Kiên trì tái cơ cấu, xây dựng nền nông nghiệp xanh, an toàn, chất lượng
Cập nhật ngày: 17/03/2021 15:35:30
ĐTO - Tỉnh có nhiều lợi thế về nông nghiệp và nhiều năm qua có bước chuyển biến rất tích cực, năng động phát triển theo hướng bền vững. Lãnh đạo tỉnh, các ngành, địa phương cùng nông dân, doanh nghiệp (DN), nhà khoa học... tiếp tục xây dựng nền nông nghiệp, nông thôn phát triển mạnh, nhất là người nông dân sống hạnh phúc và tự hào với nghề của mình.
Sản xuất manh mún, nhỏ lẻ khó thực hiện các giải pháp đồng bộ để nâng cao giá trị nông sản, trong đó có cơ giới hóa
Giai đoạn 2016 - 2020, Đồng Tháp tiên phong thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp với phương châm: Hợp tác - liên kết – thị trường; tăng chất lượng - giảm chi phí – chế biến tinh; gắn kết với chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Với sự vào cuộc mạnh mẽ và quyết tâm cao của các ngành, các cấp, DN, hợp tác xã, hội quán trên địa bàn, đến nay, có thể nói ngành nông nghiệp của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực và đạt hiệu quả cao trên nhiều mặt. Từ sản xuất theo chiều rộng, chạy theo sản lượng, nay đã chuyển dần sang chiều sâu và chất lượng; từ sản xuất những sản phẩm nông nghiệp thuần túy, chuyển sang nền nông nghiệp an toàn, xanh đạt tiêu chuẩn trong nước và quốc tế; từ nền sản xuất bán sản phẩm thô, chuyển dần sang chế biến tinh, tạo ra chuỗi sản phẩm theo mô hình kinh tế tuần hoàn; từ sản phẩm chưa có thương hiệu, đã hình thành nhiều nhãn hiệu hàng hóa và có mặt hơn 150 nước trên thế giới, với kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,2 tỷ USD. Và, cũng chính từ chuyển đổi nền nông nghiệp đó, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn. Đặc biệt là chương trình phát triển sản phẩm OCOP, chương trình phát triển du lịch nông nghiệp, chương trình đào tạo nghề, đưa lao động làm việc có thời hạn nước ngoài,... đã góp phần đẩy mạnh việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới và nâng cao thu nhập người dân, giảm nghèo bền vững.
Đạt được kết quả bước đầu như vậy, ngoài nỗ lực của tỉnh, có sự hỗ trợ tích cực từ Trung ương, nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), sự đồng hành của các DN đến đầu tư tại tỉnh, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao giá trị sản phẩm và đưa sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đến thị trường trong và ngoài nước.
Bên cạnh kết quả, sản xuất NN&PTNT của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn như: chưa có nhiều DN lớn đầu tư vào nông nghiệp nên việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất chưa nhiều; tình trạng sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ; sự liên kết, hợp tác chưa bền vững, sản phẩm chế biến tinh chưa cao... Việc chưa có quy định về việc quản lý, bảo hộ cũng như bảo vệ mã vùng trồng, nhà đóng gói dẫn đến tình trạng mạo danh, cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến uy tín của DN và người dân. Tình hình biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, sụt lún, sạt lở bờ sông cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp và ổn định dân cư;...
Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ NN&PTNT và các DN vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa cho biết, tỉnh xác định trong thời gian tới, vẫn kiên trì thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp một cách sâu, rộng hơn. Tỉnh quyết tâm xây dựng nền nông nghiệp xanh, an toàn, chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn; phát huy mạnh mẽ mô hình kinh tế tuần hoàn và kinh tế số vào phát triển nông nghiệp; đẩy mạnh sản phẩm chế biến và xây dựng thương hiệu sản phẩm, gắn với phát triển chương trình sản phẩm OCOP, chương trình du lịch nông nghiệp... nhằm nâng giá trị chuỗi ngành hàng, tạo thêm thu nhập người nông dân. Đồng thời, tỉnh cũng đang thực hiện xây dựng người nông dân chuyên nghiệp để tạo nên nền nông nghiệp văn minh, hiện đại. Với quyết tâm là địa phương tiên phong trong chuyển đổi và phát triển bền vững nền nông nghiệp, Đồng Tháp rất mong sự quan tâm và hỗ trợ nhiều hơn từ Bộ NN&PTNT, đặc biệt là sự gắn kết, hợp tác đầu tư của các DN.
Bên cạnh sự đồng hành của lãnh đạo tỉnh, các ngành, địa phương, ngành NN&PTNT tỉnh hỗ trợ xúc tiến về thủ tục đầu tư và xúc tiến thương mại; giới thiệu quỹ đất phù hợp với điều kiện của DN; tích cực hợp tác xây dựng vùng nguyên liệu, hệ thống truy xuất nguồn gốc đáp ứng nhu cầu của DN; định hướng, xây dựng và nâng cao hợp tác xã để tham gia liên kết bền vững...
TN