Lai tạo giống - điểm mấu chốt để xây dựng ngành hàng lúa gạo
Cập nhật ngày: 17/08/2015 12:43:19
Lúa gạo là một trong những ngành hàng thế mạnh của tỉnh Đồng Tháp. Trong những năm qua, công tác lai tạo giống lúa đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao thường xuyên tổ chức mô hình trình diễn giống lúa mới
Trong điều kiện sản xuất hiện nay, giống lúa chất lượng cao được xem là tiền đề của sự thành công, là vấn đề quan trọng số 1 trong sản xuất. Khi bắt đầu một vụ sản xuất, người nông dân thường nghĩ ngay đến việc chọn lựa loại giống lúa có chất lượng tốt, phù hợp để canh tác. Bởi vì, giống lúa có vai trò rất quan trọng trong việc gia tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả của việc đầu tư.
Là đơn vị trực tiếp phụ trách khâu lai tạo giống, những năm qua Trung tâm Ứng dụng Nông nghiệp công nghệ cao (UDNNCNC) đã làm tốt công tác lai tạo, khảo nghiệm, trình diễn, chọn lọc dòng thuần và cung ứng giống, góp phần thúc đẩy ngành hàng lúa gạo của tỉnh nhà phát triển.
Công tác lai tạo giống lúa mới được đơn vị thực hiện từ cuối năm 2009 đến cuối năm 2012 qua 7 vụ sản xuất, tuyển chọn dòng thực hiện theo quy trình lai tạo giống. Đơn vị đã lai tạo được 19 giống triển vọng, đặt tên là ĐTS (Đong Thap Seeds), trong đó có 3 giống nổi bật phù hợp với yêu cầu sản xuất là ĐTS 4, ĐTS 9 và ĐTS 19. Các giống lúa này đã đăng ký khảo nghiệm quốc gia, nếu đạt yêu cầu sẽ tiến hành sản xuất thử trên diện rộng và công nhận giống mới. Vụ hè thu 2015, Trung tâm UDNNCNC đưa ra trình diễn 7 giống mới từ ĐTS 20 - ĐTS 26, tổng cộng 26 giống. 7 giống này có ưu điểm nổi bật so với các giống trước là thời gian sinh trưởng ngắn hơn (88-95 ngày).
Song song với công tác lai tạo giống, hàng năm, đơn vị còn triển khai công tác khảo nghiệm giống lúa mới. Kết hợp với các đơn vị nghiên cứu, các Viện, Trường nhận những bộ giống mới về trồng khảo nghiệm (70-100 giống/năm) nhằm đánh giá khả năng cho năng suất để tuyển chọn ra những giống thích nghi đưa vào phục vụ sản xuất. Những giống thích nghi tuyển chọn qua khảo nghiệm sẽ được tập trung lại thành bộ giống trình diễn để đơn vị xây dựng “mô hình trình diễn giống lúa mới” nhằm giúp nông dân có điều kiện quan sát, so sánh, đánh giá thực tế trên đồng ruộng và thông qua hội thảo giống, nông dân bầu chọn những giống tốt để đưa vào sản xuất.
Ngoài ra, để phục vụ nhu cầu giống cho sản xuất, Trung tâm thực hiện công tác chọn lọc dòng thuần (phục tráng giống) nhằm tạo ra giống thuần siêu nguyên chủng, nguyên chủng và xác nhận để cung ứng cho các cơ sở sản xuất – kinh doanh giống, các câu lạc bộ, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác nhân giống và nông dân sản xuất đại trà.
Trong chuyến tham gia đánh giá giống lúa triển vọng vụ hè thu năm 2015 tại Trại ứng dụng thực nghiệm cây trồng An Phong (ấp Nhứt, xã An Phong, huyện Thanh Bình), ông Nguyễn Văn Chơn - Phó Giám đốc HTX nông nghiệp Hòa Bình, xã Bình Thành, huyện Thanh Bình chia sẻ: “Hiện nay diện tích canh tác lúa của HTX trên 600ha, tuy nhiên chỉ có một phần nhỏ canh tác giống lúa chất lượng cao, còn lại vẫn còn canh tác giống lúa ngang, chất lượng thấp. Do không canh tác giống lúa đồng nhất và chất lượng cao nên thời gian qua HTX vẫn chưa kết nối với doanh nghiệp bao tiêu. Sau lần tham gia mô hình trình diễn giống lúa mới của Trung tâm, tôi tìm được một số giống lúa mới, chất lượng, dự kiến sẽ chọn ra một giống thích hợp, phù hợp với điều kiện canh tác hiện nay của HTX để canh tác cho vụ đông xuân tới”.
Là ngành hàng được ưu tiên lựa chọn trong đề án tái cơ cấu nông nghiệp, công tác lai tạo giống lúa được tổ chức thực hiện chuyên sâu và bài bản hơn. Ông Phạm Hữu Phước, Giám đốc Trung tâm UDNNCNC tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Trước đây, công tác giống phần lớn là đơn vị tự nghiên cứu, thực hiện chưa được “bài bản”. Hiện nay, đơn vị đang kết hợp với các Viện, Trường để nghiên cứu lai tạo, ứng dụng ưu thế lai, gây đột biến, cấy mô, chuyển gen,... thay cho phương pháp lai tạo thụ phấn thủ công; đầu tư thiết bị nghiên cứu để rút ngắn thời gian lai tạo ra giống mới và tạo ra giống chất lượng hơn”.
Mỹ Lý