Kỹ sư nông nghiệp khởi nghiệp với sản xuất xoài hữu cơ và rượu xoài

Cập nhật ngày: 24/12/2018 16:24:36

ĐTO - Lớn lên giữa vùng nguyên liệu sản xuất xoài xã Tịnh Thới, TP.Cao Lãnh, anh Nguyễn Văn Hiếu chứng kiến nhiều vụ xoài của gia đình bị thương lái ép giá, đầu ra bấp bênh. Với mong muốn nâng cao giá trị nông sản của quê hương, anh Hiếu mạnh dạn khởi nghiệp với sản phẩm xoài canh tác hữu cơ và rượu xoài.


Anh Nguyễn Văn Hiếu (bên phải) giới thiệu sản phẩm rượu xoài tại Phiên chợ Nông nghiệp xanh của tỉnh

Năm 2011, sau khi tốt nghiệp kỹ sư nông nghiệp chuyên ngành Bảo vệ thực vật (Trường Đại học Cần Thơ), anh Hiếu nghĩ ngay đến việc trồng xoài theo hướng hữu cơ để nâng cao giá trị cho trái xoài, đồng thời đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Vậy là anh Hiếu lên mạng tìm hiểu, đồng thời học hỏi quy trình sản xuất xoài hữu cơ của những người đi trước để áp dụng quy trình vào diện tích canh tác xoài của gia đình.

Anh Hiếu chia sẻ, sản xuất xoài hữu cơ thì năng suất thấp hơn khoảng 35% so với quy trình trồng xoài thông thường. Tuy nhiên, giá xoài được thu mua cao hơn khoảng 5.000 đồng/kg, kéo theo lợi nhuận cũng hơn khoảng 5 triệu đồng/công so với quy trình canh tác xoài truyền thống.

Đặc biệt, xoài trồng theo quy trình này có sổ sách ghi chép đầy đủ, chứng nhận xoài sản xuất an toàn nên được các doanh nghiệp và người tiêu dùng tin tưởng và ủng hộ rất cao. Hiện nay, sản phẩm xoài do anh Hiếu canh tác đã được các siêu thị ở TP.Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Phan Thiết tiêu thụ với số lượng lớn để cung ứng cho thị trường.

Mặc dù đã có đầu ra ổn định, tuy nhiên điều khiến anh Hiếu trăn trở là sau khi thương lái thu mua vẫn còn một lượng xoài chín tại vườn tiêu thụ khó khăn.

“Qua kiến thức đã học, được biết trong xoài chín có hàm lượng glucose và nhiều chất có thể chuyển hóa lượng đường trong xoài để lên men làm rượu. Nếu việc nghiên cứu của mình thành công sẽ tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương để tạo ra giá trị mới cho mặt hàng xoài” - anh Hiếu chia sẻ.

Từ mong muốn đó, anh Hiếu tiếp tục tìm hiểu quy trình ủ, lên men rượu xoài. Thời gian đầu, anh Hiếu dùng phương pháp nấu rượu xoài theo kiểu truyền thống, cho xoài vào chưng cất để thu về rượu nguyên chất. Tuy nhiên, phương pháp này không mang lại thành công như mong đợi do rượu không giữ được độ thơm, ngọt của vị xoài tự nhiên. Không bỏ cuộc trước thách thức, anh Hiếu tiếp tục tìm tòi, thay đổi kỹ thuật sản xuất rượu xoài bằng cách ủ men, sau đó ngâm rượu xoài trong thời gian 3 tháng rồi mới tiến hành thu kết quả. Với cách làm này đã mang lại kết quả đáng phấn khởi.

Đầu năm 2017, sản phẩm rượu xoài thành phẩm ra lò, anh Hiếu mời người thân, bạn bè uống thử. Qua đó, mọi người đều khen sản phẩm ngon, giữ được hương thơm, vị ngọt giống với xoài tự nhiên.

Để tiếp tục hoàn thiện sản phẩm, anh Hiếu mạnh dạn đem rượu xoài giới thiệu với người tiêu dùng tại các Phiên chợ Nông nghiệp xanh do tỉnh tổ chức và được khách hàng trong và ngoài tỉnh đón nhận. Theo anh Hiếu, hiện nay, mỗi tháng anh cung cấp cho thị trường với số lượng trên 100 chai rượu xoài dùng để làm quà biếu, tặng. Đặc biệt vào các dịp lễ, Tết, sản phẩm rượu xoài được tiêu thụ mạnh hơn, có khi lên đến hơn 200 chai/tháng.

Với mong muốn lớn nhất là nâng cao giá trị cho trái xoài thông qua các sản phẩm sau thu hoạch, anh Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ về định hướng kinh doanh trong thời gian tới: “Đối với sản phẩm rượu xoài, sẽ hoàn thiện bao bì, nhãn mác cho sản phẩm tiếp cận các kênh tiêu thụ như cửa hàng tiện ích, siêu thị. Ngoài ra, nếu có điều kiện tôi sẽ nghiên cứu, thử nghiệm sản xuất thêm xoài sấy dẻo, xoài sấy khô nhằm mang lại sự tiện dụng cho người tiêu dùng”.

Thảo Vy

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn