Lũ lên nhanh, nhiều diện tích lúa thu đông bị đe dọa
Cập nhật ngày: 05/09/2018 15:48:12
ĐTO - Hiện nay, tình hình thủy văn sông Mê Kông diễn biến phức tạp, mực nước dâng cao khiến nhiều diện tích lúa thu đông bị đe dọa. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng chỉ đạo các ngành, địa phương không được chủ quan, việc bảo vệ tính mạng, tài sản người dân là nhiệm vụ đặt lên hàng đầu.
Gia cố các tuyến đê bao
15.000ha lúa thu đông bị lũ đe dọa
Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, diễn biến mực nước tại khu vực đầu nguồn dao động ở mức báo động II trong những ngày đầu tháng 9/2018. Sau đó, mực nước khu vực này sẽ tăng dần theo triều và lũ thượng nguồn, đến cuối tháng 9/2018, mực nước tại đây sẽ đạt mức báo động cấp III và cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,2 - 0,4m, sau đó biến đổi chậm rồi xuống dần trong tháng 10.
Tại khu vực nội đồng Tháp Mười, lũ sẽ cao dần đến cuối tháng 9 và đạt đỉnh trong khoảng nửa đầu tháng 10. Đỉnh lũ năm tại khu vực này cao hơn báo động cấp III khoảng 0,1 - 0,3m và cao hơn trung bình nhiều năm khoảng từ 0,4 - 0,6m.
Mực nước khu vực phía Nam xuống dần trong khoảng 5 ngày đầu tháng 9, sau đó tăng cao dần đến cuối tháng 9 và đạt đỉnh trong khoảng nửa đầu tháng 10. Mực nước cao nhất năm tại khu vực này ở mức cao hơn báo động cấp III khoảng 0,1 - 0,2m và cao hơn trung bình nhiều năm khoảng từ 0,3 - 0,4m.
Theo ông Võ Thành Ngoan - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mực nước tại các nơi trong tỉnh sẽ tiếp tục tăng dần do ảnh hưởng của triều cường biển Đông và lũ thượng nguồn đổ về. Dự báo đỉnh lũ năm 2018 tại khu vực đầu nguồn có khả năng sẽ lên trên mức báo động III vào nửa cuối tháng 9, đầu tháng 10. Vì vậy, nguy cơ xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng, thấp và mất an toàn đê bao là khá cao.
Mực nước lũ lên nhanh đã tác động đến tình hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Đối với cây lúa, trong vụ hè thu có 25ha lúa mùa nằm ngoài ô bao thuộc xã Tân Long, huyện Thanh Bình bị thiệt hại. Dự báo của ngành chức năng thì còn gần 2.000ha lúa hè thu chịu sức ép của lũ. Ngoài ra, gần 23ha diện tích lúa thu đông thiệt hại do lũ.
Đối với hoa màu, lũ làm thiệt hại gần 140ha. Riêng các vườn cây ăn trái chuyên canh ở các huyện: Lai Vung, Lấp Vò, Châu Thành, nhà vườn đã chủ động gia cố đê bao, đặt máy bơm nước tại vườn nên không bị ảnh hưởng lớn từ lũ. Tuy nhiên, những vùng chuyển đổi từ vườn tạp sang cây ăn trái không theo quy hoạch, chưa có hệ thống đê bao kiên cố ở xã Tân Thạnh, Tân Hòa (huyện Thanh Bình) đã bị ngập với diện tích gần 32ha.
Đối với việc nuôi trồng thủy sản, nước lên nhanh làm ngập bờ ao, diện tích thủy sản có nguy cơ bị thiệt hại gần 7ha. Có 0,5ha thủy sản đã bị thiệt hại khoảng 300 triệu đồng tại xã Bình Thạnh, TX.Hồng Ngự.
Đáng lo ngại là diện tích lúa thu đông xuống giống trễ hơn mọi năm. Hiện tại, tổng diện tích xuống giống lúa thu đông là 110.000/130.000ha theo kế hoạch. Đến cuối tháng 9, diện tích được ngành nông nghiệp nhận định có nguy cơ ảnh hưởng do lũ là gần 15.000ha, tập trung tại TX.Hồng Ngự, huyện Tam Nông, Tháp Mười và huyện Cao Lãnh.
Ông Lê Chí Thiện - Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lãnh thông tin, vụ lúa thu đông năm 2018, địa phương đã xuống giống 27.700ha, trong đó có 3.800ha xuống giống ngoài lịch khuyến cáo của huyện và chưa có đê bao khép kín có nguy cơ bị thiệt hại do lũ. Bên cạnh đó, còn có 8000ha lúa thu đông cần được bảo vệ. Kịch bản đặt ra, nếu mực nước tiếp tục lên và cao hơn từ 20 - 50cm, đê bao trên địa bàn xã nằm cạnh Quốc lộ 30 có nguy cơ tràn và vỡ.
Còn ở Lấp Vò, bà Trương Thị Diệp - Phó Chủ tịch UBND huyện cho rằng, dự báo nếu đỉnh lũ năm nay cao hơn năm 2011 thì 1/3 diện tích lúa thu đông của địa phương sẽ bị lũ đe dọa.
Hoa màu bị thiệt hại do lũ
Không được chủ quan trong công tác phòng, chống thiên tai
Ông Khương Lê Bình - Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh cho rằng, dù đỉnh lũ đã được dự báo là trên mức báo động III tuy nhiên chuyện thiên tai là không thể lường trước được. Giả định lượng nước thượng nguồn dồn về, kết hợp triều cường, sự xuất hiện thêm các cơn bão thì công tác phòng, chống thiên tai sẽ rất áp lực. Vì vậy, các địa phương cần chủ động ứng phó trong mọi lúc.
Nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản người dân trước tình hình lũ lên nhanh, các địa phương, các ngành hữu quan đã đẩy mạnh các khâu để chủ động ứng phó khi có tình huống xảy ra. Ông Nguyễn Văn Khơi - Chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự cho hay, địa phương theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo và diễn biến tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”. Bên cạnh đó, bổ sung, củng cố lực lượng ứng trực, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để triển khai ứng cứu khi có yêu cầu. Huy động phương tiện tu sửa, gia cố các đoạn đê bao, cống, đập.
Ông Nguyễn Văn Công - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ: “Điều đáng lo ngại nhất trong tình hình diễn biến lũ lên nhanh chính là có khoảng 15.000ha lúa thu đông bị lũ đe dọa. Thời điểm này, ngành nông nghiệp không khuyến khích các địa phương xuống giống lúa vụ 3, thay vào đó là xả lũ lấy phù sa, sản xuất lúa đông xuân sớm. Chỉ xuống giống tại những nơi đảm bảo an toàn tuyệt đối. Đối với cây ăn trái, nhà vườn cần cắt tỉa bớt cành lúc cây mang trái để tránh cây bị kiệt sức.
Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nước lũ lên nhanh, ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các ngành hữu quan, địa phương không được chủ quan trong công tác phòng, chống thiên tai. Việc bảo vệ tính mạng, tài sản cho người dân là nhiệm vụ đặt lên hàng đầu. Các đơn vị liên quan đẩy mạnh cập nhật thông tin liên tục, nắm sát địa bàn những điểm xung yếu cần bảo vệ để kịp thời ứng phó, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”. Các địa phương cần rút kinh nghiệm, không để tình trạng xuống giống lúa vụ 3 trễ so với lịch khuyến cáo. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân trồng cây ăn trái tập trung trong các đê bao kiên cố, theo đúng quy hoạch...
Y DU