Kinh tế tuần hoàn - xu hướng phát triển tất yếu
Cập nhật ngày: 11/07/2021 12:28:24
ĐTO - Kinh tế tuần hoàn (KTTH) là một mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Đây là mô hình kinh tế đặc biệt chú trọng đến quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín nhằm tránh tạo ra phế thải. Trong nền KTTH, các nhà sản xuất chú trọng giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường bằng cách sử dụng các phương thức sáng tạo nhằm tối đa hóa vòng đời của tất cả tài nguyên đã sử dụng.
Mô hình ruồi lính đen tạo ra nguồn thức ăn cho chăn nuôi, sử dụng làm phân bón cho cây góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ảnh: Nhật Khánh
Nắm bắt xu thế phát triển đó, thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp đẩy mạnh phát triển KTTH. Với quan điểm từng bước chuyển từ nền kinh tế truyền thống đến kinh tế tri thức, KTTH... thu hút, phát huy hiệu quả, đa dạng các nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao thu nhập và chất lượng sống của Nhân dân. Với nỗ lực đổi mới, sáng tạo của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp cùng với việc thực hiện có hiệu quả những chủ trương, chính sách về phát triển KTTH, bước đầu tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng, mở ra thời kỳ phát triển mới.
Theo đó, tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân hàng năm của tỉnh đạt 6,44%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, đến năm 2020, tỷ trọng khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm 19,93%, thương mại – dịch vụ chiếm 45,53%, nông – lâm – thủy sản chiếm 34,54%.
Được đánh giá là mô hình ưu việt, thời gian qua, Đồng Tháp có một số mô hình KTTH được thực hiện có hiệu quả. Cụ thể, mô hình thu chất thải làm phân bón của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (Phường 11, TP.Cao Lãnh) với mô hình “sông trong ao” để có thể thu các chất thải phục vụ trồng trọt. Quy trình này cho phép một phần bùn thải, chất hữu cơ trong hồ nuôi cá được xử lý làm phân bón; nước có thể dùng để tái tưới cây sau khi đã xử lý theo phương thức thủy canh. Mô hình ống hút làm từ cỏ và gạo thay thế cho ống hút nhựa giúp giảm phát thải nhựa của các doanh nghiệp trên địa bàn TP.Sa Đéc... Ngoài ra, để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường sau khi thu hoạch lúa, nhất là nguồn rơm rạ trên đồng ruộng, Công ty Cỏ May (Cỏ May Group) - Khu công nghiệp Sa Đéc đã đầu tư vào nghiên cứu rơm rạ, phục sinh chuỗi sản xuất tuần hoàn. Theo đó, Cỏ May Group tạo ra bất ngờ khi trình làng sản phẩm mới là nấm rơm hữu cơ trồng trong nhà kín, không dùng bất kỳ loại hóa chất nào. Giá trị của rơm còn được nâng cao gấp nhiều lần khi nấm rơm được chế biến thành bột dinh dưỡng, nước mắm chay, nấm sấy, nấm tươi...
Phân hữu cơ được ủ từ xoài, rượu của Tâm Quê Hội quán (ảnh chụp trước ngày 27/4). Ảnh: Mỹ Nhân
Tuy nhiên, muốn phát triển KTTH cần phải đổi mới công nghệ và thiết kế mô hình. Trong khi, Đồng Tháp là tỉnh thuần nông, phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ với công nghệ lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ lẻ nên gặp nhiều khó khăn, thách thức khi thực hiện KTTH. Bên cạnh đó, tỉnh vẫn còn thiếu đội ngũ chuyên gia giỏi để giải quyết chu trình khép kín của KTTH, từ khâu thiết kế đến khâu tái sử dụng, tái chế. Đặc biệt, ý thức phân loại chất thải tại nguồn của người dân vẫn còn hạn chế, trong khi để phát triển KTTH đòi hỏi phải có sự phân loại, làm sạch chất thải trước khi đưa vào tái sử dụng.
Trong thời gian tới, để tạo ra nhiều mô hình KTTH có hiệu quả, tỉnh cần tạo hành lang pháp lý minh bạch, ổn định, môi trường kinh doanh và đầu tư thông thoáng, thuận lợi đối với các doanh nghiệp khi triển khai thực hiện KTTH. Bên cạnh đó, cần có hình thức khuyến khích, ưu đãi về cơ chế, thủ tục hành chính, về tài chính, về tiếp cận các nguồn lực; nhân rộng các mô hình KTTH có hiệu quả nhằm tạo hiệu ứng trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời xây dựng chiến lược truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của các nhà sản xuất và xã hội về trách nhiệm của họ đối với các sản phẩm trong suốt vòng đời của chúng.
Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện và ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp môi trường, nhất là công nghiệp tái chế. Ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn về công nghệ, quản lý dự án theo vòng đời, thúc đẩy phát triển thị trường trao đổi sản phẩm phụ, sản phẩm thải bỏ nhằm kết nối chuỗi liên kết giữa “thải bỏ - tái chế - tái sử dụng” để rác thải, chất thải trở thành tài nguyên thứ cấp trong chu trình sản xuất mới. Song song đó, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng thúc đẩy doanh nghiệp cải tiến quy trình, cách thức quản lý, nghiên cứu phát triển gia tăng vòng đời của sản phẩm để đạt hiệu quả chung về kinh tế và thân thiện với môi trường...
Thực hiện KTTH, tỉnh cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, phát triển công nghiệp tái chế, thúc đẩy sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường. Xây dựng lộ trình mô hình KTTH từ vi mô đến vĩ mô, trong đó doanh nghiệp là động lực trung tâm. Trước mắt là rà soát xây dựng lộ trình tuần hoàn cho một số vật liệu, khuyến khích các sáng kiến và điển hình tốt, phù hợp với đặc điểm của lĩnh vực vật liệu đó, từ đó nhân rộng.
Tinh dầu khử mùi hôi giày của Công ty TNHH Tinh dầu Hương Đồng Tháp được chế biến từ phụ phẩm nông sản mang tính ứng dụng cao. Ảnh: Khánh Duy
Đồng thời có cơ chế chính sách khuyến khích phát triển KTTH trong lĩnh vực xử lý nước thải dùng lại cho sản xuất; tái chế sử dụng lại vật liệu xây dựng thay thế việc khai thác cát dưới lòng sông; nghiên cứu tái chế rác thải thành nguyên vật liệu có ích có thể dùng cho chôn lấp tại các điểm sạt lở, xây dựng đê bao theo công nghệ hiện đại và thân thiện với môi trường. Mặt khác, đẩy mạnh thu hồi vật liệu và hạn chế rác thải khó tái chế, tạo điều kiện cho công tác thu gom, vận chuyển đưa vào tái sử dụng, tái chế được thuận lợi và dễ dàng hơn; phát động phong trào lao động sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và phát triển các mô hình KTTH trong cộng đồng dựa vào lợi thế và nguồn tài nguyên bản địa của từng địa phương.
PHẠM NGỌC HÒA