - Với người dân Đồng Tháp, cây sen không chỉ đơn thuần là loại nông sản có giá trị về mặt kinh tế mà từ lâu đời cây sen còn mang một ý nghĩa tinh thần to lớn trong đời sống văn hóa, tâm linh của người dân xứ bưng biền. Và cũng chính những tình cảm và sự gắn bó này là động lực thôi thúc người dân Đồng Tháp hôm nay quyết tâm viết lên một câu chuyện mới cho cây sen, câu chuyện về sen trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.


Hiện tại, hầu hết các bộ phận của cây sen đều được doanh nghiệp sử dụng chế biến thành nhiều sản phẩm độc đáo

Nhiều cơ hội để vực dậy tiềm năng

Đồng Tháp được nhiều chuyên gia đánh giá là tỉnh có ưu thế trong phát triển cây sen khi sở hữu diện tích canh tác sen lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, khi tiềm năng cây sen chưa được đầu tư khai thác đúng mức thì đây lại trở thành thách thức và rào cản không nhỏ với nông dân.

Đứng trước thách thức về sự tồn vong của cây sen, những năm trở lại đây, người dân Đồng Tháp bắt đầu có suy nghĩ thoáng hơn, quyết định táo bạo hơn để cây sen được trụ vững. Từ chỗ quanh năm chỉ biết trồng sen bán gương, bán ngó, giờ đây các bà, các mẹ đã bắt đầu nghĩ đến việc chế biến nhiều loại thực phẩm mới từ sen như: sữa sen Ba Tre, bánh quy Tình sen... Rồi bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ, sự đồng cảm với nỗi cơ cực của người nông dân, những năm gần đây, nhiều bạn trẻ, doanh nghiệp ở Đồng Tháp bắt tay vào đầu tư chế biến sản phẩm từ cây sen để giải quyết nguồn nguyên liệu cho nông dân.


Du khách ấn tượng với loại hình du lịch sinh thái, trải nghiệm trên những cánh đồng sen ở Đồng Tháp

Từ chỗ khách du lịch đến Đồng Tháp không biết mua gì ngoài hạt sen tươi, hạt sen khô, giờ đây đến với Đồng Tháp, khách du lịch có thể chọn mua các mặt hàng đặc sản hấp dẫn từ sen. Đó là những chai sữa sen chỉ vài ngàn đồng, rồi xà bông sen, tinh dầu hoa sen, trà lá sen, trà tim sen đến các sản phẩm thủ công mỹ nghệ có giá trị về mặt tinh thần được chế tác từ cây sen... Dù hiện tại, các sản phẩm từ sen vẫn chưa thật sự phong phú nhưng những bước tiến trên đã thể hiện tâm huyết mạnh mẽ của người dân Đồng Tháp trong việc mong muốn mang đến sự thay đổi và đột phá cho cây sen. Không chỉ dừng lại là loại nông sản chỉ có giá trị về mặt kinh tế, với những góc nhìn của các chuyên gia, giá trị từ cây sen còn muôn màu muôn vẻ hơn. Chia sẻ góc nhìn về khai thác giá trị văn hóa - du lịch đối với cây sen ở Đồng Tháp, ông Dương Đức Minh - giảng viên bộ môn du lịch, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cho rằng: “Khi nói đến khai thác giá trị kinh tế từ cây sen thì khó có tỉnh, thành nào ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long lại có nhiều lợi thế phát triển như tỉnh Đồng Tháp. Từ lâu đời, cây sen đã trở nên gần gũi và trở thành một nét đặc trưng cho con người nơi đây. Và, hơn ai hết, chỉ có nông dân Đồng Tháp mới hiểu tường tận “cái tính, cái nết” và những câu chuyện huyền thoại gắn liền với loài cây ưa bùn lầy này. Chính những nền tảng đó sẽ là thế mạnh giúp cho ngành du lịch trải nghiệm của Đồng Tháp phát triển trong tương lai”.

Dưới khía cạnh y học và hóa học, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty mỹ phẩm Thorakao - Huỳnh Kỳ Trân cho biết: “Sen vừa là một loại thảo dược và cũng là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng rất cao. Tất cả các bộ phận của cây sen đều có thể chiết xuất làm dược phẩm hay mỹ phẩm, đây là nền tảng làm tăng cao giá trị cây sen”.

Ứng dụng khoa học công nghệ và những chiến lược dài hơi

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận, những năm qua, do chưa có chiến lược phát triển cụ thể cũng như việc ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế nên cây sen vẫn chưa được khai thác nhiều ở những giá trị về chiều sâu, chủ yếu các sản phẩm chỉ dừng lại ở chế biến thô.

Về góc nhìn này, ông Lý Ngọc Minh - Tổng giám đốc Công ty gốm sứ Minh Long I cho rằng: “Chỉ cần dốc sức, tập trung tối đa chất xám, thì việc hài hòa và tận dụng được các tài nguyên bản địa “không phải không có lối ra”. Thay vì chỉ giữ cách chế biến theo kiểu cũ, hạt sen chỉ để làm mứt hoặc sấy khô, tại sao chúng ta không đầu tư khoa học công nghệ để chế biến sản phẩm sâu hơn, mang giá trị kinh tế cao hơn cho cây sen. Ngoài ra, để du lịch từ cây sen được hấp dẫn và phong phú, tỉnh Đồng Tháp cần đa dạng nhiều loại hình dịch vụ từ sen. Việc đầu tư đa dạng nhiều giống sen nhằm tạo điểm nhấn cũng là giải pháp cần thiết”.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Châu Hồng Phúc tham quan gian hàng triển lãm các mặt hàng về sen của tỉnh tại Diễn đàn Kinh tế Mekong Connect năm 2017

Khi phát triển cây sen trong giai đoạn cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, tỉnh Đồng Tháp cần phải quan tâm nhiều hơn nữa cho việc sản xuất thông minh, cung cấp những gói dịch vụ thông minh cho những người dùng thông minh. Bàn về xu hướng tiêu dùng mới của thế giới, chuyên gia nhượng quyền thương hiệu Nguyễn Phi Vân cho biết: “Tôi gọi thế kỷ này là thế kỷ bản địa, đây là lúc chúng ta không còn bán sản phẩm nữa, mà bán trải nghiệm, bán giải pháp, sự tiện lợi và mô hình. Trong giai đoạn này, con người không cần những sản phẩm hàng loạt mà họ cần những gì gần gũi hơn, tình cảm hơn. Khi phát triển cây sen Đồng Tháp, phải tính toán tới xu hướng này của người tiêu dùng”.

Trao đổi về tầm quan trọng của khoa học công nghệ trong việc khai thác giá trị kinh tế từ cây sen, ông Ngô Chí Công - Giám đốc Công ty Khởi Minh Thành Công, TP.Cao Lãnh cho biết: “Vì sao hoa sen rất đẹp, nhiều người yêu thích nhưng giá lại rẻ hơn nhiều so với các giống hoa khác, bởi đơn giản là giá trị sử dụng của hoa sen không được bền, sau khi thu hoạch, hoa sen héo úa rất nhanh. Công việc của doanh nghiệp là sử dụng khoa học công nghệ, chủ yếu là công nghệ bảo quản để kéo dài được thời gian sử dụng cho hoa sen. Đây cũng là nền tảng giúp mở ra nhiều hướng đi mới cho doanh nghiệp”.

Nhận định về xu hướng phát triển tiềm năng cây sen trong giai đoạn sắp tới, Bí Thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho rằng: “Tỉnh Đồng Tháp mới định vị về phát triển kinh tế đối với cây sen chỉ vài năm trở lại đây. Những năm qua, người dân Đồng Tháp cũng có nhiều động thái trong khai thác các tiềm năng về cây sen, tuy nhiên phần lớn vẫn dừng lại ở việc sản xuất, chế biến thô. Vì vậy, để khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh này thì việc ứng dụng khoa học công nghệ là cần thiết, phải chuyển dần từ sản xuất sang phát triển kinh tế từ cây sen. Hiện một số doanh nghiệp ở tỉnh có nhiều cố gắng trong việc khai thác các giá trị chiều sâu đối với cây sen như: làm tinh dầu, xà bông sen, sử dụng tơ sen phục vụ cho ngành thời trang... Trên những nền tảng đó cùng với sự kết hợp của việc ứng dụng khoa học công nghệ, chúng ta sẽ xâu chuỗi lại để hình thành chiến lược dài hơi về phát triển kinh tế cây sen. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, từ việc ứng dụng sức mạnh của khoa học công nghệ bằng việc đầu tư sâu cho chế biến, có chiến lược về quảng bá thương hiệu... chúng ta tự tin rằng giá trị cây sen Đồng Tháp có thể vươn lên một tầm cao hơn.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn