Nông nghiệp huyện Tháp Mười chuyển dịch phát triển theo chiều sâu
Cập nhật ngày: 20/12/2018 10:52:03
ĐTO - Sau hơn 3 năm thực hiện đề án tái cơ cấu, nền nông nghiệp của huyện Tháp Mười có nhiều chuyển biến tích cực. Từ tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, chưa chú trọng đến chất lượng sản phẩm đầu ra, hiện nay nông dân của địa phương nhận thức sâu sắc hơn về tầm quan trọng của mô hình liên kết chuỗi cũng như sản xuất nông sản sạch.
Ứng dụng máy cấy giúp nông dân trồng lúa giảm áp lực về đổ ngã, tăng lợi nhuận kinh tế
Năm 2018, với sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngành, chính quyền địa phương và đông đảo nông dân, nông nghiệp huyện Tháp Mười xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, bước đầu mang lại sự phấn khởi và niềm tin cho nhiều nông dân. Trong đó phải kể đến mô hình liên kết trong sản xuất lúa của nông dân Tháp Mười.
Theo thông tin từ UBND huyện Tháp Mười, trong năm 2018, tổng diện tích liên kết tiêu thụ lúa của toàn huyện là trên 20,2 ngàn ha, đạt 135,2% so kế hoạch, tăng 2.310ha so với cùng kỳ 2017. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện cũng xuất hiện mô hình lúa cấy bằng máy, bước đầu hiệu quả và có sức lan tỏa mạnh mẽ đối với nông dân.
Đầu năm đến nay, toàn huyện Tháp Mười có hơn 5,2 ngàn ha lúa áp dụng máy cấy, tăng gần 2.400ha so với cùng kỳ 2017. Song song với mô hình ứng dụng máy cấy, mô hình áp dụng giảm giá thành trong sản xuất cũng tăng diện tích.
Năm 2018, toàn huyện có 76.503ha áp dụng kỹ thuật này, đạt 67,8%/85% kế hoạch, tăng 10.636ha so với cùng kỳ 2017. Việc tham gia thực hiện các mô hình đã làm thay đổi tập quán sản xuất truyền thống của nông dân, biết ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất, giảm giá thành và tăng thu nhập. Liên kết sản xuất được người dân, doanh nghiệp quan tâm hưởng ứng tích cực, dần dần ổn định, tiến tới liên kết bền vững, lâu dài.
Một trong những điểm sáng trong thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của huyện phải kể đến mô hình chăn nuôi vịt nhốt tại chỗ an toàn sinh học. Người nông dân chuyển đổi từ phương thức nuôi vịt chạy đồng sang chăn nuôi an toàn sinh học và thực hiện mô hình liên kết chuỗi hiệu quả.
Hiện nay, huyện có 3 tổ hợp tác (THT) nuôi vịt nhốt an toàn sinh học tại các xã: Mỹ Hòa, Mỹ An và Mỹ Đông, với số lượng đàn vịt đang nuôi nhốt khoảng 43.200 con, sản lượng trứng cung cấp cho thị trường trên 10 triệu trứng/năm. Song song đó, để đáp ứng nhu cầu thị trường về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, hiện tại một số trang trại chăn nuôi vịt của huyện đã áp dụng chăn nuôi theo hướng VietGAP.
Tháng 11 vừa qua, một trang trại chăn nuôi vịt ở xã Mỹ Hòa được cấp giấy chứng nhận VietGAP cho sản phẩm trứng vịt. Đây cũng là trang trại đầu tiên của địa phương được Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh cấp mã vạch chứng nhận sản phẩm trứng vịt có nguồn gốc và được đưa vào tiêu thụ ở các hệ thống siêu thị TP.Hồ Chí Minh từ năm 2017. Đây được xem là bước tiến mới trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành hàng được xem là khó khăn nhất của tỉnh.
Năm 2018 cũng được xem là cột mốc quan trọng khi nhiều ngành hàng chủ lực của huyện Tháp Mười có chuyển biến mạnh mẽ. Từ việc sản xuất, chăn nuôi chưa quan tâm nhiều đến vấn đề đầu ra, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như đầu tư vào chế biến, hiện một số ngành hàng thế mạnh của địa phương, nông dân đã quan tâm nhiều hơn đến sản xuất theo hướng VietGAP. Điển hình là ngành hàng ếch và ngành hàng cá sặc rằn. Huyện đang có hai THT chăn nuôi ếch và cá sặc rằn được cấp chứng nhận VietGAP là THT nuôi ếch xã Đốc Binh Kiều và THT nuôi cá sặc rằn xã Láng Biển.
Mô hình nuôi vịt rọ đang được nhân rộng tại nhiều địa phương trên địa bàn huyện Tháp Mười
Anh Đỗ Văn Liêm - Tổ trưởng THT nuôi ếch xã Đốc Binh Kiều tâm sự: “Mặc dù hiện nay, giá ếch được chứng nhận VietGAP chưa có khác biệt so với ếch được sản xuất thông thường nhưng các thành viên trong THT vẫn muốn duy trì mô hình này. Bởi chúng tôi tin rằng khi mình sản xuất nghiêm túc và có trách nhiệm thì người tiêu dùng sẽ không quay lưng lại với mình”.
Nhận xét về bước tiến trong tư duy sản xuất nông nghiệp của nông dân, ông Đinh Minh Dũng - Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười cho rằng, có thể nói thành công lớn nhất trong việc triển khai và thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện nhà chính là sự chuyển biến về tư duy làm nông nghiệp của người nông dân. Từ chỗ làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, chưa quan tâm đến liên kết và thị trường thì hiện nay phần lớn nông dân Tháp Mười đã biết cùng ngồi lại với nhau trong tổ chức hợp tác xã. Cũng từ đây đã hình thành nhiều vùng sản xuất lớn có thực hiện liên kết chuỗi đầu vào và đầu ra với doanh nghiệp.
Cũng theo ông Đinh Minh Dũng, thời gian gần đây, nông dân Tháp Mười cũng nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc sản xuất sạch và an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp. Từ những đột phá trong tư duy đã giúp người nông dân giành được vị thế cho nông sản của mình. Song, bên cạnh những mặt tích cực thì địa phương cũng đang đối mặt với nhiều thách thức.
Trong đó, quy mô sản xuất nông sản sạch còn khiêm tốn khiến cho việc kết nối tiêu thụ với doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Nhu cầu về sử dụng nguồn giống chất lượng đối với ngành hàng sen và ngành hàng ếch cũng là một trong những khó khăn mà địa phương đang tìm hướng để tháo gỡ. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất sạch và có liên kết hiệu quả, tập trung kêu gọi doanh nghiệp chế biến nông sản về đầu tư tại địa phương để tăng khả năng cạnh tranh cho nông sản địa phương.
Mỹ Lý