Thay đổi tập quán sản xuất để gìn giữ và bảo vệ môi trường
Cập nhật ngày: 18/12/2018 14:59:09
ĐTO - Lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và kỹ thuật canh tác chưa hợp lý là những nguyên nhân khiến cho tình trạng ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp ngày một trầm trọng trong những năm gần đây.
Để khắc phục điểm nghẽn này, thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai nhiều mô hình và giải pháp hiệu quả giúp nông dân thay đổi tập quán sản xuất để gìn giữ và bảo vệ môi trường.
Mô hình sinh thái ruộng lúa bờ hoa giúp nông dân trồng lúa giảm thiểu được số lần phun thuốc, giảm ô nhiễm môi trường
Môi trường bị tổn thương từ việc canh tác không hợp lý
Không phủ nhận những lợi ích và hiệu quả mà phân bón hóa học và thuốc BVTV đã mang lại cho ngành nông nghiệp trong nhiều năm qua, tuy nhiên việc quá lạm dụng các sản phẩm này của nông dân trong thời gian dài đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường ảnh hưởng đến chất lượng sống của cộng đồng dân cư.
Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Đồng Tháp, trung bình mỗi năm, nông dân Đồng Tháp sử dụng khoảng 315 ngàn tấn phân bón và khoảng trên 2.700 tấn thuốc BVTV cho ngành nông nghiệp. Song, không phải 100% lượng phân bón và thuốc BVTV đều được cây trồng sử dụng và hấp thụ hoàn toàn mà có một lượng khá lớn bị rửa trôi và thải ra môi trường bên ngoài. Trong đó, phân đạm là loại phân điển hình bị bốc hơi và rửa trôi nhiều nhất, trung bình 1kg phân đạm bón vào trong đất thì cây trồng chỉ sử dụng được từ 40 - 50%, số còn lại bị bốc hơi và rửa trôi thẳng ra môi trường bên ngoài.
Theo Giáo sư - Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, những hợp chất của phân đạm khi bốc hơi sẽ phát thải ô nhiễm gấp 300 lần so với khí CO2 từ các nhà máy công nghiệp. Bên cạnh đó, tập quán đốt đồng sau mỗi vụ mùa của nông dân cũng là một trong nhiều tác nhân chính khiến cho môi trường ngày càng ô nhiễm. Đốt đồng ở nhiệt độ cao sẽ khiến một lượng nước lớn trong đất bị bốc hơi, đồng ruộng trở nên khô và có khả năng chai cứng nếu đốt đồng nhiều lần và lâu dài. Đặc biệt khi đốt rơm, mỗi hecta sẽ phát thải 110 tấn khí CH4, 10 tấn khí N2O. Đây là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và quá trình sản xuất của người dân.
Nhiều năm qua, với lối canh tác không hợp lý, quá lạm dụng và phụ thuộc vào các biện pháp hóa học đã khiến cho hệ sinh thái tự nhiên trong nông nghiệp bị suy thoái nghiêm trọng. Phân tích về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh - Chi Cục trưởng Chi Cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Đồng Tháp cho rằng, với tư duy canh tác “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, nông dân đã vô tình phá vỡ sự cân bằng sinh thái trong tự nhiên. Bên cạnh các loại sâu gây hại bị tiêu diệt thì nhiều loại thiên địch và vi sinh vật có lợi cũng bị mất đi. Khi trong môi trường tự nhiên không còn thiên địch và vi sinh vật đối kháng thì cây trồng dễ bị sâu bệnh tấn công nhiều hơn. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến cho nông dân ngày một “mạnh tay hơn” cho các liệu pháp hóa học.
Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng cách là nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường
Với nhu cầu về sử dụng thuốc BVTV khá lớn cho hoạt động sản xuất như hiện nay, trung bình mỗi năm tỉnh Đồng Tháp có trên 100 tấn bao bì thuốc BVTV thải ra môi trường. Bên cạnh những nông dân có ý thức trong việc thu gom và xử lý thì vẫn còn không ít nông dân vứt bỏ chai lọ, bao bì thuốc BVTV trực tiếp ra các kênh mương, làm ảnh hưởng rất lớn đến nguồn nước sinh hoạt và tưới tiêu của người dân.
Thay đổi tư duy sản xuất vì một nền nông nghiệp xanh - bền vững
Xác định nông nghiệp là nền kinh tế mũi nhọn của tỉnh, thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp đã có những quyết sách mạnh mẽ giúp cho ngành nông nghiệp tỉnh nhà có bước tăng trưởng nhảy vọt. Phát triển sản xuất nông nghiệp sạch - an toàn, thực hiện liên kết chuỗi... là một trong những giải pháp mà nông nghiệp Đồng Tháp đang hướng tới.
Chia sẻ về vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan nhận định, thời gian gần đây, thông qua mô hình Hội quán, hợp tác xã, người nông dân đã được hướng dẫn tiếp cận quy trình sản xuất sạch, nông nghiệp có trách nhiệm, nông nghiệp thông minh. Nông dân Đồng Tháp đang tiếp cận với nền nông nghiệp 4.0 theo sự tư vấn và định hướng từ các nhà khoa học. Đó là sản xuất nông nghiệp bền vững phải bắt đầu từ việc hạn chế sử dụng thuốc BVTV, phân hóa học mà gia tăng sử dụng các chế phẩm sinh học, các phương thức sản xuất thân thiện với môi trường và người sử dụng để tạo ra các sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Đây thật sự là một hành trình đầy khó khăn nhưng Đồng Tháp đang kiên trì thực hiện.
Với tinh thần đó, thời gian qua, nông dân Đồng Tháp được ngành nông nghiệp tỉnh và đội ngũ nhà khoa học từ các Viện, trường chuyển giao nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp giúp giảm ô nhiễm môi trường, tăng hiệu quả kinh tế như: sản xuất lúa giảm giá thành, giảm lượng giống gieo sạ và cày vùi phân, sinh thái ruộng lúa bờ hoa, sản xuất lúa an toàn, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ...
Trên cây ăn trái, nhà vườn Đồng Tháp cũng từng bước chuyển đổi kỹ thuật canh tác, nhiều mô hình sản xuất cây ăn trái sạch an toàn ngày một được nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Thông qua các mô hình này, người nông dân được trang bị nhiều kiến thức về sản xuất nông nghiệp an toàn cho chính mình, an toàn cho người tiêu dùng và ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường.
Ông Lê Thanh Tùng ngụ xã Tân Thuận Tây, TP.Cao Lãnh cho biết: “Hiện nay hơn 1ha vườn xoài của tôi đã được chứng nhận VietGAP. Tôi dự định sẽ xây dựng homestay làm mô hình du lịch sinh thái vào đầu năm 2019, nhưng tôi nghĩ để làm du lịch sinh thái thì nhất định phải sản xuất theo hướng hữu cơ. Hiện tôi đang tiến hành chuyển đổi thí điểm 1/3 diện tích vườn sang mô hình sản xuất xoài theo hướng này, khi thành công tôi sẽ tiếp tục chuyển đổi 100% diện tích. Bởi chỉ có sản xuất theo hướng hữu cơ thân thiện với môi trường thì khách du lịch mới có thể tin tưởng và gắn bó với mình”.
Nông dân thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật
Để giúp người nông dân xóa bỏ thói quen vứt bao bì thuốc BVTV ra môi trường, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh nhà đã phối hợp với các ngành và đoàn thể, doanh nghiệp thực hiện thu gom chai lo, bao bì thuốc BVTV ở một số khu vực huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Từ năm 2016 đến nay, ngành nông nghiệp đã vận động nông dân tự thu gom các bao gói thuốc BVTV sau sử dụng để đúng nơi quy định, đã thu gom được 28.870kg bao gói thuốc BVTV sau sử dụng và đem tiêu hủy tại nhà máy INSEE - Kiên Giang.
Với tư duy làm nông nghiệp mới, nông dân Đồng Tháp tự chữa được “căn bệnh” lạm dụng phân bón hóa học và thuốc BVTV của mình. Bên cạnh đó, nông dân Đồng Tháp đang cố gắng “chữa lành vết thương” cho môi trường tự nhiên từ việc giảm số lần phun xịt thuốc, sử dụng nhiều hơn các chế phẩm sinh học; trả lại thành phần hữu cơ nhiều hơn cho đất, không vứt rác thải, bao bì thuốc BVTV ra môi trường... Đây cũng là cách mà nông dân Đồng Tháp mong muốn người tiêu dùng có cái nhìn thiện cảm hơn, tin tưởng hơn với các mặt hàng nông sản nội địa.
Mỹ Lý