Lấp Vò - 30 năm phát triển

Cập nhật ngày: 30/08/2019 10:28:01

ĐTO - Sau 30 năm thành lập, diện mạo của huyện Lấp Vò có nhiều thay đổi, kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện. Thành tựu đáng tự hào này của quân và dân huyện Lấp Vò là tiền đề vững chắc để thế hệ trẻ kế thừa, phát huy, đồng lòng chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.


Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường (bên phải) đến thăm Công ty CP Lương thực Intimex trên địa bàn huyện Lấp Vò

Từ Thạnh Hưng ngày ấy...

Trước yêu cầu thực tiễn cách mạng, địa danh Lấp Vò đã không ít lần đổi tên. Theo đó, tháng 6/1975, huyện Lấp Vò và Lai Vung sáp nhập lấy tên là huyện Lấp Vò; đến tháng 1/1981 huyện Lấp Vò đổi tên thành huyện Thạnh Hưng; ngày 19/8/1989, huyện Thạnh Hưng tách ra thành 2 huyện là Lai Vung và Thạnh Hưng, đây được xem là ngày tái lập 2 huyện. Đến tháng 12/1996, huyện Thạnh Hưng đổi tên lại thành Lấp Vò, đánh dấu một sự kiện quan trọng của lịch sử huyện nhà, ngày Lấp Vò trở về với tên gọi cũ của chính mình.

Những năm đầu mới tái lập, Đảng bộ và nhân dân huyện Lấp Vò đối mặt với biết bao bộn bề khó khăn. Trong đó, xuất phát điểm là một huyện thuần nông nên nông nghiệp chiếm chủ yếu trong cơ cấu kinh tế; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp thời điểm đầu còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tập trung; thương mại - dịch vụ chưa được hình thành; thu ngân sách trên địa bàn đạt thấp. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thiếu so với yêu cầu nhiệm vụ, phải điều chuyển và tuyển dụng mới nên một số cán bộ còn hạn chế về năng lực, kinh nghiệm thực tiễn.

Từ những ngày đầu tái lập, kinh tế những năm đầu mới thành lập huyện còn khó khăn, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của huyện; kết cấu hạ tầng nông thôn chưa được đầu tư xây dựng, giao thông đi lại chủ yếu bằng đường thủy; đời sống nhân dân còn thiếu thốn nhiều mặt. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân gặp nhiều khó khăn.

Ông Đặng Hữu Tâm - Chủ tịch UBND huyện Lấp Vò cho biết: “Với những khó khăn ở thời kỳ đầu mới tái lập, cả hệ thống chính trị huyện đã cùng phát huy truyền thống quê hương anh hùng tập trung lãnh đạo qui tụ sự đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng của cán bộ, các tầng lớp nhân dân; sáng tạo, quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành và ban hành nhiều chủ trương, quyết sách phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương và ý chí của đông đảo quần chúng nhân dân. Thực hiện tốt công tác vận động nhân dân, luôn tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, học hỏi dân, dựa vào dân để khắc phục khó khăn, nhanh chóng ổn định tình hình, bắt tay ngay vào xây dựng và phát triển quê hương”.

Nhờ vậy, bức tranh kinh tế - xã hội của Lấp Vò hồi phục và khởi sắc; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững, bước đầu xây dựng được một số cơ sở kinh tế - xã hội phục vụ cho sự nghiệp đổi mới trong thời gian tiếp theo.


Sau 30 năm tái thành lập, kết cấu hạ tầng huyện Lấp Vò không ngừng phát triển

...Đến Lấp Vò hôm nay

Sau 30 năm hình thành và phát triển, huyện Lấp Vò hôm nay có nhiều khởi sắc. Đặc biệt, từ quá trình nỗ lực xây dựng nông thôn mới góp phần thổi làn gió mới đến từng vùng quê, đời sống của người dân từ đó được cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần.

Đến Lấp Vò hôm nay, có thể nhận thấy được sự phát triển mạnh mẽ và ngày càng hoàn thiện theo hướng bê tông hóa, nhựa hóa, nhiều công trình, dự án có ý nghĩa chính trị - xã hội, có vốn đầu tư lớn của Trung ương, của tỉnh như: cầu Cao Lãnh, đường nối giữa 2 cầu Cao Lãnh - Vàm Cống, Quốc lộ 54, đường ĐT 852B đã hoàn thành đưa vào sử dụng... làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn và phục vụ ngày càng tốt hơn cho sản xuất và đời sống nhân dân.


Cầu Vàm Cống khánh thành và thông xe mang lại lợi thế quan trọng cho huyện Lấp Vò

Sau 30 năm nỗ lực và phấn đấu, kinh tế của huyện đạt được nhiều thành tựu nổi bật, ổn định phù hợp với tiềm năng thế mạnh của tỉnh nói chung và huyện Lấp Vò nói riêng. Đến năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của huyện trên 48 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 10 lần so với năm 1989; giá trị sản xuất ngành công nghiệp đạt 7.600 tỷ đồng, tăng 410 lần so với năm 1989; thu ngân sách năm sau cao hơn năm trước, hàng năm đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch.

Từ một huyện thuần nông, đến nay, huyện Lấp Vò đã trở thành một trong những điểm sáng của tỉnh về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch. Từ con số chỉ có 2.992 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp vào năm 1995, đến nay toàn huyện có 268 doanh nghiệp, hơn 13.442 cơ sở, hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động với nhiều ngành nghề khác nhau đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế, xã hội, giải quyết việc làm cho trên 5.000 lao động mỗi năm.


Mô hình trồng rau, kết hợp nuôi cá Aquaponics mở ra điểm sáng cho nền nông nghiệp công nghệ cao của huyện Lấp Vò

Các hoạt động thương mại - dịch vụ ngày càng phát triển đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, qua đó góp phần đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ của địa phương hằng năm đều tăng. Bên cạnh đó, huyện tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch và bước đầu hình thành các điểm du lịch như: Khu Du lịch Văn hóa Phương Nam; điểm du lịch sinh thái Cồn Ông xã Tân Khánh Trung, Khu di tích Đình Tòng Sơn - Đền thờ Phật Thầy Tây An, Đình thần Định Yên, Homestay Huỳnh Gia...

Hiện toàn huyện có 26 trường đạt chuẩn Quốc gia; 100% cán bộ quản lý và hầu hết giáo viên đứng lớp ở các cấp học đều đạt chuẩn và trên chuẩn; 13/13 Trạm y tế đạt chuẩn Quốc gia về cơ sở vật chất. Là một người dân sống lâu năm tại huyện, ông Trần Thanh Phong ngụ thị trấn Lấp Vò, huyện Lấp Vò cho biết: “Lấp Vò hôm nay có nhiều khởi sắc. Những con đường đất gồ ghề, lầy lội trơn trợt ở những vùng nông thôn ngày nào giờ thay thế thành đường bê tông khang trang, len lỏi vào tận vùng sâu. Trạm y tế, trường học, nhà văn hóa... được nâng cấp, xây dựng mới, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển của người dân”.

Nói về chặng đường phía trước, ông Đặng Hữu Tâm - Chủ tịch UBND huyện Lấp Vò cho biết: “Thời gian tới, huyện sẽ tập trung triển khai theo hướng bền vững các lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; thương mại - dịch vụ - du lịch; tài chính - ngân hàng; xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị. Cùng với đó, tiếp tục xây dựng nông thôn mới bằng việc thực hiện 19 tiêu chí một cách bền vững; triển khai mạnh mẽ Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó quan tâm phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch gắn với thương hiệu, nhãn hiệu nông sản trên địa bàn. Tổ chức xúc tiến hoạt động đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, nhất là đầu tư vào các cụm công nghiệp của huyện. Tiếp tục củng cố xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy - học đối với cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện; tăng cường thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa...”.

Khánh Phan

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn