Kinh tế tập thể góp phần nâng cao thu nhập các hộ thành viên

Cập nhật ngày: 21/12/2024 05:07:19

http://baodongthap.com.vn/database/video/20241221050822dt2-4.mp3

 

ĐTO - Hưởng ứng các phong trào thi đua do tỉnh, địa phương phát động, Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tích cực tuyên truyền, vận động người dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra những sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, HTX và nâng cao đời sống của các thành viên và người lao động tại HTX.


Thành viên Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hòa Phát (xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng) áp dụng cơ giới hóa trong thu hoạch lúa

HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Thành (xã Bình Thành, huyện Lấp Vò) là một trong những đơn vị hoạt động theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả thiết thực. HTX Bình Thành được thành lập vào năm 1989 với vốn điều lệ 1,11 tỷ đồng. Đến nay, tổng số thành viên tham gia HTX hơn 1.800 hộ (đạt 100% hộ nông nghiệp trong toàn xã).

HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Thành hoạt động kinh doanh dịch vụ chính là sản xuất nông nghiệp và thực hiện các dịch vụ hỗ trợ thành viên phát triển kinh tế hộ với 13 dịch vụ phục vụ trực tiếp cho các hộ thành viên, hoạt động ổn định. Cụ thể: dịch vụ tưới tiêu, điện nông thôn (toàn xã), tín dụng nội bộ, cung cấp vật tư nông nghiệp trả chậm, sản xuất cung cấp lúa giống, mua bán gạo, khuyến nông, bảo vệ thực vật, tổ chức liên kết hỗ trợ thành viên tiêu thụ sản phẩm, nạo vét kênh thủy lợi nội đồng, bán giống cây trồng, sản xuất nước đóng bình...

Ngoài ra, HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Thành ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất như: sử dụng máy sạ lúa, máy phun thuốc, phun phân tự động, máy gặt đập liên hợp trong thu hoạch lúa chiếm 80% trên tổng diện tích. Diện tích phục vụ tưới tiêu là 1.150ha, trong đó sản xuất lúa 3 vụ là 950ha; 2 lúa 1 màu là 200ha. Nhiều đề tài, dự án, mô hình trình diễn được áp dụng trên lúa, hoa màu, cây ăn trái, gia súc, thủy sản như: mô hình sản xuất lúa theo quy trình IPM, 1 phải 5 giảm... Hầu hết các mô hình đều mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, góp phần tăng năng suất, quản lý hiệu quả dịch bệnh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giúp người dân giảm chi phí và tăng thu nhập.

Năm 2024, toàn tỉnh thành lập mới 12 HTX (tăng 5 HTX so với kế hoạch), nâng tổng số trên địa bàn tỉnh lên 249 HTX, trong đó có 205 HTX nông nghiệp với tổng số gần 29.700 thành viên. Phần lớn các HTX nông nghiệp hoạt động có lợi nhuận, trích lập các quỹ và trả lương người lao động; từng bước chủ động đa dạng sản phẩm, mở rộng thêm dịch vụ để phục vụ thành viên; vận động thành viên tham gia liên kết với các doanh nghiệp nhằm cung cấp vật tư nông nghiệp đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho thành viên và nông dân tham gia.

Điều đáng ghi nhận, khi tham gia HTX hoặc tổ hợp tác (THT), các thành viên và người lao động được tham gia học tập nâng cao kiến thức, tay nghề, được hỗ trợ chuyển giao, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới trong sản xuất, giúp các thành viên tăng năng lực sản xuất để sản phẩm đạt chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, OCOP... Đây là cơ sở thực hiện truy xuất nguồn gốc và xây dựng nhãn hiệu tập thể, hình thành thương hiệu sản phẩm của thành viên, HTX, THT nâng cao được sức cạnh tranh trên thị trường, gia tăng giá trị. Thực hiện các hoạt động buôn, bán chung thông qua HTX để cung ứng các loại vật tư đầu vào, với giá thấp hơn và chất lượng được bảo đảm, tiết kiệm chi phí; cùng với việc bán chung các sản phẩm thông qua HTX giúp việc tiêu thụ nông sản của thành viên đạt hiệu quả cao hơn so với từng hộ bán riêng lẻ; giúp giá bán ổn định hơn và giúp doanh nghiệp dễ dàng thu mua được khối lượng nông sản lớn, đồng đều về chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, có nguồn gốc rõ ràng do được sự giám sát và cam kết từ HTX.

Các HTX phát huy được vai trò tập hợp, vận động thay đổi cách nghĩ, cách làm cho người dân, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, vai trò của THT, HTX nông nghiệp được thể hiện nổi bật thông qua thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng kết nối phát triển ổn định và bền vững. HTX, THT tham gia vào quy hoạch sử dụng đất và các hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất; xây dựng hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, tăng cường năng lực phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu tại địa bàn cơ sở.

DŨNG CHINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn