Kiếm tiền tỷ từ nuôi cá chép giòn
Cập nhật ngày: 05/03/2020 06:12:30
ĐTO - Ông Lê Văn Dũng ngụ ấp 3, xã An Phong, huyện Thanh Bình đã thành công trong việc nuôi cá chép giòn, thu nhập vài tỷ đồng mỗi năm.
Ông Lê Văn Dũng đã thành công trong việc nuôi cá chép giòn
Hơn 20 năm gắn bó với nghề nuôi thủy sản trên sông thuộc xã Phú Thuận A, huyện Hồng Ngự, ông Lê Văn Dũng luôn năng động, chịu khó trong việc tìm kiếm, lai tạo thử nghiệm nhiều giống cá như: cá nheo, cá lăng nha, cá điêu hồng, cá tra...
Ông Lê Văn Dũng chia sẻ: “Tôi đã đúc kết kinh nghiệm nuôi thủy sản từ ông cha. Song, nghề nuôi thủy sản cũng không ít rủi ro, giá cá bấp bênh, nhất là khi nhiều người nuôi ào ạt. Vì vậy, với mong muốn thoát khỏi vòng luẩn quẩn đó, tôi luôn tìm và nuôi những giống cá mới, có phẩm chất tốt như: cá bống tượng, thác lác cườm, chạch lấu, cá trắm đen... nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường”.
Đến năm 2012, trong một lần đi học hỏi kinh nghiệm ở tỉnh Hải Dương, ông Lê Văn Dũng có dịp dùng món cá chép giòn và cảm nhận được đây là giống cá có thể nuôi được ở miền Nam, mang lại thu nhập cao. Thế là, ông Dũng đến nhiều hộ nuôi tại Hải Dương để tìm hiểu cách nuôi giống cá chép giòn. Sau khi “tầm sư học đạo” một thời gian khá dài, ông Dũng quyết định mang hơn 6.000 con giống về nuôi thử trên bè. Sau 8 tháng nuôi thử, cá chép giòn cũng sinh trưởng bình thường nhưng phẩm chất thịt không đúng như ông mong muốn.
Quyết không nản lòng, ông Dũng tiếp tục học hỏi và trao dồi kinh nghiệm qua các mô hình nuôi cá chép giòn thành công ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước và được biết để thịt cá chép có độ giòn cao phải cho cá ăn hạt đậu tằm nhập khẩu từ Australia, Canada... Sau khi áp dụng việc sử dụng hạt đậu tằm cho cá, đàn cá chép giòn của gia đình ông Dũng đạt được độ thịt có phẩm chất tốt như mong muốn. Tuy nhiên, lúc này mô hình nuôi cá chép giòn của ông Dũng vướng phải khó khăn do ô nhiễm nguồn nước ảnh hưởng đến chất lượng cá nuôi. Sau thời gian suy nghĩ, tìm hiểu, năm 2015, ông quyết định chuyển về xã An Phong, huyện Thanh Bình, mở rộng diện tích nuôi cá chép giòn trên bè lên hơn 1.200m2.
Ông Dũng cho biết, để nuôi cá chép giòn, việc đầu tiên cần phải đảm bảo là khâu dọn dẹp môi trường mặt nước tại các bè nuôi cá, con giống theo đúng qui trình kỹ thuật, tiếp đến phải chọn giống có kích cỡ đồng đều, cá phải khỏe mạnh không mang mầm bệnh, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Để cá đạt độ chuẩn giòn, dai phải chọn được hạt đậu tằm chất lượng. Cá chép giòn có thời gian sinh trưởng khoảng 8 tháng. Giai đoạn 5 tháng đầu, cá được cho ăn bằng thức ăn công nghiệp. Sau 5 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng khoảng 1kg/con sẽ bắt đầu dùng hạt đậu tằm làm thức ăn cho đến khi thu hoạch.
Được biết, hạt đậu tằm là giống cây trồng có xuất xứ từ các nước ôn đới như Australia, Canada... Trong hạt đậu tầm có protein thô chiếm hơn 31%, lipid thô chỉ 0,15%... là yếu tố quyết định dẫn tới thay đổi chất lượng thịt của cá, tăng độ dai cơ thịt nên thịt cá chắc, giòn. Đặc biệt, trong hạt đậu tằm có fibrinozen làm thịt cá dai giòn. Cá được nuôi bằng hạt đậu tằm nên đảm bảo sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Sau nhiều năm “trầy da, tróc vẩy”, ông Lê Văn Dũng đã thành công với mô hình nuôi cá chép giòn. Hiện với giá bán từ 80.000 - 100.000 đồng/kg, mỗi năm, trang trại của ông Dũng thu hoạch hơn 200 tấn cá chép giòn, thu nhập vài tỷ đồng. Ông Dũng cho biết: “Để nâng cao hiệu quả canh tác mô hình, thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, trao dồi kiến thức nuôi cá chép giòn; tìm hiểu cách nuôi với giá thành thấp để đa dạng hóa nguồn khách hàng. Đồng thời tìm giải pháp để trồng cây đậu tằm nhằm cung ứng thức ăn tại chỗ...”.
Ông Trần Văn Lắm - Trưởng Phòng Kinh doanh, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thanh Bình cho biết: “Mô hình cá chép giòn của ông Lê Văn Dũng đã cho thấy hiệu quả kinh tế cao hơn các loại thủy sản khác. Để hỗ trợ cho mô hình nuôi cá chép giòn, ngành nông nghiệp huyện sẽ thường xuyên có những hỗ trợ về kỹ thuật nuôi, cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, cấp mã số bè... nhằm đảm bảo đủ điều kiện để ổn định đầu ra”.
Khánh Phan