Khoa học và công nghệ - động lực cho phát triển kinh tế - xã hội

Cập nhật ngày: 30/05/2021 12:39:41

ĐTO - Thời gian qua, nhiều nước phát triển và đang phát triển đẩy mạnh tăng cường năng lực quốc gia thông qua việc hoạch định chiến lược quốc gia về phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN), hoạch định chủ trương, chính sách theo hướng ưu tiên, khuyến khích đầu tư phát triển KH&CN cũng như đầu tư đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực quan trọng này.


Nhiều giống hoa kiểng mới được Trung tâm Ứng dụng Nông nghiệp công nghệ cao Đồng Tháp nhân giống thành công bằng phương pháp invitro.
Ảnh: Mỹ Lý

Trên tinh thần đó, Đảng và Nhà nước ta quan tâm đến phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế có ý nghĩa quan trọng trong việc đổi mới sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta.

Hòa chung cùng cả nước, thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp luôn quan tâm đến phát triển KH&CN. Các địa phương chủ động trong ký kết hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học trong đầu tư nghiên cứu, đào tạo nhân lực chất lượng cao. Từ sự quan tâm của tỉnh, nhiều đề tài, dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật được ứng dụng, góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, tỉnh còn tổ chức hội thi sáng tạo kỹ thuật góp phần thúc đẩy, phát huy tiềm năng sáng tạo của người dân. Qua hội thi, thu được nhiều giải pháp, sáng kiến cải tiến công nghệ phục vụ sản xuất.

Tiếp tục tạo đòn bẩy cho lĩnh vực này phát triển, tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Kế hoạch Phát triển doanh nghiệp (DN) KH&CN đến năm 2025. Mục tiêu của kế hoạch này là nhằm thúc đẩy việc hình thành và phát triển DN KH&CN trên địa bàn tỉnh. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy thương mại hóa các sản phẩm hàng hóa góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời hỗ trợ các DN KH&CN được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật; nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, năng lực, hiệu quả hoạt động của DN KH&CN.

Định hướng đến năm 2025, tỉnh sẽ có ít nhất 30 DN được chứng nhận là DN KH&CN; 10 DN được hỗ trợ phát triển theo các chương trình, đề án hỗ trợ của tỉnh; 15 dự án hoàn thiện, tạo ra sản phẩm mới từ các giải pháp sáng tạo, kỹ thuật và các sáng chế.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình phát triển KH&CN vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập. Nhất là nguồn lực chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới, sáng tạo, việc tiếp cận và ứng dụng thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn hạn chế... Từ đó, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chiến lược phát triển KH&CN của tỉnh nói riêng và sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung.


Mô hình trồng rau kết hợp nuôi cá Aquaponics mang lại sản phẩm sạch đến từng bữa ăn cho gia đình.
Ảnh: Nhật Khánh

Trong thời gian tới, để KH&CN thực sự trở thành động lực cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, cần nâng cao năng lực, đổi mới, sáng tạo, huy động các nguồn vốn đầu tư cho phát triển, ứng dụng KH&CN trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị và Nhân dân. Ngoài ra, tạo điều kiện cho các DN tiếp thu, ứng dụng và đổi mới công nghệ, cải thiện khả năng nghiên cứu, phát triển các sản phẩm phù hợp với yêu cầu thị trường; tham khảo các luận cứ, cơ sở khoa học chặt chẽ, vững chắc khi xây dựng, ban hành các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời xác định cụ thể các giải pháp ứng dụng KH&CN khả thi phù hợp với yêu cầu, tình hình thực tế tại địa phương, nhằm cải thiện năng suất lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững; thu hút các dự án có hàm lượng KH&CN cao; tìm kiếm hợp tác quốc tế về KH&CN, nhất là công nghệ cao, tiên tiến, thân thiện với môi trường vào sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó cần thúc đẩy sự liên kết giữa các tổ chức, đơn vị nghiên cứu KH&CN, các trường đại học, cao đẳng với cộng đồng DN; tạo điều kiện thuận lợi để các trường đại học, cao đẳng, trung tâm nghiên cứu, các DN trên địa bàn tỉnh tham gia nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ trong sản xuất. Tạo môi trường, điều kiện làm việc thuận lợi, thực hiện hiệu quả chính sách đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ KH&CN.


Ứng dụng thiết bị máy bay không người lái vào khâu phun xịt thuốc.
Ảnh: Mỹ Lý

Ngoài ra, quan tâm các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ, thực hiện chế độ đãi ngộ đối với những người có sáng tạo trong lao động; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển trong điều kiện tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

Song song đó, tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục trong tỉnh, nhất là chất lượng giảng dạy tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp, Trường Cao đẳng Y tế Đồng Tháp. Mặt khác, đẩy mạnh liên kết với các trường đại học trong và ngoài nước để đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; quan tâm đào tạo, chuyển giao công nghệ và kiến thức quản lý kinh tế cho nông dân...

PHẠM NGỌC HÒA

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn